Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chặn đứng nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động...

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - "Không chỉ khiến đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, Covid-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu…".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg . Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 14/7 tại Hà Nội. 

Đánh giá về tình hình 6 tháng qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước đã diễn ra thành công như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Bầu cử Quốc hội khóa 15 và HĐNĐ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

"Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, cả nước đã thực hiện mục tiêu kép, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội đảm bảo. Đặc biệt, việc làm duy trì" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chặn đứng nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động... - 1

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg (Ảnh: Đỗ Linh).

Đánh giá về tình hình Covid-19 hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tác động của dịch bệnh rất mạnh mẽ và sâu rộng. Đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 (27/4), ảnh hưởng tới lao động và việc làm rất lớn.

"Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp 2,42 %, tỷ lệ thiếu việc làm 2,6 %. Riêng khu vực phi chính thức trên 60 %. Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những khu vực đô thị" -Bộ trưởng đơn cử.

Các lĩnh vực đã bị ảnh hưởng lớn từ năm 2020, nay càng tác động sâu hơn. Điều này khiến đời sống người lao động khu vực càng khó khăn, như: Thương mại, dịch vụ, giao thông, du lịch…Theo Bộ trưởng, không chỉ có nguy cơ đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, Covid-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu.

"Đặc biệt, biến chủng mới đã xâm nhập vào "thành trì" quan trọng nhất của chúng ta, đó là khu vực công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sử dụng lao động lớn. Đây là khu vực cơ bản, chiếm 3,8/11 triệu lao động trực tiếp trong cả nước"  - Bộ trưởng đơn cử.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chặn đứng nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động... - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá những tác động của Covid-19 với lĩnh vực lao động việc làm là rất lớn (Ảnh: Chí Tâm).

Thống kê tới hiện nay, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động trong đợt 4. Sau hơn 1 tháng, tới nay mới có 80.000 đã đi làm trở lại.

Về khu vực phía nam, trong 2 tuần qua, nhiều tỉnh, thành như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Vũng Tàu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt là TPHCM có tới 1,6 triệu lao động, Bình Dương có 1,2 triệu, Đồng Nai có 1 triệu lao động bị tác động lớn. Tình trạng người lao động rút BHXH một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nguy cơ không dừng ở đây. 

Bộ trưởng đánh giá: "Những tác động trên là vô cùng lớn. Điều này cho thấy vấn đề đời sống việc làm đặt ra những gánh nặng lớn trong bối cảnh hiện nay". 

Trong bối cảnh đó, việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn.

"Dư luận đồng tình với những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, Bộ đã chủ động hơn trong việc đề xuất báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội…Trên cơ sở đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg …" - Bộ trưởng cho biết.

Về thủ tục, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã giảm thủ tục xét duyệt hỗ trợ từ 25 ngày xuống còn 5 ngày của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều thủ tục khác giảm từ 40 ngày xuống còn 7 ngày.

Thống kê tới ngày 14/7, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của các tỉnh, thành. Nhiều tỉnh, thành còn ban hành ngay quyết định triển khai trong đêm.

Nhiều tỉnh, thành và BHXH VN, Ngân hàng chính sách xã hội triển khai nhanh sau vài ngày từ khi có Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Bộ trưởng hoan nghênh: "Trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM đã triển khai giải ngân khoảng 100 tỷ đồng, 226.000 lao động tự do sẽ được giải ngân xong việc hỗ trợ trong ngày 14/7. Từ 15/7, TPHCM chuyển sang hỗ trợ đối tượng người lao động có hợp đồng lao động. Dự kiến 30/7, việc hỗ trợ theo kế hoạch của TPHCM sẽ hoàn thiện"…