Bình đẳng giới và chuyện "hoa hậu mong lấy tỷ phú, mũm mĩm phải hầu chồng"
(Dân trí) - "Đừng mong thi hoa hậu về lấy tỷ phú"; "thà lấy bà vợ mũm mĩm, xinh đẹp vừa đủ, về có người hầu hạ cơm bưng nước rót"... Bài giảng với ngôn ngữ hài hước đó được phân tích từ góc nhìn bình đẳng giới.
Phát biểu của Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương trong một chương trình tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên ở Hà Nội làm "dậy sóng" cộng đồng trong những ngày qua.
"Đừng mong thi hoa hậu về lấy tỷ phú, tỷ phú giờ khôn lắm! Thà lấy một bà vợ mũm mĩm xinh đẹp vừa đủ, 3/5 điểm thôi, rồi về nhà hằng ngày có người hầu hạ, cơm bưng nước rót hiền lành còn hơn… cả ngày chỉ xắn quần đòi túi Hermes… Có một số nghề xốc nổi hào quang, tôi đề nghị các em vượt qua cái hào quang đó để thấy bản chất của nó, đừng đầu tư vào đấy".
Sau các tranh cãi, nữ Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương đã lên tiếng phản hồi, chỉ rõ nội dung đoạn clip bị bóc tách, cắt xén và chia sẻ mà không đặt vào bối cảnh cụ thể từ cuộc trò chuyện.
Bà lý giải, tại chương trình, khi một số nữ sinh đưa ra câu hỏi về việc có nên tham dự các cuộc thi nhan sắc nhằm tiến thân, bà đã phân tích, hoa hậu chỉ là danh xưng, không phải một dạng nghề nghiệp. Giới trẻ cần phải nỗ lực từ chính trí tuệ của bản thân, đừng dựa trên nhan sắc vì điều này có nhiều nguy hiểm đi kèm hệ lụy.
Lời thật khó nghe!
"Soi" từ khía cạnh bình đẳng giới, một nhà xã hội học tại TPHCM nhận định, bóc tách những câu chữ thể hiện cá tính, sử dụng ngôn ngữ "độc, lạ" của người nói sang một bên thì phát biểu trên nhấn mạnh đến vai trò của tri thức, của sự tự chủ đối với nữ giới. Đó là những yếu tố hàng đầu kéo theo sự bất bình đẳng giới lâu nay mà ở đây phụ nữ là nạn nhân.
Ông nhấn mạnh, phát biểu này có mặt tích cực là khuyến khích phụ nữ dựa vào sức mình bằng trí tuệ, tri thức, sự tự chủ của mình; đừng ai để cuộc đời, số phận của mình phải lệ thuộc vào người khác, người ở đây được chỉ ra cụ thể là "đại gia", là "tỷ phú".
Theo ông, phát biểu này như một lời cảnh tỉnh, nhất là ở thời đại mà xã hội vẫn chứng kiến những quan điểm, lối sống áp đặt lên nữ giới là... "chỉ cần đẹp".
"Phát biểu này cũng phơi bày bức tranh tâm lý xã hội hiện nay, việc "khát" trở thành hoa hậu, người đẹp, người mẫu... như là mục tiêu, lý tưởng, thậm chí là kế hoạch khởi nghiệp của nhiều cô gái. Tôi gặp nhiều bé gái mới 11, 12 tuổi đã mong muốn sau này đi kéo dài chân, đi nâng ngực... mong sau này thành hoa hậu, người đẹp để "cua" đại gia. Trong nhiều gia đình, vẫn tồn tại suy nghĩ, con gái không cần học nhiều, chỉ cần đẹp, rồi có chồng lo", ông trao đổi.
Cũng từ góc độ bình đẳng giới, chuyên gia xã hội học này cho rằng, xét về câu chữ, ngay trong ý kiến kêu gọi phụ nữ cần tự chủ, độc lập này cũng lại... chứa đựng màu sắc bất bình đẳng.
Hoa hậu là một danh hiệu, để đạt được đòi hỏi cần nhiều yếu tố về hình thể, nhan sắc, trí thức, hiểu biết... Thực tế, nhiều hoa hậu tự chủ với danh hiệu này, làm được nhiều việc cho cộng đồng, xã hội. Với rất nhiều lợi thế, họ là đại gia của chính mình chứ không mặc đời "trôi nổi" trong tay các tỷ phú.
Nữ giới, trong đó có cả hoa hậu cần được trân trọng, tôn vinh khi nỗ lực thể hiện mình, thể hiện các ưu thế bản thân một cách tích cực mà không bị phê phán, đánh đồng.
"Hơn nữa, không có nghĩa "bà vợ mũm mĩm", ít xinh đẹp hơn hoa hậu thì phải "bù đắp" phần nhan sắc bằng cách hầu hạ, bưng cơm nước rót hầu chồng... Quan điểm này kêu gọi người phụ nữ đừng chỉ "cậy" vào nhân sắc nhưng lại đặt nặng vị thế của sắc đẹp, hạ thấp giá trị tri thức, tự chủ của người phụ nữ", ông phân tích, giờ đây, vợ chồng không ai hầu ai mà cùng hợp tác để sống chung.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh này, theo tôi người phát biểu không có hàm ý như vậy", ông nhấn mạnh.
Cái đẹp cần có phẩm chất
Chưa cần nói đến việc không ít người tìm đến các cuộc thi hoa hậu, người đẹp vì mục đích mong đổi đời, thay đổi số phận mà trong cuộc sống đời thường, nhiều chị em cũng khổ sở vì.. cái đẹp lệ thuộc.
Nhiều chị em lớn tuổi, thay vì sống chính là mình lại cắn răng lên bàn mổ hút mỡ bụng, bơm ngực, căng da đủ kiểu mong "quay ngược tuổi xuân" vì sợ chồng chê, chồng bỏ. Hay không ít cô gái tuổi trẻ phơi phới chọn con đường làm người thứ 3, làm "sugar baby"... dùng nhan sắc sống "tầm gửi", bất chấp đạo lý. Lợi thế, hạn chế cho đến những hạnh phúc, sướng khổ của họ lúc này đều... "cậy" hết vào sự ưu ái, để mắt từ chồng, từ đàn ông.
Trong lần chia sẻ với các bạn nữ tại TPHCM về vẻ đẹp của phái nữ ngày nay gần đây, GS.TS Thái Kim Lan (GS triết học Phương Đông, trường Đại học thành phố Munich, Đức) nhấn mạnh, cái đẹp của người con gái Việt giờ đây không còn gò bó trong tiêu chuẩn đẹp vì chồng, vì con, vì gia đình như trước đây.
Phụ nữ đang được "cởi trói", ngày càng mạnh mẽ trong việc thể hiện tốt phẩm chất "Dung" trong Công - Dung - Ngôn - Hạnh.
Theo bà, cái đẹp ở thời đại nào cũng luôn cần được khuyến khích, trân trọng và cần được hiểu, cái đẹp phải có phẩm chất. Ngoài ra, không chỉ phụ nữ mới cần "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" mà đàn ông cũng cần những phẩm chất này.
"Chúng ta làm đẹp là để trân quý, tôn trọng bản thân và người xung quanh. Cái đẹp đó cần đức hạnh, đi cùng trí tuệ, nhận thức và sự tự chủ của mỗi người, đó mới là dung nhan thuyết phục", GS Thái Kim Lan nhấn mạnh.
Bà cũng lo ngại, hiện nay nhiều người đang chạy theo cái đẹp để phô trương, để chinh phục, để toan tính hay để làm thỏa mãn dục tính của người khác.
Nữ GS triết học băn khoăn: "Ở Việt Nam hiện có quá nhiều cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Nhiều người, từ bé đến lớn đều muốn thành người đẹp, hoa hậu, kéo theo góc nhìn về cái đẹp bị méo mó, sai lệch".