1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm y tế phủ 91% dân số

Thái Anh

(Dân trí) - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định, thành tựu quan trọng của chính sách BHYT là tỷ lệ người dân tham gia tăng vượt bậc, từ mức 57% dân số năm 2009 đến 2021, độ phủ đã đạt 91%.

Con số được lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) nêu tại hội nghị chuyên đề về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) diễn ra sáng 8/7/2022.

Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề cập mốc thời điểm năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 1/7 hằng năm là "Ngày BHYT Việt Nam". Từ đó đến nay, chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam ngày càng phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt nhất quyền lợi bảo hiểm y tế của người tham gia. Đặc biệt, người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Bảo hiểm y tế phủ 91% dân số - 1

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, Quỹ Bảo hiểm y tế đã tạo nguồn tài chính chủ lực và có đóng góp đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chính sách bảo hiểm y tế có bước phát triển mới, nổi bật là tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế có sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm.

Năm 2009, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 57% dân số, đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.

Trung bình hàng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, Quỹ Bảo hiểm y tế đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng, chống dịch, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Mục tiêu là tiến tới 100% người dân tham gia và được hưởng BHYT, trong đó, đến cuối năm nay, 2022, cả nước phấn đấu đạt khoảng tỷ lệ 92%.

Ước tính chung, đến hết tháng 6/2022, có trên 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.

Tuy nhiên, một diễn biến mới khiến lãnh đạo BHXH Việt Nam nghi ngại đã bộc lộ trong gần đây, do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg (phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và các giải pháp để duy trì, phát triển tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế.

Phó trưởng Ban Quản lý thu và sổ thẻ Trần Quốc Túy thông tin, từ 2017 đến 2020, hàng năm số lượng tham gia BHYT đều tăng khoảng trên 2 triệu người, bình quân tăng khoảng 3% một năm. Tuy nhiên, từ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861 đã làm sụt giảm số người tham gia BHYT.

Một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225.500 người, Sóc Trăng giảm 309.500 người, Trà Vinh giảm 243.600 người, Sơn La giảm 180.000 người, Thanh Hóa giảm 183.300 người…

Tính đến nay còn khoảng 2,65 triệu người trong số 3,1 triệu người thuộc diện này chưa được tham gia BHYT.