(Dân trí) - Cú ngã từ cầu thang khiến thạc sĩ tâm lý Hoàng An liệt hai chân. Anh mất 6 năm để vực dậy sau biến cố, trở lại bục giảng và làm thiện nguyện để "trả ơn đời vì đã muốn tôi sống"...
6 NĂM VẬT NÀI TÌM... CÁI CHẾT VÀ HÀNH TRÌNH TỰ CHỮA LÀNH CỦA "CHÀNG TRAI KỂ CHUYỆN"
Cú ngã từ cầu thang khiến thạc sĩ tâm lý Hoàng An liệt hai chân. Anh mất 6 năm để vực dậy sau biến cố, trở lại bục giảng và làm thiện nguyện để "trả ơn đời vì đã muốn tôi sống".
Buổi sáng, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An đặt xe taxi đi hơn 30km từ nhà ở huyện Cần Đước lên Sài Gòn để ghi hình phỏng vấn cho một chương trình truyền hình. Cùng với bộ đồ tây sơ vin gọn gàng, chiếc cà vạt, giờ đây, hành trang bất ly thân trong mỗi chuyến đi của An là một chiếc xe lăn. Sau gần một tiếng di chuyển, An có mặt, các phóng viên đã chuẩn bị sẵn chỗ ngồi, máy quay, micro chờ vị chuyên gia 31 tuổi.
"Tôi từng hối tiếc rằng không thể tự chữa lành những tổn thương, mặc cảm cho mình sau biến cố sớm hơn. Tiếc vì đã có thời gian tự hủy hoại bản thân và muốn chết trong khi cha mẹ luôn từng giây từng phút cầu nguyện cho tôi được sống. Giờ, khi bình tâm lại, tôi biết đó là điều mà ắt hẳn ai cũng trải qua khi biến cố lớn ập đến bất ngờ", An nói, thở phào nhẹ nhõm và mỉm cười trước ống kính máy quay, bắt đầu kể về câu chuyện đời mình.
Bạn bè, người thân gọi Hoàng An là "người kể chuyện".
Ước mơ vỡ tan
Hoàng An là con cả trong gia đình có hai anh em, bố làm thợ hồ, mẹ là công nhân. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ cậu bé An đã có tính tự lập. Anh luôn cố gắng học giỏi để vào đại học, chở thêm những ước mơ của ba mẹ và làm gương cho cậu em trai.
Hết cấp 3, anh thi vào ngành tâm lý trường đại học Sư phạm TPHCM. Song song việc học, chàng trai vẫn tham gia tích cực các phong trào đoàn trường nên được nhiều bạn bè, thầy cô yêu quý.
Sau đó, An đăng ký học lên thạc sĩ đồng thời làm công tác tư vấn tâm lý học sinh ở một ngôi trường tư thục với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Cộng với việc dạy thêm ở nhiều trường khác, anh đủ xoay sở cuộc sống ở Sài Gòn và dành tiền gửi về mua sách vở, đóng học phí cho em trai.
Sau khi chính thức trở thành giảng viên ở khoa Tâm lý học của trường đại học Sư phạm năm 2016, ngoài việc dạy ở trường, làm Bí thư đoàn khoa, An còn nhận dạy ở bên ngoài, đi quay các chương trình truyền hình...
"Tôi nghĩ đến việc mỗi giờ mình làm có thể bằng tiền cha mẹ làm cả tháng nên rất ham việc. Lúc đó, tôi nôn nóng sớm trả hết nợ cha mẹ vay nuôi tôi ăn học. Tôi cũng muốn sửa nhà, muốn thay cha mẹ lo em trai đang còn đi học", An hồi tưởng.
Anh cho biết lúc bấy giờ bản thân tự thấy sức khỏe tốt, có thể chịu được áp lực công việc cao và bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền.
Cũng vì thế mà sức khỏe của anh giảm sút lúc nào không hay biết. Một sáng cuối tháng 4/2016, An bị tụt canxi và té ngã từ cầu thang tầng 1 xuống. Cú va chạm ảnh hưởng đến cột sống, khiến đôi chân của anh mất hết cảm giác.
Sau 2 tháng nằm 2 bệnh viện, chàng trai cao 1m8, nặng 70kg chỉ còn hơn 40kg. Ngoài đôi chân chắc chắn không thể đi lại được, cơ thể An còn suy nhược nặng, tiểu cầu giảm, tiên lượng sống rất thấp nên bác sĩ để người nhà đưa về.
Thời điểm đó, An bị những cơn đau nhức hành hạ nên chỉ còn cách tìm đến thuốc giảm đau. Uống xong thì rơi vào giấc ngủ, ngủ dậy thấy đau, lại uống tiếp. Vì thế mà trí nhớ của cậu giảm sút.
Mẹ An, bà Khấu Thị Điệp cho biết: "Lúc đó con chưa chấp nhận mình phải ngồi xe lăn suốt đời. Nhà trường có cho một chiếc nhưng con không chịu sử dụng, mọi sinh hoạt đều phải nhờ cha mẹ".
Sau một năm rưỡi nằm trên giường, lần đầu tiên An chấp nhận sự thật, vĩnh viễn không thể đi lại bằng đôi chân. Chàng trai đẩy xe đi tìm bịch thuốc, nhìn lại một đống vỏ, hai hàng nước mắt túa ra vì không ngờ mình đã uống quá nhiều như vậy.
Cũng thời gian này, nhiều đoàn từ thiện, Phật tử nghe tiếng ở Cần Đước "có cậu giảng viên nhà nghèo, học giỏi mà bị liệt" nên tìm đến hỏi thăm, tặng quà. Hàng xóm đồn đoán anh bị ung thư sắp chết. Bạn bè, đồng nghiệp đổ dồn nhắn tin trên mạng xã hội hỏi thăm về đôi chân khiến An mặc cảm, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Mỗi đêm, cha anh ngồi bóp chân, còn mẹ thì cầu nguyện để con vượt qua kiếp nạn. Nhìn cha mẹ gầy rộc, mắt sâu hoắm, tóc thêm nhiều sợi bạc trong khi anh chỉ biết nằm một chỗ. Lúc này, anh hiểu ước mơ làm trụ cột gia đình của mình đã tan biến.
Nhiều lần được cha mẹ đưa đi khắp nơi chữa trị, thuốc nam thuốc bắc đủ cả nhưng đôi chân vẫn không lấy lại được cảm giác, An bị trầm cảm và rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên.
"Tôi tự lấy tay đấm vào chân, tự hành hạ bản thân mình trong vô thức, không còn biết đúng sai. Học tâm lý, từng tư vấn cho nhiều người nhưng tôi không thể tự cứu lấy mình ngay lúc đó. Tôi chỉ nghĩ đến cái chết, tuyệt thực để sớm được chết", An chia sẻ.
Bà Điệp cho biết, thời điểm đó, cứ đút thức ăn là con lại đẩy ra, không nhai, không nuốt. Có lúc bà phải dùng máy xay sinh tố làm nhuyễn cháo, có lúc nhai cơm bón từng miếng, ép con trai nuốt xuống.
Một lần, cha mẹ đưa anh ra nhà vệ sinh gội đầu, vì cơ thể yếu ớt nên An lên cơn co giật, khó thở khiến cả nhà một phen hú vía. Cha anh hô hấp nhân tạo, ép ngực, ép tim nhưng An vẫn không tỉnh. Tưởng con không thể qua khỏi, người cha bất lực lẳng lặng đi tìm chiếc áo sơ mi trắng mà hồi làm giảng viên An thường mặc để chuẩn bị lo hậu sự.
Bất ngờ, bà Điệp giật áo quăng ra xa, một mực bảo con vẫn sống và ôm anh khóc nức nở trước sự chứng kiến của nhiều người thân, hàng xóm có mặt lúc đó.
"Bằng một phép màu nào đó, tôi tỉnh lại. Tôi chỉ còn nhớ đã thấy nhiều người trong nhà đang khóc, rồi tôi thiếp đi không biết gì nữa", An kể.
Viết lại những giấc mơ khác
Sau lần đó, chàng trai trở nên khát sống hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên vào Facebook, An mới dám mở hộp thư đến để xem có những người bạn nào nhắn tin cho mình, tuy vẫn sợ và hồi hộp.
Anh bắt đầu tìm đọc những cuốn sách truyền cảm hứng, những tấm gương vươn lên trong nghịch cảnh.
Cũng từ đó, An bảo cha không cần ngủ chung với mình. Một mình trong đêm tối dưới bóng đèn mờ đục, chỉ còn mình An và cái bóng của mình cố gắng tự mình gồng để ngồi dậy. Ban ngày, anh cũng không cần cha phải ẵm từ giường sang xe lăn mà muốn tự mình thử sức.
"Thời gian mới bị tai nạn thì nước mắt rơi trên giường bệnh, khi vực dậy thì nước mắt đã cạn, nhưng mồ hôi tôi rơi", An chia sẻ.
Nhớ lại những Phật tử xa lạ với màu áo lam từng đến thăm mình lúc hoạn nạn, bỗng An muốn đi chùa làm việc thiện như một cách trả ơn cuộc đời.
Lần đầu đến một ngôi chùa gần nhà, An ốm nhách, da trắng bệch, được cha ẵm trên tay trước ánh nhìn thương xót của những người có mặt ở đó. Rồi lần thứ hai, thứ ba, cứ thế đều đặn mỗi tuần, An bắt đầu phụ giúp các Phật tử trong chùa cắm hoa, chuẩn bị những suất ăn chay…
Mùa dịch năm ngoái, An vận động kinh phí từ bạn bè, thầy cô ở trường cũ chung tay giúp đỡ người dân trong các khu phong tỏa ở gần nhà.
Ban đầu, phần vì sợ dịch bệnh, phần lo con trai không đủ sức khỏe để làm nên gia đình không ủng hộ việc làm của An. Không cố thuyết phục, anh thay đổi gia đình bằng cách mang quà về nhà để mọi người cùng chia phần, sau đó nhờ ba mẹ chở quà đi trao tận tay người cần.
"Nhìn những nụ cười, niềm vui của mọi người, chúng tôi hiểu được việc con trai làm rất có ý nghĩa", mẹ An nói.
Năm 2019, An được nhận làm cộng tác viên tư vấn ở đài phát thanh truyền hình Vĩnh Long. Thường kết nối với An để làm việc nhưng biên tập viên Duy Hằng không hề biết thầy tâm lý được thính giả hâm mộ lại là người khuyết tật. Sau khi biết được câu chuyện về nghị lực của An, chị Hằng đã kết nối nhà hảo tâm tặng anh chiếc xe lăn điện.
Nữ biên tập viên tâm sự, An kể ngày đầu tiên ngồi lên chiếc xe em ấy cảm thấy rất hồi hộp như sắp tham gia một trò chơi cảm giác mạnh.
Khi An điều khiển được phương tiện, người thân đứng xung quanh hò reo, cỗ vũ khiến chàng trai thấy mình như cậu bé 1 tuổi chập chững những bước đầu đời.
"Thính giả vùng Tây Nam Bộ rất yêu mến thầy An, cứ nối máy là yêu cầu được thầy An tư vấn. Tuy chưa lập gia đình, nhưng An có thể gỡ rối cho nhiều cặp vợ chồng, thậm chí là về chuyện chăn gối. Mỗi lần có trường hợp như thế, An đều bảo tôi phải báo trước để em ấy chuẩn bị…", chị Hằng cười, chia sẻ.
Không chỉ trở lại với những công việc chuyên môn. Hoàng An lập quỹ từ thiện mang tên Nhân ái với sự góp sức của nhiều nhà hảo tâm, bạn bè để giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn. Từ quy mô hoạt động ở huyện Cần Đước nơi anh sống, hai năm qua, quỹ đã vươn xa hơn, giúp hàng trăm hoàn cảnh trong tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây.
"Đi nhiều, tôi thấy bi kịch đời mình chưa là gì so với hàng nghìn mảnh đời ngoài xã hội. Từ đó mà tôi cảm thấy mình còn may mắn và cần phải lạc quan vượt qua để giúp đỡ thêm nhiều người hơn nữa", An chia sẻ.
"Trước đây, những chuyến đi trao quà của anh thường có nhiều người theo cùng. Nhưng mới đây An tự bắt xe đò đi hơn 150km đến một trường tiểu học ở Bình Phước để trao tận tay các em những phần quà gồm sách vở, tập bút… Người bình thường muốn đi vốn đã khó huống gì An lại ngồi xe lăn. Đó là điều tôi khâm phục nhất từ cậu ấy", anh Dương Chiến, 38 tuổi ở Bến Lức, một người bạn đồng hành cùng An trong nhiều chuyến thiện nguyện kể.
Từ nỗi mong muốn được sống, An tích cực tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày, sức khỏe cũng từ đó cải thiện hơn. Chàng trai còn trồng cả một vườn sen đá để tìm vui những lúc rảnh rỗi và làm quà cho những người bạn đến thăm nhà.
Chính thức trở lại, nhưng đôi lần An vẫn còn cảm thấy tự ti khi ai đó cứ nhìn chằm chằm đôi chân teo nhỏ của mình. Tuy nhiên, nhiều cơ hội cũng được mở ra.
An không chỉ được cộng tác với nhiều chương trình ở đài PTTH Vĩnh Long mà các trường học cũng thường mời anh về nói chuyện, tư vấn, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trong một số chuyên đề ở khoa Tâm lý học trường đại học Sư phạm, An được mời về dạy lại.
Trước hàng trăm sinh viên, những bài giảng của An được lấy ra từ chính câu chuyện đời mình.
"Thầy tự đặt trên vai mình áp lực phải học giỏi, phải kiếm nhiều tiền để giúp gia đình từ thuở thơ ấu đến lúc trưởng thành. Bản thân tự tin mình có sức khỏe tốt nên cứ lao đầu vào công việc. Cú ngã có thể là dấu mốc để thầy nhìn lại mình. Tiếc là thầy phải trả giá quá lớn. Tiền chỉ là phương tiện, cuộc sống chúng ta còn có gia đình, bạn bè và sức khỏe nên hãy cố gắng cân bằng mọi thứ", An chia sẻ lời chốt sau bài giảng của mình.
Diệp Phan