12/6, Thủ tướng đối thoại với công nhân: "Nóng" chuyện tiền lương, nhà ở

Thái Anh

(Dân trí) - 10.000 câu hỏi, kiến nghị của người lao động được tập hợp, chuẩn bị cho cuộc đối thoại thể hiện mong muốn Chính phủ "chốt" việc tăng lương sớm, đầu tư nhà ở, trường học và thiết chế cho công nhân…

Đây là những nội dung mà Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin tại buổi họp báo thông tin về chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 và chương trình "Giờ thứ 9+" diễn ra chiều 9/6/2022.

Đây là hoạt động trọng tâm trong tháng công nhân, đây cũng là dịp để lãnh đạo Chính phủ quan tâm tới công nhân, thấu hiểu người lao động.

12/6, Thủ tướng đối thoại với công nhân: Nóng chuyện tiền lương, nhà ở - 1

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về nội dung 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động với lãnh đạo Chính phủ.

Theo đó, buổi gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Bắc Giang với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước". Chương trình đối thoại dự kiến sẽ có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Cùng dự buổi đối thoại còn có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số Bộ, ban ngành, văn phòng chính phủ và đại diện một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề, lãnh đạo tỉnh, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua, công đoàn các cấp đã mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước để chuẩn bị cho chương trình đối thoại của người đứng đầu Chính phủ với công nhân lao động năm nay. Đến nay, có 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động đã được tập hợp, tập trung vào 10 nhóm vấn đề.

Trước hết, rất nhiều công nhân lao động đề nghị tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022 đồng thời mong lương được tăng nhiều hơn nữa. 

Ngoài lương thì vấn đề mà công nhân lao động bức thiết, quan tâm lớn nhất là về việc sửa đổi chính sách BHXH; đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động; vấn đề nhà ở, trường học và thiết chế công đoàn cho công nhân; vấn đề tín dụng, đào tạo nghề; vấn đề nợ BHXH hạn chế tai nạn giao thông trên đường đi làm...

"Những vấn đề tưởng như rất nhỏ nhưng liên quan mật thiết tới người lao động", ông Hiểu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiểu, đây là đều là những bức xúc thực tế, liên quan mật thiết tới đời sống của công nhân, lao động và được Tổng Liên đoàn cũng thường xuyên đối thoại với công nhân lao động. Trong khuôn khổ sự kiện đối thoại với Thủ tướng, vấn đề này sẽ được nâng lên thành trọng tâm.

Để có nhiều nhà cho công nhân, theo ông Hiểu, cần tạo điều kiện cho nhiều chủ thể xây dựng nhà ở để cho thuê và bán cho công nhân. Người lao động rất cần nhà, nhiều chủ thể rất sẵn sàng nhưng cơ chế chính sách chưa cho phép.

12/6, Thủ tướng đối thoại với công nhân: Nóng chuyện tiền lương, nhà ở - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một hoạt động thực tế nắm tình hình công việc, đời sống của công nhân lao động (Ảnh: VGP).

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn bày tỏ, mong chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động là diễn đàn để tháo gỡ các chính sách pháp luật liên quan đến nhà ở cho công nhân để có thêm nhiều nhà cho người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ quyết liệt theo đuổi chính sách nhà ở cho công nhân bằng những kiến nghị, tích cực phối hợp với các bộ ngành để đưa ra các đề xuất, mục tiêu là khơi thông nguồn lực để có nhiều chủ thể xây dựng nhà ở cho công nhân.

Cụ thể, đại diện Tổng liên đoàn Lao động cho biết, đơn vị đang kiến nghị phải tách riêng vấn đề nhà ở cho công nhân lao động ra, không đứng chung với chính sách nhà ở xã hội.

"Người nghèo có thể thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng là nghèo, nhưng công nhân lương tháng 3 - 4 triệu đồng vẫn không khác gì người nghèo... Vì thế cần có chính sách đặc thù trong xây dựng nhà ở cho công nhân, khó đặt cùng với các chính sách nhà ở xã hội nói chung được", ông Hiểu nói.

Về chính sách an sinh, công nhân lao động mong muốn sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để họ gắn bó với bảo hiểm xã hội, khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Ông Ngọ Duy Hiểu phân tích, nhiều người lao động biết rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt thòi, sau này không có lương hưu nhưng vì khó khăn quá, đợi đóng bảo hiểm rất dài ngày nên đành chấp nhận rút để có tiền giải quyết những eo hẹp trước mắt.

Ngoài ra, công nhân lao động cũng mong có chính sách tín dụng riêng, bởi nếu có hệ thống tín dụng tốt cho công nhân thì sẽ khắc phục được nạn "tín dụng đen" hiện nay. Người lao động cũng phản ánh nhiều vấn đề khác về đào tạo nghề; mong muốn có biện pháp xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật với người lao động (không ký hợp đồng lao động, nợ lương, bảo hiểm); về nơi khám chữa bệnh; an toàn thực phẩm; đảm bảo an toàn tại nơi ở, nơi làm việc, đi làm việc…