Nhóm bạn trẻ phục dựng ảnh người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai
(Dân trí) - Biết thông tin bức ảnh thờ của liệt sỹ Phan Đình Giót bị hư hỏng, mục nát, nhóm bạn trẻ bắt tay phục dựng và trao tặng cho thân nhân.
Ngày 23/7, chị Nguyễn Ny Hương, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cùng nhóm bạn trẻ Team Lee đến xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) thăm và trao tặng thân nhân bức ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót.
Trước đó, đại diện Tỉnh đoàn Hà Tĩnh thấy bức ảnh thờ của Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót bị hư hỏng, mục nát, không rõ mặt nên đã xin phép thân nhân, kiến nghị với nhóm Team Lee phục dựng lại ảnh chân dung. Khi biết tin, các thành viên trong nhóm rất hào hứng và nhận thực hiện công việc hoàn toàn miễn phí.
Đến sáng 23/7, bức ảnh phục dựng chân dung anh hùng Phan Đình Giót được nhóm bạn trẻ quấn trong lá cờ đỏ sao vàng đưa từ Hà Nội về.
"Tại gia đình liệt sỹ, sau khi nhóm mở lá cờ ra, bức hình chân dung về anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót sắc nét, có hồn xuất hiện. Giây phút đó, không chỉ người thân liệt sỹ mà ai chứng kiến cũng đều rất xúc động", chị Ny Hương chia sẻ.
Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đánh giá, đây là việc làm rất ý nghĩa trong dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023) do nhóm bạn trẻ thực hiện.
Chị Nguyễn Ny Hương cũng hy vọng nhóm sẽ tiếp tục lan tỏa hành động đẹp này tới những người trẻ trong xã hội, góp phần bồi đắp truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.
Trước đó, vào năm 2022, nhân dịp chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9, nhóm Team Lee cũng tự bỏ tiền túi thực hiện dự án phục dựng ảnh màu cho 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Phan Đình Giót sinh ở làng Vĩnh Yên (nay là thôn 8), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo. Bố ông bị chết vì đói. Ông phải đi ở từ năm 13 tuổi và chịu cảnh cực nhọc, vất vả.
Sau Cách mạng tháng Tám, Phan Đình Giót tham gia tự vệ chiến đấu. Đến năm 1950, ông xung phong đi bộ đội chủ lực. Phan Đình Giót đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.
Mùa đông năm 1953, đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng hành quân gần 500 người, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng theo lời kể, ông vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích.
Chiều 13/3/1954, đơn vị của ông nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Bộ đội Đại đội 58 lao lên mở đường, liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa. Bộ đội bị thương vong nhiều.
Sau đó, Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, phá hàng rào cuối cùng, mở thông đường để quân đội lên đánh lô cốt đầu cầu. Quân Pháp hoang mang, vận dụng thời cơ, Phan Đình Giót tiến công lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Trong đợt này, Phan Đình Giót bị thương vào vai, mất máu nhiều.
Bất ngờ, hỏa điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn mạnh. Lực lượng xung kích Việt Nam bị ùn lại, Phan Đình Giót đến lô cốt số 3 với ý nghĩ dập tắt ngay lô cốt này. Ông dùng sức (khi đã bị thương, mất máu) nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to: "Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân".
Rồi sau đó, Phan Đình Giót lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai. Hỏa điểm bị dập tắt, quân Việt Nam tiếp tục xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13/3/1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phan Đình Giót (1922-1954) là một trong 16 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.