1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Vượt lũ lớn, đưa người ốm đang bị cô lập đi cấp cứu

(Dân trí) - Sau nhiều ngày bị cô lập, ngày 5/8, bản Sa Lắng và bản Vui trong vùng lũ đã được chính quyền địa phương tiếp cận. Người dân bị ốm đã được đưa bằng thuyền vượt sông đi cấp cứu.

Thông tin mới nhất từ UBND xã Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa cho biết, ngày 5/8, sau nhiều nỗ lực, chính quyền địa phương đã tiếp cận được bản Sa Lắng và bản Vui.

11846056-1007384789271976-1014312698-n-0be35
Đưa bệnh nhân vượt sông đi cấp cứu

Trước đó, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ, nước sông Mã dâng cao bất ngờ khiến 3 bản: Sa Lắng, bản Giá và bản Vui đã bị cô lập hoàn toàn suốt nhiều ngày liền. Mặc dù chỉ cách quốc lộ 15A con sông Mã, nhưng việc vượt sông vào các bản trên rất khó khăn do dòng nước chảy xiết. Nhưng đến thời điểm này, chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Quan Hóa đã tiếp cận được 2 trong số 3 bản bị cô lập trong lũ.

Tại bản Giá, sau khi nhận được thông tin có người dân bị ốm, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Bí thư, Trưởng bản tổ chức đưa đi cấp cứu đối với trường hợp bị tai biến tại bản là chị Hà Thị Dọm.

11828835-1007354235941698-2406935551306027333-n-d2e4e

Con thuyền vượt dòng sông Mã đục ngầu, nước chảy cuồn cuộn.

11844098-1007384525938669-1612166600-n-a8919
Với nỗ lực của bà con dân bản, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, bệnh nhân đã được đưa đi cấp cứu kịp thời

Do đường bị sạt lở, bùn đất không thể đi bằng xe nên bà Dọm được mọi người khiêng bằng cáng đi bộ khoảng 9km từ trung tâm bản đến bến đò. Mặc dù nước sông Mã vẫn đục ngầu, chảy cuồn cuộn, nhưng với tinh thần, trách nhiệm và dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo xã Thanh Xuân, cán bộ và bà con nhân dân bản Giá đã bất chấp hiểm nguy đưa bệnh nhân vượt sông bằng thuyền gỗ.

Tại bến đò, chính quyền địa phương đã bố trí cán bộ túc trực, tổ chức sơ cứu bệnh nhân ngay tại chỗ. Về phía nhà máy thủy điện Hồi Xuân đã hỗ trợ xe ô tô để đưa người bệnh xuống trung tâm huyện cấp cứu.

11805696-1007384959271959-789423957-n-3a6db
Hiện tại vẫn chưa thể tiếp cận được bản Giá

Còn tại bản Vui, ngay sau khi tiếp cận, UBND huyện, Hội Chữ thập đỏ huyện Quan Hóa cũng đã trích kinh phí hỗ trợ bước đầu cho 2 gia đình bị sập nhà, mỗi gia đình 1 triệu đồng để ổn định cuộc sống.

Trước mắt, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động bà con yên tâm, ổn định cuộc sống. Đồng thời, xã cũng đã cử cán bộ xuống các bản mới tiếp cận được cùng hỗ trợ bà con dọn dẹp lại nhà cửa, tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại cụ thể để có thể hỗ trợ bà con ngay sau khi ổn định lại tình hình.

11855783-1007354472608341-2342364422629230646-n-ad0f8
Hỗ trợ gia đình bị sập nhà
11851033-1007384122605376-435684197-n-6f321
Người dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa
1-8e43b

Việc tiếp cận bản Giá vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tuyến đê sạt lở nghiêm trọng

Hai tuyến đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là đê tả sông Chu, đoạn qua xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, thuộc lý trình từ K30 + 892 - K18 + 994. Vị trí này bị sạt 3 cung, trong đó cung lớn nhất dài là 24m và ăn sâu vào chân đê đến 2m theo vách đứng.

20150804-145716-de9a8
Điểm sạt lở đê tả sông Chu, đoạn qua địa bàn xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Huy Hoàng - Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - cho biết: “Sạt lở chưa ảnh hưởng trực tiếp đến đê, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Chi cục đê điều cũng đã lên kiểm tra, nắm bắt trực tiếp tình hình rồi. Hiện các ngành đang xin chủ trương khắc phục vì đây là đê do trung ương quản lý”.

Bên cạnh đó, đê sông Mã, đoạn qua thôn 6, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Theo ghi nhận tại hiện trường, vết sạt lở kéo dài hơn 100m, chiều rộng vết sạt lở khoảng 5 - 6m. Hiện tượng sạt lở vẫn tiềm ẩn nguy cơ ăn sâu vào hướng chân đê.

dscf9731-13803
Điểm sạt lở đê sông Mã, đoạn qua xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa

Tình trạng sạt lở là do mực nước các sông lên cao. Nhiều hộ gia đình canh tác dọc ven sông cũng bị mất một phần đất, cây cối, hoa màu do nước sông cuốn trôi.

Theo ông Nguyễn Trọng Hải - Chi trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa - nếu không có phương án gia cố và khắc phục kịp thời, đây sẽ là điều đáng lo ngại cho người dân trong mùa mưa bão năm nay.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đê điều tỉnh Thanh Hóa cũng đã cử đoàn công tác thị sát, nắm bắt tình hình và báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để có hướng xử lý, khắc phục sự cố sạt lở đê.

Trước mắt, ngành chức năng đã cắm mốc theo dõi diễn biến sạt lở, đồng thời chuẩn bị vật tư, lực lượng tại chỗ, sẵn sàng xử lý  khi tình huống xấu có thể xảy ra.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, chủ động ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, đá có thể xảy ra bất ngờ, tiến hành rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở.

20150804-145548-4fb88
Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát các vị trí sạt lở để có hướng khắc phục
dscf9718-02de8
Nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng

Duy Tuyên