1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ rừng đặc dụng “chảy máu”: Lỗi lớn do chủ rừng?

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí phản ánh hiện tượng rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông bị khai thác, cơ quan chức năng đã cử các đoàn kiểm tra xác minh. Tuy nhiên, theo lực lượng kiểm lâm, trách nhiệm chính trong vụ việc này là chủ rừng và chính quyền địa phương.

>> "Chảy máu" rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên

Tại buổi làm việc với phóng viên Dân trí ngày 13/6, ông Lê Quốc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa - cho biết: “Sau khi nghe có hiện tượng, chúng tôi đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Bá Thước tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra do huyện chủ trì”.

Gỗ bị khai thác tràn lan trong rừng
Gỗ bị khai thác tràn lan trong rừng

Để kiểm tra vấn đề an ninh rừng, UBND huyện Bá Thước đã có Quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra an ninh rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các xã trọng điểm và các chủ rừng Nhà nước. Theo đó, đoàn số 1 kiểm tra tại các xã Thành Sơn, Lũng Niêm; đoàn số 2 kiểm tra xã Cổ Lũng, Lũng Cao của huyện Bá Thước - cả hai khu vực đều thuộc chủ rừng là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm để xảy ra tình trạng rừng bị khai thác trái phép, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho rằng trách nhiệm là của chủ rừng và chính quyền địa phương, còn lực lượng kiểm lâm chỉ là đơn vị tham mưu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc năm 2015, trong khu vực rừng do Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông quản lý có hay không hiện tượng khai thác gỗ trái phép, ông Việt cho biết theo báo cáo của Khu bảo tồn thì còn hiện tượng khai thác nhỏ lẻ.

Liên quan đến tình hình an ninh rừng trên địa bàn huyện Bá Thước, ông Việt cho biết, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Bá Thước, có hiện tượng khai thác, chủ yếu là ở xã Thành Sơn và một số địa bàn khác trong khu vực lâm phận.

Ông Nguyễn Văn Vân - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa khẳng định: “Hiện tượng là có rồi, còn có đến đâu thì phải kiểm tra cụ thể”.

Đồng thời, ông Vân cũng cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là chủ rừng và sau đó là chính quyền địa phương, thứ ba mới đến vai trò của người tham mưu là lực lượng kiểm lâm.

Theo khẳng định của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, thời gian qua, công tác theo dõi, giám sát của Chi cục Kiểm lâm cho thấy, tình hình an ninh rừng thuộc các chủ rừng nhà nước và một số chủ rừng là hộ gia đình chưa vững chắc. Tình trạng khai thác rừng, vận chuyển gỗ trái phép vẫn xảy ra tại nhiều nơi. Tình trạng xâm lấn, cải tạo rừng tự nhiên khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép...

Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm luôn cho rằng, trách nhiệm chính là của chủ rừng
Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm luôn cho rằng, trách nhiệm chính là của chủ rừng

Phía kiểm lâm cho rằng lỗi này là do các chủ rừng chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ diện tích rừng được nhà nước giao; không có chế tài xử lý đối với chủ rừng thiếu trách nhiệm để rừng bị khai thác, bị phá.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của chính quyền đối với các hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn chưa được chú trọng. Cá biệt, nhiều địa phương nhiều năm liền không tổ chức thanh tra, kiểm tra an ninh rừng của các chủ rừng trên địa bàn, không thực hiện đúng quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, các Hạt kiểm lâm có biểu hiện lơ là, không nắm vững quy định của pháp luật để tham mưu; chủ yếu vẫn thực hiện kiểm tra độc lập theo chức năng, nhiệm vụ của kiểm lâm; chưa chuyển tải thành trách nhiệm của chính quyền.

Duy Tuyên