Vợ “Bầu” Kiên đề nghị đối thoại công khai vụ lùm xùm đấu giá nhà đất
(Dân trí) - Để xác định sự thật khách quan trong việc bán đấu giá nhà đất số 5 Hồ Biểu Chánh (TPHCM) đang gây ồn ào dư luận, đại diện ủy quyền của bà Đặng Ngọc Lan (vợ “Bầu” Kiên) vừa đề nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM đối thoại công khai dưới sự chứng kiến của các cơ quan báo chí.
Ngay sau khi Cục Thi hành án dân sự TPHCM có thông cáo báo chí trước lùm xùm đấu giá nhà đất rộng 360 m2 tại số 5 Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận, TPHCM) của vợ chồng “Bầu” Kiên nhằm thu hồi tài sản theo bản án của toà, luật sư Phùng Thế Huân - đại diện uỷ quyền của bà Đặng Ngọc Lan (vợ “Bầu” Kiên) đã có văn bản gửi ông Vũ Quốc Doanh - Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM và các cơ quan báo chí để thể hiện thái độ không đồng tình.
Ông Huân cho rằng đã nhiều lần khiếu nại, tố cáo liên quan đến các dấu hiệu sai phạm của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 (TPHCM) và chấp hành viên liên quan đến việc đấu giá nhà đất số 5 Hồ Biểu Chánh nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Trong 3 bất động sản của vợ chồng “Bầu” Kiên mà thi hành án quận 10 nhận uỷ thác thi hành án thì bất động sản số 5 Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận) có giá trị 29,74 tỷ đồng, bất động sản tại quận Bình Thạnh có giá trị 42,6 tỷ đồng và bất động sản tại quận 10 có giá trị 29,1 tỷ đồng. Giá trị tài sản này đều được thi hành án dân sự quận 10 định giá.
Chính vì thế, lẽ ra áp dụng Khoản 2, Điều 16 Nghị định 62/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội phải thực hiện uỷ thác tới nơi có tài sản giá trị lớn nhất. Việc uỷ thác thi hành án lẽ ra phải được giao cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thạnh, chứ không phải thi hành án dân sự quận 10.
Đây cũng chính là căn cứ để VKSND TPHCM khẳng định việc Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 nhận uỷ thác của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội là chưa đúng quy định pháp luật.
Hơn nữa, Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 chỉ uỷ quyền cho Thừa phát lại quận Ba Đình (Hà Nội) tống đạt văn bản thi hành án, không uỷ quyền niêm yết. Theo quy định của pháp luật, tống đạt là việc giao nhận trực tiếp, Thừa phát lại quận Ba Đình không giao trực tiếp các văn bản cho bà Lan nên việc tống đạt là không hợp lệ. Việc niêm yết chỉ được thực hiện khi không tống đạt được nhưng cơ quan thi hành án quận 10 không có bất cứ bằng chứng nào về việc không thể tống đạt được văn bản cho bà Lan dù bà Lan có địa chỉ cư trú, điện thoại rõ ràng, không trốn tránh.
Ông Phùng Thế Huân khẳng định, thông cáo báo chí của Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho rằng “Thừa phát lại quận Ba Đình đã niêm yết văn bản thi hành án” là trái pháp luật vì việc tống đạt chưa thực hiện. Hơn nữa theo quy định của pháp luật thì thừa phát lại không có chức năng niêm yết, nên việc niêm yết của thừa phát lại quận Ba Đình nếu có cũng không có hiệu lực pháp luật.
Thông báo của Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết thông tin bán đấu giá được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam 2 lần vào lúc 17h50 đến 18h ngày 8/7/2016 và 12/7/2016. “Đây là điều hết sức bất thường vì trên thực tế không có người nào đi mua bất động sản có giá hàng chục tỷ đồng lại tìm hiểu thông tin trên Đài tiếng nói Việt Nam"- ông Huân viết trong đơn.
"Để xác định sự thật khách quan của vụ việc, tôi đề nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM đối thoại công khai với tôi cùng các luật sư của tôi về vụ việc này. Trên cơ sở hồ sơ cụ thể, căn cứ pháp lý cụ thể, có sự chứng kiến của các cơ quan báo chí quan tâm đến vụ việc”- ông Huân nêu quan điểm.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 17/5, một lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) khẳng định đang giao đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ việc thi hành án, bán đấu giá nhà đất số 5 Hồ Biểu Chánh gây lùm xùm dư luận thời gian qua. Việc này được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp.
“Để đánh giá cái nào đúng, cái nào sai phải xem lại toàn bộ hồ sơ sự việc, xem từng biên bản một. Bà Đặng Ngọc Lan có quyền khiếu nại, tố cáo để giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Phần nào chưa đúng sẽ chỉ đạo chấn chỉnh ngay. Thi hành án phải làm đúng quy định pháp luật”- vị lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay.
Trong sự việc này, VKSND TPHCM từng kiến nghị Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 chỉ đạo khắc phục các thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, tránh những thiếu sót, vi phạm tương tự xảy ra. Đồng thời phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, thiếu sót, vi phạm của chấp hành viên để rút kinh nghiệm chung và thông báo cho VKSND TPHCM biết kết quả.
VKSND Tối cao cũng đã có văn bản số 4849/VKSTC-V11 gửi VKSND TPHCM khẳng định, trình tự, thủ tục thi hành án trong việc tổ chức thi hành Bản án số 570/2014 liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên của cơ quan thi hành án dân sự có nhiều vi phạm, trong đó có những vi phạm có tính chất nghiêm trọng.
VKSND Tối cao yêu cầu VKSND TPHCM xem xét, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm, ban hành kháng nghị (nếu còn thời hạn) hoặc kiến nghị yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự huỷ bỏ kết quả bán đấu giá, tổ chức lại việc thi hành án đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả cho VKSND Tối cao được biết.
Tuy nhiên sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 đã có văn bản “phản bác” VKSND TPHCM. Tuy vậy, cơ quan này thừa nhận trong quá trình tổ chức thi hành Bản án số 570/2014/HSPT đã có những thiếu sót nhất định. Tuy nhiên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tổ chức thi hành dứt điểm bản án để sớm thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước.
Thế Kha