1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Sẽ chấm dứt thu “phí” vịt thả đồng

(Dân trí) - Lãnh đạo huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) cho biết sẽ chấn chỉnh tình trạng người dân muốn thả vịt ra đồng phải… đóng phí.

Ngày 5/5, đại diện lãnh đạo huyện Hoài Ân (Bình Định), cho biết ngay sau khi báo chí phản ánh, huyện đã thành lập đoàn công tác kiểm tra về việc UBND xã Ân Phong thu phí người chăn nuôi thả vịt trên đồng lúa của dân sau khi gặt xong.

Lãnh đạo huyện Hoài Ân khẳng định huyện không có chủ trương cho các địa phương thu khoản phí này. Tuy nhiên, đây gọi là phí “công đồng lạc túc” có từ thời xa xưa và một số xã vẫn áp dụng với mục đích là để xã dễ quản lý.

Người dân mong muốn bỏ phí công đồng lạc túc.
Người dân mong muốn bỏ phí "công đồng lạc túc".

“Hiện nay, UBND xã Ân Phong đã có báo cáo vụ việc cho huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ họp các phòng, ban liên quan để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Quan điểm của huyện là chấm dứt không thu các khoản phí không đúng quy định”, vị lãnh đạo huyện khẳng định.

Vị này cũng thông tin thêm: “Trước đây, có thời gian xã Ân Phong đã chấm dứt việc thu phí “công đồng lạc túc”. Tuy nhiên, sau đó xảy ra tình trạng người chăn nuôi vịt tranh giành địa bàn chăn thả, dẫn đến mất trật tự tại địa phương. Sau đó, chính những người dân chăn nuôi vịt yêu cầu xã thu lại phí này để tránh những tình trạng trên”.

Như Dân trí đã thông tin, nhiều chủ nuôi vịt ở xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, Bình Định) than thở khó khăn vì phải chịu thêm khoản thu “lạ lùng” thì mới được thả vịt ra đồng. Theo người dân địa phương, đây gọi là phí “công đồng lạc túc”, do UBND xã Ân Phong thu từ thời Pháp thuộc đến nay. Những năm gần đây, do việc chăn nuôi vịt gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân xin giảm hoặc bỏ khoản thu phí này, nhưng UBND xã Ân Phong không đồng ý.

Người dân cho rằng địa phương thu phí thả vịt chạy đồng là không hợp lý.
Người dân cho rằng địa phương thu phí thả vịt chạy đồng là không hợp lý.

Ông Hồ Văn Đương lý giải: Xã Ân Phong hiện có hơn 500 ha đất lúa sản xuất, sau khi nông dân gặt xong vụ, xã giao khoán thuê mặt ruộng cho các hộ nuôi vịt thả đồng với giá 25.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên, mục đích của việc thu phí “công đồng lạc túc” là tạo điều kiện để xã dễ quản lý, điều tiết nước thủy lợi. Đồng thời, tránh tình trạng người chăn nuôi tranh giành địa bàn, gây mất trật tự; rồi tình trạng người nuôi vịt đục khoét, làm hư hỏng kênh mương thủy lợi, dẫn nước vào ruộng để thả vịt…

Doãn Công