1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Muốn thả vịt ra đồng phải... đóng phí!

(Dân trí) - Sau mỗi vụ thu hoạch lúa xong, người nuôi vịt ở một số vùng nông thôn tỉnh Bình Định phải đóng phí “công đồng lạc túc” cho địa phương. Người dân mong muốn miễn loài phí này, song địa phương cho rằng đây là “truyền thống” từ lâu đời để lại.

Câu chuyện nghe có vẻ “lạ”, thế nhưng đó là sự thật đang diễn ra tại xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, Bình Định).

Dân muốn xóa bỏ phí lạ?

Theo ông L.Đ. (chủ trại vịt ở thôn Ân Hậu, xã Ân Phong), cho biết gia đình ông đang nuôi khoảng 800 con vịt theo phương thức chạy đồng. Mỗi năm gia đình ông phải nộp cho UBND xã 1 triệu đồng tiền phí gọi nôm na là phí “công đồng lạc túc” để đàn vịt có diện tích chăn thả sau mỗi vụ thu hoạch lúa.

Người dân muốn chăn thả vịt ngoài đồng phải đóng phí công đồng lạc túc.
Người dân muốn chăn thả vịt ngoài đồng phải đóng phí "công đồng lạc túc".

Ông Đ. cho rằng phí này có từ thời Pháp thuộc và duy trì đến ngày nay. Sau khi nộp phí, người nuôi vịt sẽ được chính quyền giao khoán diện tích mặt ruộng sau khi lúa được thu hoạch. Việc thu phí này, sẽ hạn chế việc các chủ vịt ở địa phương khác lùa vịt đến địa bàn của xã chăn thả, gây chồng lấn, có khi xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, ông Đ. mong muốn chính quyền địa phương xem xét giảm loại phí này vì việc chăn nuôi ngày càng khó khăn.

“Tôi và một hộ dân khác trong thôn mỗi hộ phải đóng 1 triệu đồng và xã giao cho 50ha. Sau đó, 2 gia đình tự chia diện tích để chăn thả. Chúng tôi có kiến nghị, năm nào chăn nuôi khó khăn thì giảm bớt phí này cho dân, nhưng việc này còn tùy thuộc vào địa phương. Hiện nay, người nuôi vịt gặp nhiều khó khăn nên người dân mong giảm loại phí này”, ông Đ. kiến nghị.

Còn bà L.T.T. (62 tuổi, trú xã Ân Phong), than thở: “Có năm dịch bệnh nhiều, vịt chết, gia đình thua lỗ hơn cả 20 triệu đồng. Điều đáng nói, mỗi năm tôi phải nộp phí “công đồng lạc túc” cho xã với mức 1 triệu đồng. Người nông dân làm ruộng, chăn nuôi vốn đã đóng góp đủ các loại phí, vậy nên thêm khoản phí nào thì khổ thêm phần đó. Ruộng đồng thì của nhân dân, sao lại bắt dân phải đóng phí thả vịt, nhiều nơi họ không thu phí này. Người nuôi vịt chúng tôi muốn giảm khoản phí này để giảm gánh nặng nhưng xã không chịu. Nếu không nộp tiền thì vịt không được thả ra đồng”.

Xã nói thu phí để dễ quản lý?

Trao đổi về việc trên, ông Hồ Văn Đương - quyền Chủ tịch UBND xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) xác nhận, việc UBND xã thu phí “công đồng lạc túc” của các hộ chăn thả vịt đồng đã có từ rất lâu. Đây là khoản phí nằm trong các khoản phí khác được thông qua nghị quyết HĐND xã và người dân thống nhất. Giữa chủ chăn nuôi vịt và địa phương có hợp đồng cụ thể để dễ quản lý.

Người nuôi vịt muốn bỏ phí lạ lùng này.
Người nuôi vịt muốn bỏ phí "lạ lùng" này.

Nói về việc thu phí “lạ lùng” này, ông Đương lý giải: “Mục đích của việc thu phí này là tạo điều kiện để xã dễ quản lý, điều tiết nước thủy lợi. Còn người nuôi có trách nhiệm trong chăn thả, tránh chồng lấn địa bàn gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Xã Ân Phong có trên 528ha đất lúa sản xuất, với tổng đàn vịt gần 30.000 con vịt. Sau khi nông dân gặt xong vụ, chúng tôi giao khoán thuê mặt ruộng cho các hộ nuôi vịt thả đồng với giá 1ha khoảng 25.000 đồng/năm, số tiền này rất ít. Mỗi năm, xã chỉ thu về khoảng 14 triệu đồng và nhập vào nguồn ngân sách của xã, phục vụ công tác quản lý chung. Trong đó, có sử dụng vào việc duy tu bảo dưỡng kênh mương thủy lợi…”.

Ông Đương cho rằng, các hộ dân chăn thả vịt thả đồng ở địa phương đều tham gia đóng phí cho xã và nhờ khoản phí này mà tình hình chăn nuôi được ổn định, không tranh giành, chen lấn. Đặc biệt, việc thu phí thực hiện theo hướng dẫn tài chính của UBND huyện Hoài Ân và nghị quyết HĐND xã, thu theo quy định nguồn thu khác của địa phương.

“Đến nay, xã chưa nghe người bức xúc phản ánh về việc thu phí này. Nếu như người dân thực sự muốn giảm hay bỏ loại phí này thì chúng tôi sẽ họp HĐND xã để xem xét. Tuy nhiên, nếu bỏ phí này sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy chăn thả”, dẫn đến tranh giành, mất trật tự địa phương. Các chủ vịt tự đục kênh mương, dẫn nước vào ruộng để thả vịt, sẽ ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, nguồn nước phục vụ sản xuất bị thất thoát, lãng phí”, ông Đương nói.

Liên quan đến việc trên, lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết, nguồn thu phí “công đồng lạc túc” từ các hộ thả vịt chạy đồng không phải chủ trương của UBND huyện mà có nguồn gốc “truyền thống” lâu đời để lại. “Nếu việc thu phí gây bức xúc cho người nuôi vịt, chúng tôi sẽ kiểm tra lại để có hướng giải quyết cụ thể”, vị lãnh đạo UBND huyện cho hay.

Doãn Công