1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Sáng thì bạo hành trẻ, chiều lại thấy... ngồi hát với các cháu”

(Dân trí) - TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) chọn thực hiện đề án “Thành phố thân thiện với trẻ em”, đang chờ Trung ương phê duyệt đề án này. Vụ bạo hành kinh hoàng tại lớp mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12) như “tạt gáo nước lạnh”, khiến lãnh đạo thành phố trăn trở.

Vụ bạo hành trẻ em tại lớp mầm non Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12) gây chấn động dư luận bởi sự tàn bạo đến khó tin của bảo mẫu.

Trong cuộc họp khẩn với các sở, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu bày tỏ sự thất vọng: “Hành động quá dã man, kinh khủng. Không biết người giữ trẻ có phải là con người hay không? Tôi không hình dung nổi hành động đó xảy ra ở người phụ nữ. Dùng dao dọa, cầm đồ đập rất dã man. Chúng ta không thể ngồi yên trước hành vi tội ác đó”.


Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu trăn trở vì vụ bạo hành như tạt gáo nước lạnh vào thành phố

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu trăn trở vì vụ bạo hành như tạt gáo nước lạnh vào thành phố

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết rất trăn trở và buồn vì vụ việc lại xảy ra trong bối cảnh TPHCM đang chờ Trung ương phê duyệt đề án “Thành phố thân thiện với trẻ em”.

“Chúng ta rất tự hào, vinh dự là đơn vị duy nhất của Việt Nam được UNICEF chọn để thực hiện đề án. Cách đây 2 tuần, tôi báo cáo với UNICEF rất hồ hởi, phấn khởi. Thế mà bây giờ hành động của bảo mẫu như là tạt gáo nước lạnh vào thành phố. Tổ chức này sẽ suy nghĩ như thế nào về ngành giáo dục thành phố, công tác quản lý các điểm giữ trẻ, chăm sóc trẻ em...?”, bà Thu bức xúc.

Bà Thu chia sẻ, ngoài kinh phí của thành phố thì UNICEF cũng viện trợ một phần cho đề án để trẻ em tại thành phố được cư xử và chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng.

“Đề án này, ngoài kinh phí thành phố thì còn có sự hỗ trợ của UNICEF. Trẻ em được đối xử công bằng, dù là nhập cư hay là trẻ sống tại TPHCM, dù con nhà giàu hay xuất phát là con nhà nghèo thì đều được cư xử và hưởng dịch vụ như nhau, chăm sóc sức khỏe như nhau...”, bà Thu chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong quá trình xây dựng đề án thì UNICEF đặt rất nhiều vấn đề và thành phố cũng giải thích trẻ em được quan tâm chăm sóc, nhưng một yếu tố đang bỏ ngỏ là các điểm giữ trẻ.

Bà Thu cho rằng công tác kiểm tra không tới nơi tới chốn: “Kiểm tra thì đến hẹn lại lên, kiểm tra thì người ta biết. Kiểm tra thì tủ lạnh đầy ắp cá thịt. Đoàn về thì dẹp ngay. Sáng đón trẻ vào thì bạo hành, đến khi cha mẹ đón về thì thấy được tắm rửa sạch sẽ, ngồi hát với bảo mẫu... Người ta có đủ kiểu đối phó”.

Bên cạnh giải pháp lắp camera ở các điểm giữ trẻ tư thục, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các địa phương lập tổ kiểm tra và dành nhiều thời gian đi kiểm tra các điểm giữ trẻ để ngăn chặn bạo hành ở các điểm giữ trẻ khác.

Hiện TPHCM hiện có khoảng gần 4 triệu trẻ em trong đó 1/4 số trẻ là dân nhập cư. Trước áp lực tăng dân số, TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức về môi trường sống, đặc biệt là với trẻ em.

Theo UNICEF, hiện trẻ em nhập cư tại thành phố này vẫn gặp những khó khăn trong việc bình đẳng học tập, tiếp cận các dịch vụ y tế và phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn do có thể bị xâm hại, bóc lột sức lao động… Do vậy, việc triển khai xây dựng một “Thành phố thân thiện với trẻ em” là nhu cầu cấp thiết.

Đề án “Thành phố thân thiện với trẻ em” giai đoạn 2017-2021 có tổng kinh phí hơn 6 triệu USD.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm