Bến Tre:

Lúa chết vì hạn mặn, nông dân quặn lòng cắt cho bò ăn

(Dân trí) - Diện tích lúa đông xuân của tỉnh Bến Tre đang bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Hàng ngàn hecta đang chết dần, chết mòn nên nông dân quặn thắt lòng cắt lúa đem về cho bò ăn.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết: “Toàn huyện đã xuống giống 11.200 ha diện tích lúa đông xuân. Đến thời điểm này thiệt hại rất nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Sắp tới, tình hình hạn, mặn ngày càng gay gắt và diện tích thiệt hại đang tiếp tục tăng”.

Nông dân cắt lúa nghẹn đòng về cho bò ăn

Trên địa bàn huyện Ba Tri Có rất nhiều cánh đồng lúa bị cháy vàng trên nền đất nứt nẻ do khô hạn. Một số diện tích còn cầm cự được thì cũng chết dần, chết mòn rồi nghẹn đòng nên nông dân tận dụng cắt đem về cho bò ăn.

Lúa bị héo từ từ nên ông Lâm buộc phải cắt về làm thức ăn cho bò
Lúa bị héo từ từ nên ông Lâm buộc phải cắt về làm thức ăn cho bò

Ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp An Nhơn (Vĩnh An, Ba Tri, Bến Tre) trồng 2.000 m2 lúa vụ đông xuân nhưng thiệt hại nặng nề. Ông Lâm cho biết: “Khi lúa được hơn 1 tháng tuổi thì nước mặn xâm nhập nên tôi bao lại không cho nước vào nên bị khô hạn rồi héo từ từ. Mấy ngày nay, tôi cắt dần dần để đem về cho bò ăn vì lúa không thể trổ nổi”.

Ông Lâm thu hoạch lúa bị nghẹn đòng
Ông Lâm thu hoạch lúa bị nghẹn đòng

Theo ông Lâm, năm nay nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và kéo dài nhất từ trước đến nay nên phần lớn diện tích lúa, hoa màu đều bị thiệt hại do không có nước ngọt để tưới.

Ông Nguyễn Văn Xem, Trưởng ấp An Nhơn cho biết: “Năm nay bà con trong ấp xuống giống được 17 ha thì gặp ngay hạn, mặn nên thiệt hại 100%. Diện tích mạ non thì chết rụi hết, một số đã lớn khoảng hơn 2 tháng tuổi thì được nông dân tận dụng để cho bò ăn vì càng để lâu lúa càng héo lá rồi chết”.

Hầu hết diện tích lúa đều bị chết dần, chết mòn trên đồng khô hạn
Hầu hết diện tích lúa đều bị chết dần, chết mòn trên đồng khô hạn

Hiện tại, hầu hết những hộ dân trong ấp đều nuôi bò nên diện tích lúa chuẩn bị trổ đòng bị nghẹn lại được nông dân cắt dần mỗi ngày vài bó để cho bò ăn đỡ tốn chi phí rơm, cỏ. Mặc dù nhiều hộ dân rất đau lòng nhưng không còn cách nào khác để cứu lúa đang chết khô ngoài đồng.

Minh Giang

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt