1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Lao động chui sang Trung Quốc - Những hiểm họa khôn lường

(Dân trí) - Do Việt Nam và Trung Quốc chưa có bất cứ hợp tác nào về lao động nên nhiều người qua nước này làm chui đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng đến tài sản, nhân phẩm và tính mạng.

Theo báo cáo của Phòng Bảo vệ chính trị (PA61) – Công an tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2017 đến nay đơn vị này đã phối hợp với các ngành có liên quan, các huyện, thị, thành phố phát hiện ngăn chặn hơn 10 vụ dùng xe ô tô đưa gần 150 người sang Trung Quốc (TQ) lao động trái phép.

Mới đây nhất, ngày 6/2, Công an huyện Cẩm Thủy phát hiện ngăn chặn 32 công dân trên địa bàn chuẩn bị lên xe sang TQ. Hiện có hai người là Lê Thị Phượng (SN 1992, trú xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương) và Nguyễn Anh Tú (SN 1987, trú xã Anh Sơn, Tĩnh Gia) đã bị cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ hành vi đưa người xuất cảnh đi lao động trái phép.

Trước thực trạng người dân ồ ạt bỏ xứ sang TQ lao động trái phép, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn tình trạnh công dân xuất cảnh trái phép đi TQ lao động. Đồng thời giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa thống kê, lập danh sách số người đang xuất cảnh trái phép qua nước này để có biện pháp xử lý.

“Cò” lao động ngày càng tinh vi

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc xuất cảnh qua TQ rồi ở lại làm lao động trái phép vẫn diễn ra, mặc dù công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng. Nguyên nhân do xuất cảnh qua TQ rất đơn giản, không tốn kém nên người dân có thể dễ dàng đi và về, ngoài ra công việc không đòi hỏi tay nghề nên mọi đối tượng có thể đáp ứng được.

Chỉ cần bỏ ra từ 3 – 5 triệu đồng, công dân muốn đi sẽ có người lo từ A đến Z. Trước đây, “cò” lao động có thể tìm về các vùng quê lôi kéo những người nông dân lúc nông nhàn, công ăn, việc làm bấp bênh rồi tập hợp lại thuê xe đưa qua TQ. Tuy nhiên, mấy năm nay lực lượng công an đã truy quét, bắt giữ và truy tố nhiều đối tượng nên hiện nay “cò” không còn hoạt động công khai nữa mà chuyển sang hoạt động lén lút, tinh vi, nhiều thủ đoạn hơn.


Đối tượng Nguyễn Văn Tú (trú tại Anh Sơn, Tĩnh Gia) bị bắt trên đường đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

Đối tượng Nguyễn Văn Tú (trú tại Anh Sơn, Tĩnh Gia) bị bắt trên đường đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Phó trưởng Phòng PA61 (Công an Thanh Hóa), cho biết số người trở lại TQ lao động vẫn còn nhiều do những người qua nước này thường có anh em họ hàng bên đó, người từng bị lừa bán và những người sang nhiều nên rành đường đi lối lại, khi cần người họ chỉ gọi điện về nước là xong, ai muốn đi cứ đến biên giới là họ tìm cách đưa sang.

“Giờ công nghệ hiện đại nên “cò” lao động có thể không cần về nước nhưng vẫn lôi kéo được người dân qua bên đó làm chui, vì thế việc xử lý dứt điểm tình trạng này rất khó do đối tượng cần đấu tranh lại không ở địa phương” – Thượng tá Sáng phân tích.

Trong năm 2016, Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác định xử lý 12 đầu mối nghi vấn, điều tra, truy tố 15 vụ/20 đối tượng, chuyển tòa án đưa ra xét xử 12 vụ/16 đối tượng tổ chức đưa người qua TQ lao động trái phép.

Cũng theo Thượng tá Sáng, nhiều “cò” có thể ở các tỉnh khác để điều hành, nên nhiều lao động “cò” hướng dẫn bắt xe đi ngược vào các tỉnh phía trong như Hà Tĩnh, Quảng Trị… rồi bắt xe vòng trở ra nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

“Để ngăn chặn chiêu trò này, chúng tôi phải phối hợp với công an các tỉnh để xử lý. Nhiều vụ anh em phải đón lõng ở Hà Nội, thậm chí tận Quảng Ninh để bắt và đưa người trở về địa phương” – ông Sáng nói.

Nan giải bài toán việc làm

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Định, Phó Trưởng Công an thị xã Sầm Sơn, mấy năm trước thị xã Sầm Sơn cũng là một trong những điểm “nóng” về tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Có thời điểm lên đến 500 người. Vài năm gần đây, số người xuất cảnh có giảm nhưng vẫn chưa triệt để.

“Mặc dù hàng năm chúng tôi liên tục cử cán bộ xuống tuyên truyền động viên người dân, giúp họ hiểu được hiểm họa từ việc xuất cảnh lao động trái phép nhưng do vấn đề việc làm, an sinh xã hội chưa đảm bảo nên việc ngăn chặn được người dân không xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép vẫn còn có cái khó. Sầm Sơn lại là nơi chỉ có thể kinh doanh, mưu sinh được vào mùa hè, còn mùa đông, những lúc nông nhàn, số đối tượng không có trình độ, đối tượng lao động phổ thông lại tìm cách xuất cảnh trái phép”- Trung tá Định cho biết.


Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất nhập cảnh trái phép chính là nhu cầu việc làm

Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất nhập cảnh trái phép chính là nhu cầu việc làm

Theo công an tỉnh Thanh Hóa, xuất cảnh sang TQ là vi phạm pháp luật, ngoài ra người lao động chui tại đây đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng. Bởi hiện nay giữa nước ta và TQ chưa có hợp tác về lao động nên sang đó làm chui, người dân sẽ bị chính quyền TQ truy quét, bắt giam, khai thác, xét xử và bị đối xử thô bạo; bị các tổ chức tội phạm tại TQ lợi dụng vào nhiều hoạt động vi phạm pháp luật (đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn…); bị lừa đưa đi lao động khổ sai tại các nơi xa xôi hẻo lánh, hoang mạc dẫn tới chết người, biệt tích…

“Qua TQ làm chui là công dân đang phó mặc tính mạng mình nơi xứ người, ngoài bị bắt lao động trong môi trường độc hại, khổ sai, người dân còn bị lợi dụng vào các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, phụ nữ bị đưa vào các nhà thổ trở thành gái mại dâm hoặc bị bán làm vợ người TQ. Nguy hiểm hơn, công dân chúng ta còn là miếng mồi ngon cho hoạt động buôn bán nội tạng người ở TQ” – Thượng tá Sáng nhìn nhận.

Xuất cảnh sang TQ lao động chui không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, mà còn để lại nhiều hệ luy tiêu cực tại địa phương, nhiều nơi (chủ yếu là các huyện ven biển) thiếu lao động có tay nghề hoạt động trên biển dẫn đến tàu thuyền không ra khơi. Nhiều người chết, gặp tai nạn, bị bắt, giam giữ bên nước bạn khiến gia đình ly tán, lao đao...

Để mạnh tay với lao động chui, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra rất nhiều các giải pháp để từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng trên. Theo đó, tỉnh này đã giao cho công an lập tổ công tác xuống tận các thôn, xóm, hộ gia đình để tuyên truyền cho người dân hiểu được sự nguy hiểm khi xuất cảnh trái phép qua TQ, đồng thời thống kê, lập danh sách và phân loại số người xuất cảnh trái phép về quê ăn Tết để áp dụng các biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, vấn đề then chốt chính là bài toán giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, giúp họ có thu nhập chính đáng, ổn định thì mới chấm dứt được tình trạng này.

“Theo tôi, Thanh Hóa cần phải mở thêm nhiều các lớp đào tạo nghề để công dân có thể chuyển đổi nghề khi cần thiết, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay, để đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất… đồng thời kêu gọi đầu tư, tạo nhiều ngành nghề mới thu hút lao động phổ thông. Có thế mới chấm dứt được việc người dân xuất cảnh trái phép qua TQ làm chui” – vị Phó trưởng phòng PA61 nói.

Bình Minh