1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Kỷ niệm 60 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị:

Ký ức bi hùng về sự ra đi vĩnh viễn của 39 học sinh K8

(Dân trí) - Trong cuộc “vạn lý trường chinh” có một không hai trong lịch sử cách đây gần 50 năm, có những câu chuyện thấm đẫm nước mắt của sự chia ly, khắc khoải. Nhưng đau đớn nhất là sự ra đi vĩnh viễn của 39 học sinh K8, để lại sự day dứt cho người thân.

Trước sự đánh phá hết sức ác liệt của bom, đạn Mỹ dội xuống vùng đất Vĩnh Linh, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đối với Khu ủy Vĩnh Linh về quyết định sơ tán đồng bào khu vực Vĩnh Linh, một phần của Gio Linh, Cam Lộ, Quảng Trị ra khỏi vùng chiến tranh. Kế hoạch 8, kế hoạch 10 với mật danh K8, K10 ra đời, với việc di chuyển hơn 4,6 vạn người già, phụ nữ có con nhỏ và trẻ em ra miền Bắc sinh sống. Trong đó, kế hoạch K8, được thực kiện với mục đích đưa gần 3 vạn học sinh, con em đi sơ tán, học tập nhằm bảo vệ các “hạt giống đỏ” của quê hương.

Chuyến xe định mệnh…

Trong câu chuyện đẫm nước mắt về hành trình K8 gần 50 năm trước, chúng tôi đã gặp những nhân chứng lịch sử - người may mắn đã sống sót trên chuyến xe định mệnh chở 40 học sinh của xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh bị trúng bom toạ độ tại Võ Ninh (Quảng Bình), 39 học sinh đã chết. Hai người may mắn sống sót trên chuyến xe ấy gồm một thầy giáo và một học sinh. Hiện nay, tuổi của họ cũng đã cao.

Trong ngày khánh thành ngôi mộ chung của các học trò, người thầy giáo năm xưa không dấu được niềm xúc động lẫn sự day dứt. Hồi tưởng lại quá khứ đau buồn, thầy giáo Nguyễn Văn Lý (quê ở xã Vĩnh Hiền) người đã mang trên mình trách nhiệm dẫn 40 học sinh di chuyển ra Bắc, cho biết: “Thực kiện kế hoạch K8, nhằm bảo vệ những “hạt giống” cho gia đình và cho đất nước, học sinh Vĩnh Linh di tản theo 2 đợt, đợt đầu là giữa năm 1966 và đợt tiếp theo vào tháng 7/1967. Năm 1967, nhóm học sinh Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh được bố trí lên 2 xe để thực hiện hành trình di chuyển ra Bắc. Trước khi đi, các em chỉ mang một ít vật dụng cá nhân và thức ăn để dùng trên đường. Tôi cùng một thầy khác được phân công dẫn theo 40 em nữa đi trên chuyến xe đầu tiên, xuất phát từ Vĩnh Linh. Do lúc đó các em mới tầm 6-7 tuổi, lần đầu xa người thân nên em nào cũng khóc và đòi quay trở về. Tuy nhiên, vào ngày 28/7/1967, khi đoàn vừa ra đến Quảng Bình thì chuyến xe của tôi bị  trúng bom toạ độ của địch và bốc cháy. Tôi và một em may mắn còn sống, còn lại 39 em khác và một giáo viên đã bị chết”.

Ký ức bi hùng về sự ra đi vĩnh viễn của 39 học sinh K8
Sau gần 50 năm, ký ức về hành trình K8 định mệnh vẫn chưa thể phai trong tâm trí của thầy Lý (áo trắng) và ông Khỏe (người cầm míc)

Dù thời gian đã qua rất lâu nhưng mỗi khi nhắc lại quá khứ, thầy Lý đều khóc. Ông nói bản thân ông cũng không thể ngờ được sự việc đau buồn trên. Mang trách nhiệm dẫn các em đi, cũng là người dạy các em nhưng lại không che chở được các em trước bom đạn. Nhưng sự việc xảy ra quá bất ngờ, là điều không ai mong muốn. Các em ra đi khi tuổi còn quá nhỏ, được Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng để sau này lớn lên quay trở về phục vụ quê hương, nhưng phải vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Quảng Bình yêu dấu.

Là học sinh duy nhất sống sót trên chuyến xe định mệnh, ông Trần Văn Khỏe, hiện đang công tác tại Tỉnh đội Quảng Trị cũng xúc động không kém. Lúc chiếc xe gặp nạn, ông mới chỉ là một thiếu niên, lại bị thương và bất tỉnh nên không nhớ rõ những gì đã diễn ra. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc lại sự việc đau buồn này ông đều không cầm nổi lòng mình. “Tôi may mắn được sống, còn những người bạn của tôi đã mãi mãi nằm xuống. Phải đến 2 năm sau tôi mới biết được sự việc. Bản thân tôi luôn cảm thấy day dứt khi những thi thể của bạn mình đã không được nguyên vẹn. Nhưng chiến tranh là vậy, đau thương mất mát xảy ra quá bất ngờ nên không ai có thể lường trước. Sau ngày hòa bình, những phần mộ đó mới được tập hợp lại để đưa về an nghỉ tại quê hương. Và hôm nay, ngôi mộ đó của các bạn tôi được nâng cấp, xây dựng chu đáo, cá nhân tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn”.

Bao nhiêu năm qua, bà Em vẫn lưu giữ cẩn thận kỷ vật của con trai
Bao nhiêu năm qua, bà Em vẫn lưu giữ cẩn thận kỷ vật của con trai

Gần 50 năm qua, bà Nguyễn Thị Em (83 tuổi) vẫn lưu lại kỷ vật của người con là Lê Hùng, người đã mất trên chuyến xe định mệnh năm ấy. Kỷ vật duy nhất được bà giữ gìn cẩn thận suốt ngần ấy năm là chiếc ba lô do chính tay bà đã may cho con từ tấm vải áo được cắt ra. Một thời gian sau khi xảy ra sự việc, gia đình bà mới nhận được kỷ vật của con trai. Dù nó đã rách làm 2 nhưng đối với bà là biết bao tình cảm lớn lao nhất giữa mẹ và con.

Bà Em cho biết: “Trước khi đi tui may cho con để đựng một quần áo và quyển sách. Nhưng khoảng một tuần sau, gia đình mới biết tin con gặp nạn cùng 38 bạn khác. Nghe tin dữ tui đau đớn vô cùng. Đây là kỷ vật duy nhất còn lại của con. Suốt bao năm qua, lúc nào nhớ con là tui lại mang tấm vải này ra. Càng nhìn nó lòng tui đau như cắt, nước mắt chảy giàn dụa”.

Ký ức bi hùng

Chúng tôi đã được gặp rất nhiều nhân chứng từng trải qua hành trình gian khó K8, cả những người nhận trách nhiệm thực hiện kế hoạch này. Trong số họ, có những người đã thành danh và đang phục vụ quê hương đất nước, nhưng phần lớn đã mất vì bom đạn của quân thù, chưa kể một số cũng bị mất do bệnh tật, hiểm nguy trong suốt hành trình.

Thật khó có thể kể hết những vất vả, gian khó trong hành trình vượt hàng trăm km mà những học sinh K8 thời đó đã trải qua. Mỗi giây phút trên chuyến hành trình bi tráng ấy, họ luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ bom đạn quân thù ngày đêm rình rập.

Bà Lê Thị Thắm (63 tuổi, người đi chiếc xe sau) kể lại: “Lúc đó, tôi đã 12 tuổi, theo kế hoạch sẽ di chuyển ra Thái Bình. Ngày 25/7, xe chúng tôi xuất phát ra đến Vĩnh Chấp nghỉ lại. Đến 2 ngày sau mới đi tiếp, nhưng khi đến Mỹ Trung, Quảng Bình thì xe gặp nạn. Thấy như vậy chúng tôi hoảng hốt lắm, đứa nào cũng khóc thét lên. Nhưng nhờ các thầy trên xe trấn an nên mọi người mới lấy lại được bình tĩnh”.

“Đoàn chúng tôi dừng chân tại Quảng Bình một ngày rồi mới tiếp tục di chuyển ra Bắc. Khi di chuyển thì thường đi ban đêm, có giao liên dẫn đường vì đi ban ngày sợ máy bay tập kích. Trong quá trình vượt đèo, lội suối, có người trong chúng tôi sợ quá định quay về. Nhưng lúc đó còn nhỏ, biết đường đâu mà về nên đành cố bước đi. Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy rất nhớ nhà, nhớ người thân, có người bị sốt cao và được các thầy chăm sóc tận tình. Những chuyến vượt rừng vào ban đêm, nghe tiếng ve kêu, vượn hú…luôn là nỗi sợ hãi trong chúng tôi” – bà Thắm nói tiếp.

Nhiều người đi theo kế hoạch K8 chia sẻ: “Những ngày tháng gian khó đó đã cho chúng tôi một nghị lực sống. Nhờ đó, chúng tôi đã lớn lên”. Có thể nói rằng, chiến tranh đã tôi luyện nên những người con K8 có đủ bản lĩnh để vượt lên nghịch cảnh. Cũng chính trong cuộc trường chinh lịch sử ấy, tại những miền quê họ sống và đi qua, những học sinh K8 đã nhận được biết bao sự bảo bọc, chở che và tình thương yêu sâu sắc của đồng bào.

Ngôi mộ tập thể 39 học sinh K8
Ngôi mộ tập thể 39 học sinh K8

Để tưởng nhớ 39 học sinh K8, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã đóng góp xây dựng và hoàn thành công trình bia tưởng niệm và khu mộ tập thể những học sinh K8. Công trình này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc tập hợp các phần mộ học sinh K8 đang nằm rải rác về tập trung. Đây sẽ là địa điểm để người dân trong tỉnh đến thăm, thắp hương và tưởng niệm con em mình, cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay về một thời kì ác liệt trong chiến tranh

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm