1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Formosa xả độc tố khiến cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD

(Dân trí) - Họp báo quốc tế chiều 30/6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Công ty gang thép Formosa có xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro ôxit sắt, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường. Formosa gửi lời xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Phóng viên Dân trí đặt câu hỏi: Về vấn đề thu hút đầu tư, Formosa đã từng có nhiều “tiền án” gây ra các sự cố môi trường ở nhiều nước nhưng vẫn trót lọt trong hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Có lỗ hổng nào trong quy định của Việt Nam trong việc mời gọi nhà đầu tư nước ngoài? Sau sự việc này, chính sách thu hút vốn đầu tư ngoại của Việt Nam có gì thay đổi?

Đại diện Báo điện tử Dân trí đặt câu hỏi tại họp báo quốc tế


Phóng viên Dân trí nêu băn khoăn về chính sách mời gọi nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Phóng viên Dân trí nêu băn khoăn về chính sách mời gọi nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Phóng viên AP: Có khởi tố hình sự vụ án?

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, thời điểm cấp phép đầu tư dự án với Formosa, Việt Nam đã thực hiện Luật Đầu tư 2005 phân cấp cho địa phương thẩm định. "Chúng tôi có nhận được văn bản hỏi ý kiến của Hà Tĩnh và Bộ đã nêu rõ phần đánh giá tác động môi trường còn sơ sài, biện pháp ứng phó sự cố chưa rõ, yêu cầu bổ sung theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy ngay khi đóng góp ý kiến thẩm tra dự án, Bộ đã có sự cảnh báo” – ông Đông khẳng định.

Còn chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam là nhất quán, đã nêu ra với nhà đầu tư nước ngoài. Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc, cần coi đây là bài học để rà soát theo chức năng nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.

Thứ trưởng Bộ KH - ĐT Đặng Huy Đông trả lời câu hỏi của PV Báo Dân trí trong buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết tại miền Trung.

Gần đây nhất, Nghị quyết 103 năm 2013 của Chính phủ sau hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã nêu rõ việc chọn lọc dự án có chất lượng, tỷ suất đầu tư cao, thân thiện với môi trường. Chính phủ chủ trương không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, lấy đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo xử lý quyết liệt, huy động các nhà khoa học trong nước để tìm nguyên nhân cũng như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, ngăn chặn việc sử dụng những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Việc đấu tranh với Formosa Hà Tĩnh là tỏ thái độ rất nghiêm khắc với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Việc xử lý không loại trừ bất cứ trường hợp nào.

Tuy nhiên Việt Nam đang tạo dựng hình ảnh về một môi trường đầu tư cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Sự thành công của các nhà đầu tư tại Việt Nam là tạo dựng môi trường đầu tư rất tốt của nhà nước. Khi Formosa đã nhận lỗi và đưa ra 5 điểm cam kết bồi thường, không tiếp tục tái phạm thì Việt Nam cũng xác định “đánh kẻ chạy đi, không đánh người quay lại”. Thái độ của Việt Nam rất rõ là xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng cũng có chính sách khoan hồng, độ lượng để các nhà đầu tư nước ngoài có vi phạm nhưng nhận lỗi có thể được xem xét.

Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Việt Nam cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả. Việc nhận lỗi của Formosa Hà Tĩnh cũng tỏ thái độ trước vi phạm nên việc khởi tố vụ án hay không là còn phụ thuộc hành động cụ thể của Formosa.

Trả lời câu hỏi về khoản bồi thường 500 triệu USD là rất lớn, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mục tiêu 500 triệu USD là rất thấp. Cơ bản nhất là Chính phủ yêu cầu việc khắc phục sự cố, xử lý môi trường và đảm bảo cam kết không tái phạm.

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông nói thêm về đề xuất khởi tố vụ án. Theo ông Tuấn, việc khởi tố hay không khởi tố là do các cơ quan tư pháp xem xét, Chính phủ không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tinh thần là phải thực hiện đúng quy định pháp luật.


Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến tại buổi họp báo.

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến tại buổi họp báo.

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh lên tiếng về vụ việc Formosa

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh (Phó Chủ tịch tỉnh) nêu ý kiến, lời xin lỗi của Formosa đã phần nào làm dịu đi bức xúc của người dân về sự việc xảy ra. Còn dự án Formosa rất lớn, vượt ngoài tầm kiểm soát của Hà Tĩnh. Trên thực tế, Sở Tài nguyên – Môi trường đã phát hiện nhiều vi phạm và nhiều lần xử phạt. Tỉnh cũng rất tích cực tham gia để tìm nguyên nhân sự cố. Dù vậy, trong quá trình vừa qua, do khả năng có hạn nên việc giám sát của cơ quan chức năng chưa làm được thường xuyên. Đây là bài học sâu sắc và Hà Tĩnh sẽ liên tục rút kinh nghiệm, sẽ xem xét trách nhiệm cán bộ trong sự việc.

Phóng viên báo Người lao động đề nghị cơ quan chức năng nêu đánh giá mức độ an toàn của nước biển ở 4 tỉnh xảy ra sự cố vừa qua và khuyến cáo với người dân?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cơ quan này vừa qua đã tập trung việc xét nghiệm hải sản sống trong khu vực, làm việc liên tục trong 3 tuần để công bố với người dân, kết quả được công khai trên website của Bộ Y tế. Các kết quả cho thấy mẫu hải sản an toàn. Các hoạt động quan trắc về môi trường biển cũng như sức khoẻ người dân 4 tỉnh cũng được thực hiện cụ thể.


Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện Bộ Nông nghiệp trả lời câu hỏi của PV báo Người lao động.

Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện Bộ Nông nghiệp trả lời câu hỏi của PV báo Người lao động.

Đại diện Bộ Nông nghiệp cho biết thêm, Bộ này với trách nhiệm của mình đã chỉ đạo 3 Viện của Bộ lấy mẫu giám sát, xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu cho Chính phủ. Tại cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp đã tham mưu việc khoanh vùng xác định ảnh hưởng là ở 4 tỉnh, tính từ bờ ra ngoài biển 20 hải lý, với những tàu trên 400CV, lấy mẫu mà phát hiện không an toàn thì cần tiêu huỷ ngay. Còn vùng ngoài 20 hải lý được xác định là an toàn, các tàu trên 90CV khai thác về được chứng nhận an toàn ngay khi về bờ. Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm 2-3 ngày 1 lần để nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn sẽ yêu cầu tiêu huỷ ngay.

Với việc thả nuôi hải sản, Bộ thực hiện lấy mẫu nước hàng ngày, nếu thấy an toàn mới thông báo cho địa phương tổ chức lấy nước nhưng phải qua bể lắng. Đến thời điểm này có thể khẳng định nước biển ở 4 tỉnh trên là an toàn nhưng vì chưa hết tồn dư nên tiếp tục phải lấy mẫu thường xuyên để kiểm soát, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khái quát, để đảm bảo không tái diễn sự cố trong tương lai, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 hôm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát tất cả các nguồn xả thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Phóng viên VOV đặt vấn đề: Các cơ quan chức năng có nghiên cứu đến cơ chế để xử lý hình sự đối tượng vi phạm gây ra ô nhiễm môi trường?

Phóng viên Tuổi trẻ: Việc cấp phép xả thải thực hiện thế nào?

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời: Việc thông qua quy chuẩn môi trường Việt Nam là của Quốc hội, không thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói thêm về việc sau khi có hiện tượng cá chết, báo chí trong và ngoài nước đã đăng tải thông tin dày đặc về việc này. Không có chuyện Chính phủ che giấu thông tin mà Chính phủ cũng cần nắm thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, do những ngày sau đó có quá nhiều nên có định hướng không suy diễn thông tin vì sự điều tra của báo chí không thể tìm ra thủ phạm, không làm thay được việc điều tra của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về câu chuyện cấp phép. Với tập đoàn gang thép Fomosa FHS, nguồn nước thải có từ sinh hoạt, từ cảng, từ sinh hoá (xử lý cốc). Việc đưa ra tiêu chuẩn 52 là tiêu chuẩn với ngành gang thép, để kiểm soát 12 thông số. Trên thực tế, quy chuẩn 40 kiểm soát nước thải công nghiệp có nhiều thông số hơn nhưng tiêu chuẩn 52 có các thông số thấp hơn một chút. Từ đầu, chúng ta chưa tiên lượng được là với ngành gang thép sản xuất lớn thì chưa bao quát được mức nước thải.

Với hoạt động cảng, quy chuẩn 52 cũng chưa kiểm soát được nước thải nhiều dầu mỡ. Về giám sát, nguồn nước thải từ sản xuất cốc có xianua cần có quy chuẩn quản lý đảm bảo quy chuẩn 52 trước khi đưa vào nguồn xả thải, nhưng vì chưa có cơ quan quản lý nhà nước vào giám sát khi chưa vận hành nên các cơ quan chưa kiểm soát được nguồn xử lý sinh hoá. Thực tế hệ thống của Formosa cũng chưa quan trắc được những yếu tố nguy hiểm nhất như phenol xianua.

Phóng viên báo Vietnamnet đặt câu hỏi: Ngày 23/4 Bộ Nông nghiệp công bố kết luận độc tố cực độc trong nước làm cá chết. Ngày 27/4, Bộ KH-CN nói cá chết do hiện tượng thuỷ triều đỏ. Vậy tại sao sau 3 tháng lại có kết luận khác như hiện nay?

Phóng viên VTV: Việc công bố kết luận nguyên nhân cá chết này được coi là chậm so với mong mỏi của dư luận. Lý do của việc chậm chễ này? Biện pháp khắc phục?


Bộ trưởng Trần Hồng Hà (thứ hai từ trái qua) trả lời 2 câu hỏi đầu tiên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (thứ hai từ trái qua) trả lời 2 câu hỏi đầu tiên.

Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà: Như clip vừa phát, có thể thấy việc đánh giá nguyên nhân đòi hỏi rất phức tạp. Vùng xảy ra hiện tượng ô nhiễm cũng rất rộng nên cần xem xét một cách cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm bảo đúng, đủ chứng cứ. Câu hỏi không chỉ là tại sao mà còn phải là ai gây ra hiện tượng này. Vì vậy 3 nhóm công việc đã được triển khai.

Thứ nhất, phải giải thích được là hiện tượng gì, cơ chế gì gây ra việc hải sản chết dần từ Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế. Thứ hai, phải trả lời nguồn gây ô nhiễm tại đâu. 2 vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau.

Bộ trưởng TN - MT Trần Hồng Hà trả lời về quá trình xác minh vụ việc Formosa

Để trả lời câu hỏi đầu, ông Hà cho biết đã huy động hơn 100 nhà khoa học ở các lĩnh vực tham gia, xem xét đánh giá các mẫu vật từ cá, từ đáy biển, nước biển, rặng san hô… Sau nữa phải thực hiện hồi tố lại sự việc, nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển để lần ngược theo các dấu vết để lại. Đây là công việc rất vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Có rất nhiều thí nghiệm phải thực hiện, trong đó có những thí nghiệm tìm kim loại nặng phải vài tuần mới có kết quả, thậm chí phải huy động các phòng thí nghiệm hiện đại ở nước ngoài tham gia. Thủ tướng cũng chỉ đạo các chứng cứ phải khoa học và thuyết phục nên các cơ quan lại phải tổ chức phản biện độc lập, trưng cầu giám định của các cơ quan độc lập nước ngoài. Từ đó đã xác định được hợp chất độc tố có trong nước biển là phenol xianua kết hợp với Hidro ôxit sắt lấy đi toàn bộ ô xi trong nước biển ở những nơi nó đi qua. Dấu vết để lại trên mặt đáy biển.

Hàng loạt vấn đề khác được xem xét từ nguồn xả thải Formosa, việc vận hành hệ thống xả thải, xác định được lò luyện cốc trong quá trình sản xuất thép. Từ đó, đối tượng được khoanh vùng dần và cuối cùng nhà sản xuất đã phải chấp nhận những chứng cứ truy ngược dần được đưa ra.

Thực tế, khi đó Bộ Khoa học – Công nghệ đã loại trừ các nguyên nhân là chất thải từ con người sinh ra, chất sinh học (tức thuỷ triều đỏ, dù các nhà khoa học có ghi nhận hiện tượng đó) và quá trình này mất 2 tháng để thực hiện. Từ đó mới khẳng định được phenol xianua là thủ phạm. Các chứng cứ đưa ra đảm bảo căn cứ mà Fomosa đã phải thừa nhận. “Chúng tôi đã làm cẩn trọng, đúng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ” – ông Trần Hồng Hà khẳng định.

Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh thông tin thêm, trước sự cố rất nghiêm trọng này, các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm trong những ngày qua, huy động cả các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài. Có khó khăn là yêu cầu phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, trên đáy biển và thực hiện quy trình hồi tố để truy nguyên nguồn gốc. Các nhà khoa học Nhật, Mỹ, Israel đã cùng các nhà khoa học Việt Nam củng cố các chứng cứ có tính thuyết phục cao và được quốc tế công nhận. Chúng ta đã thể hiện nỗ lực cố gắng của các nhà khoa học trong nước cũng như minh chứng năng lực của các nhà khoa học Việt Nam để xử lý sự cố này.

So với sự cố tương tự, tháng 12/2004 tại tỉnh Chi-ba, Nhật Bản, hơn 1 năm sau, hội đồng chuyên gia của Nhật mới đánh giá được nguyên nhân từ việc vi phạm của công ty gang sắt tại Nhật đã xả khí thải vào không khí, chất thải xianua vào vịnh Tokyo gây ra sự cố.

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, ngay từ đầu các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt yêu cầu điều tra nhanh chóng, xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra nguyên nhân để khắc phục thiệt hại, xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân gây sai phạm, buộc trách nhiệm bồi thường với họ. Đây cũng là một yếu tố khiến việc công bố kết luận chậm hơn dự kiến. Việc tìm nguyên nhân và điều tra thủ phạm là 2 quá trình khác nhau, cần quá trình nghiên cứu làm rõ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chuyên ngành.

“Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn chỉ dựa trên chứng cứ, loại bỏ các yếu tố làm sai lệch kết luận” – ông Tuấn nói.

Vừa qua có những phản ứng cho rằng cơ quan chức năng chậm công bố nguyên nhân và đó là bức xúc có thể giải thích. Tuy nhiên phản ứng thái quá và suy diễn đã gây nhiễu loạn thông tin. Có một số đối tượng phản động đã lợi dụng hiện tượng này, kích động gây mất trật tự, gây bất an trong nhân dân. Lãnh đạo nhà nước chấp nhận sự bức xúc hợp lý của người dân nhưng không chấp nhận hiện tượng lợi dụng này.

17h29, Văn phòng Chính phủ cho phát một đoạn video clip xin lỗi người dân Việt Nam của ban lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Người đại diện doanh nghiệp này nói Formosa mong muốn đến Việt Nam đầu tư kinh doanh bền vững, lâu dài, để phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Clip lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi Nhà nước và Nhân dân Việt Nam (Nguồn Chinhphu.vn)

Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa nói, ông và Ban lãnh đạo đại diện cho 6.300 nhân viên công ty để nói lời xin lỗi. Trong quá trình hoạt động của công ty cũng như đã có đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cho thấy những sự cố về xả thải của công ty đã gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường, khiến thuỷ hải sản chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung thời gian qua. Công ty Formosa xin nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân Việt Nam, nhất là người dân 4 tỉnh miền Trung vì việc gây ra sự cố ô nhiễm môi trường này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

"Chúng tôi xin cam kết thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục lại môi trường biển, cam kết thực hiện các nghĩa vụ đã nêu, xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Việt Nam" - ông này nhấn mạnh, đây là lời xin lỗi từ trái tim và mong nhận được sự cảm thông của Thủ tướng, Chính phủ và người dân Việt Nam.

Formosa xả độc tố khiến cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD - 5

17h15, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin: Các cơ quan đã xác định Công ty gang thép Formosa có xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro ôxit sắt. Tham vấn quốc tế, các nhà khoa học kết luận trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp Formosa là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường.

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin kết luận về Công ty gang thép Formosa xả độc tố

Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ TN-MT đã phối hợp với các bộ ngành khác và tỉnh thành khác, nhiều lần làm việc với tập đoàn Formosa the one và Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Công ty Formosa Hà tĩnh cũng nhận trách nhiệm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường trên và cam kết thực hiện 5 điểm: - Xin lỗi người dân và Chính phủ Việt Nam vì gây ra sự cố

- Cam kết bồi thường cho người dân và xử lý phục hồi 11.500 tỷ, tương đương 500 triệu USD

- Khắc phục triệt để các tồn tại của hệ thống xử lý nước thải, công nghệ sản xuất để đảm bảo chất lượng xả thải theo yêu cầu của Hà Tĩnh và các cơ quan Trung ương, không để tái diễn tình trạng vừa qua

- Xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung để tạo niềm tin với người dân và bạn bè quốc tế

- Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm, nếu tái phạm sẽ chịu các chế tài của pháp luật Việt Nam.

Ông Dũng nhấn mạnh, việc khắc phục sẽ tiến hành với tinh thần minh bạch, có giám sát của MTTQ và các đoàn thể, nhân dân để đảm bảo Fomosa thực hiện đúng các cam kết, khôi phục lại môi trường biển và đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người dân, đảm bảo cuộc sống bình yên trên địa bàn, không để kẻ xấu lợi dụng.

Chính phủ đánh giá cao sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân 4 tỉnh miền Trung, sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ Đảng, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội. Sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong quá trình giải quyết xử lý môi trường cũng được ghi nhận. Chính phủ đánh giá cao quan điểm của phía Đài Loan khi yêu cầu Fomosa thực hiện trách nhiệm bồi thường khi gây ra sự cố.

“Đây cũng là bài học với các doanh nghiệp đầu tư, trong quá trình hoạt động phải chấp hành nghiêm pháp luật, trong đó có pháp luật về môi trường” – ông Dũng nói.


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo.

17h10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người chủ trì cuộc họp báo thông báo về nội dung cuộc họp báo quốc tế.

Ông Dũng nhấn mạnh một nội dung rất quan trọng như lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là trong tháng 6 sẽ công bố kết luận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết bất thường dọc biển 4 tỉnh miền Trung.

Nội dung thứ nhất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khái quát, công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm số một của Chính phủ, trong đó việc tháo gỡ khó khăn, gạt bỏ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp để tạo động lực mạnh mẽ nhất cho phát triển kinh tế. Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thiện các văn bản để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, quy định chi tiết việc thực hiện các luật của Việt Nam về thu hút đầu tư, với sự tham gia của các Bộ, cơ quan thẩm định, thẩm tra, tổ chức đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, tập đoàn kinh tế với tinh thần bỏ các rào cản, các giấy phép con. Trong 3 tháng gần đây, Chính phủ mới đã ban hành được 91/101 văn bản cần ban hành. Như vậy, số văn bản nợ đọng chỉ còn lại 10 văn bản của 13 luật, pháp lệnh. Đặc biệt, 50/50 văn bản cần ban hành để thực hiện luật Doanh nghiệp và Đầu tư đã được ban hành đầy đủ.

Với tinh thần hết sức quyết liệt để tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, việc soạn thảo các văn bản vừa qua được thực hiện nhanh nhất có thể nhưng không vì tiến độ mà để buông chất lượng. Ông Dũng nhấn mạnh, không đặt vấn đề nâng thông tư của các Bộ lên thành Nghị định. Tất cả những phần chồng lấn của các Bộ, Thủ tướng đã chỉ đạo quán triệt mỗi việc chỉ có 1 cơ quan đầu mối. Thủ tướng cũng chỉ đạo sau khi ban hành cần kịp thời rà soát, xem xét sửa đổi bổ sung nếu phát hiện nội dung nào đó không hợp lý.

Nội dung thứ 2, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, trong tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng làm hải sản chết đồng loạt, bất thường, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh xã hội. Ngay khi có thông tin, các lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên việc khắc phục sự cố, chỉ đạo các cơ quan đánh giá nguyên nhân trên cơ cở khoa học, khách quan, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý sự cố. Thủ tướng giao Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam huy động 100 nhà khoa học trong nước, ngoài nước, thu thập dữ liệu có sự phản biện của nhà khoa học nước ngoài. Các cơ quan xác định nguồn độc xuất phát từ nguồn thải của khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh có phenol kết hợp với Hidro tạo thành chất độc trôi theo dòng hải lưu về phía nam làm hải sản chết hàng loạt, nhất là khu vực đáy biển.

Formosa xả độc tố khiến cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD - 7

(Ảnh: Xuân Ngọc)

17h05, các Bộ trưởng vào phòng họp báo. Đại diện Văn phòng Chính phủ giới thiệu thành phần tham gia, nội dung họp báo.

16h30, phòng họp lớn của Trung tâm hội nghị Quốc tế đã nêm chật phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. Đây là phiên họp báo chuyên đề của Chính phủ. Ngoài nội dung công bố kết luận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung vừa qua, phiên họp lần này cũng thông tin về các Nghị định hướng dẫn thi hành luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư.

Formosa xả độc tố khiến cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD - 8


Vấn đề nóng là mối quan tâm hàng đầu của dư luận cả nước trong nhiều tháng qua. Rừng phóng viên báo chí tập trung tại phòng họp từ rất sớm.

Vấn đề nóng là mối quan tâm hàng đầu của dư luận cả nước trong nhiều tháng qua. "Rừng" phóng viên báo chí tập trung tại phòng họp từ rất sớm.

Formosa xả độc tố khiến cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD - 10

Nhiều Bộ trưởng như Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư… cũng có mặt tham gia họp báo.

Bài: P.Thảo
Ảnh: Xuân Ngọc