Đường ống dẫn nước sạch sông Đà: Cứ mưa nhiều là lại…vỡ !

(Dân trí) - “Khi mưa xuống nó làm cho nền đất yếu (bùn nhão) phía dưới đường ống có thể chưa được xử lý triệt để dẫn đến nó bị trương lên; sau đó gặp thời tiết nắng ráo nó co ngót lại tạo khoảng trống khá lớn…vì vậy khi truyền tải nước, ống “cựa quậy” là lại… vỡ”.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Sỹ Trung – Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và Hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải) về nguyên nhân vỡ hơn chục lần của đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà – Hòa Bình về Hà Nội suốt thời gian qua.

Trước đó, sau sự cố lần thứ 7 đường ống trên bị vỡ hồi tháng 6/2014. Cơ quan chức năng đã đưa ra nguyên nhân kết luận về sự cố vỡ liên tục của tuyến ống này là do chất lượng ống không đồng đều, có hiện tượng bong rộp, tách lớp nhiều vị trí, không đạt yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất, gia công, lắp đặt ống bằng composite cốt sợi thủy tinh…

 

1-485d2

Ông Nguyễn Sỹ Trung cho rằng: "Cứ mưa nhiều đường ống dẫn nước sạch sông Đà rất dễ bị vỡ"  - hiện trường sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà lần thứ 11 ngày 21/7/2015 (ảnh: Nguyễn Dương)

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng kết luận nguyên nhân như vậy là chưa đầy đủ, ông Trung phân tích: “Cả tuyến ống đó dài khoảng 47km, bắt đầu từ Nhà máy nước Sông Đà – Hòa Bình, sau đó chạy dọc theo Đại lộ Thăng Long khoảng 27km, rồi về tới Hà Nội. Nếu căn cứ theo nguyên nhân vỡ do “chất lượng ống không đồng đều” thì nó phải vỡ rải rác khắp 47km, nhưng có điều lạ là cả hơn chục lần vỡ chỉ dọc theo đại lộ Thăng Long. Tôi đã thiết kế để thi công tuyến Đại lộ Thăng Long, tôi biết, khu vực này địa chất rất yếu và chúng tôi phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc để xử lý nền đất yếu mới thi công làm được tuyến đường này. Tôi cho rằng, khi lắp đặt tuyến ống dẫn nước này người ta đã không xử lý tốt vấn đề đất yếu nên mới vỡ nhiều lần như vậy”.

Theo ông Trung tổng hợp, phần lớn các lần vỡ tuyến ống dẫn nước sạch nói trên đều tập trung ở các tháng mùa mưa.

“Tôi để ý rồi, đa phần ống nước này vỡ là vào những tháng mùa mưa. Khi mưa, nó làm cho nền đất yếu hay còn gọi là bùn nhão phía dưới đường ống nó trương lên; sau đó gặp thời tiết nắng ráo nó co ngót lại tạo ra những khoảng trống ở đó. Mà tuyến ống có đường kính rất lớn có chỗ lên tới 1,6m, áp lực nước rất cao thì nó mới đẩy nước lên nhà cao tầng được; do đó tuyến ống khi truyền tải nó sẽ “cựa quậy” như con rắn và bị “hẫng” bởi những khoảng trống đất nói trên nên rất dễ xảy ra sự cố vỡ ống. Nếu đoạn ống nằm hoàn toàn trong vùng bùn nhão có khi lại không sao, vì nổi cùng nổi, chìm cùng chìm. Đằng này lại nằm nửa nọ, nửa kia nên mới hay vỡ như vậy” – ông Trung lý giải thêm.

Đồng quan điểm với ông Trung, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, bất kỳ công trình xây dựng nào, trước khi thi công, nếu nền đất ở đó yếu thì phải xử lý triệt để cho đến khi an toàn mới bắt đầu được thi công. Do đó, ông Trung nêu quan điểm, kết luận nguyên nhân vỡ đường ống nước sạch sông Đà của cơ quan chức năng cần bổ sung thêm nguyên nhân “ống được lắp đặt trên nền đất yếu chưa được xử lý triệt để”. Vì vậy, căn cứ theo nguyên nhân này thì trách nhiệm thuộc về người thiết kế lắp đặt ban đầu của tuyến ống.

Từ khi đi vào sử dụng đến nay, tuyến đường ống dẫn nước sạch nói trên do Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex vận hành, sử dụng đã vỡ tới 11 lần và 1 lần gần đây nhất (25/7/2015) gặp sự cố nứt ống khiến nước rò rỉ ra bên ngoài. 

Nguyễn Dương

 

Đường ống dẫn nước sạch sông Đà: Cứ mưa nhiều là lại…vỡ ! - 2