Dân tiếp tục “tố” ga ngầm đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội sai chuẩn
(Dân trí) - Bộ Tư pháp vừa đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm rõ phản ánh của nhiều hộ dân về việc ga ngầm S9 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được thiết kế sai quy định so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình ngầm đô thị, tiềm ẩn tình trạng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Bà Tạ Thị Tài- Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp vừa ký văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị xem xét, giải quyết kiến nghị của những hộ dân sinh sống tại tổ 20 và tổ 22 phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội (từ số nhà từ 419 đến 477 đường Kim Mã) về việc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tham mưu cho UBND TP Hà Nội phê duyệt thiết kế ga ngầm S9 của dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vi phạm Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình ngầm đô thị.
Theo phản ánh của những người dân gửi tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình ngầm đô thị, phần I Tàu điện ngầm (QCVN 08:2009/BXD) tại Mục 5.8.7 quy định: “Khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ô tô kín hoặc hở, các khu vực thương mại, và các cửa sổ của nhà dân và công trình không được nhỏ hơn 25m; đến các trạm tiếp nhiên liệu cho ô tô, các kho chức dầu và các sản phẩm dầu, khí đốt, vật liệu gỗ, đường dẫn khí, các hạng mục công trình chế biến dầu và công nghiệp hoá chất không nhỏ hơn 100m”.
Tuy nhiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã tham mưu Chủ đầu tư là UBND TP Hà Nội phê duyệt thiết kế ga ngầm S9 của dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội (tuyến số 3) có hạng mục giếng thông gió xây dựng vào giữa khu dân cư, lấy đất ở của dân để làm nhưng khoảng cách từ giếng thông gió đến nhà dân chỉ từ 0-2m.
Mục 1 Quy chuẩn quốc gia (QCVN 08:2009/BXD) đã nhấn mạnh: Quy chuẩn này bao gồm các quy định bắt buộc áp dụng trong việc: lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình tàu điện ngầm; thiết kế, xây dựng và cải tạo các tuyến đường, các hạng mục công trình riêng lẻ và các trang thiết bị của tàu ngầm. Tuy nhiên người dân phản ánh, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội không thực hiện theo quy định nêu trên, vẫn tham mưu chủ đầu tư phê duyệt thiết kế ga ngầm S9 như hiện tại.
Đây là câu chuyện mà Dân trí đã từng phản ánh trong bài viết "Hà Nội: Hoang mang hình dung cảnh sống cạnh giếng thông gió hầm đường sắt". Suốt từ nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống dọc đường Kim Mã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để khiếu nại về việc hệ thống thông gió ngầm ga S9 được thiết kế chỉ cách nhà dân vài mét, khiến người dân lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí do đường ống thổi khí độc hại và ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống… song vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng.
Các hộ dân băn khoăn là phía đối diện nhà mình là bãi đỗ xe Ngọc Khánh rộng hàng nghìn mét vuông nhưng tại sao không thiết kế đặt giếng thông gió đường sắt đô thị vào đó mà phải đặt vào khu vực nhà dân?
“Nếu đặt giếng thông gió vào bãi đỗ xe công cộng, nhà nước có thể sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng, sức khỏe của những người dân không bị ảnh hưởng”- ông Trần Dũng Sơn, đại diện các hộ dân nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hạng mục giếng thông gió thuộc nhà ga ngầm S9 chạy qua phố Kim Mã được thiết kế cao hơn 5 m, chỉ cách nhà dân xung quanh từ 2,5-3 m.
“Nếu được xây dựng giếng thông gió sẽ gây tiếng ồn, xả khí độc hại làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh với hàng ngàn người”- ông Sơn lo ngại.
Liên quan đến sự việc, ngày 25/11/2014, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã ký công văn gửi Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó ghi rõ: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là văn bản bắt buộc phải áp dụng. Đơn vị thiết kế và các bên tham gia cần tuân thủ hoặc có giải pháp thích ứng đảm bảo điều kiện quy định trong Quy chuẩn”.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng lưu ý, đối với các vị trí thiết kế giếng thông gió thuộc nhà ga ngầm S9 của dự án, đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần nghiên cứu mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng để đảm bảo khoảng cách từ các giếng thông gió đến nhà dân lân cận đáp ứng các quy định. Trường hợp trong thực tế không thể giải phóng được mặt bằng, đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và biện pháp xử lý đảm bảo an toàn môi trường và an toàn cộng đồng đối với các vị trí đặt giếng thông gió và phải giải thích cho người dân hiểu.
Tuy nhiên, mặc dù người dân nhiều lần phản ánh, gửi đơn thư tới các cấp ban ngành liên quan nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Thế Kha