Chỉ có 77 trường hợp được xác minh tài sản trong năm 2016
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa cho biết, chỉ có 77 người thuộc diện kê khai được tiến hành xác minh tài sản, thu nhập trong tổng số trên 1 triệu người kê khai năm 2016. 6 tháng đầu năm 2017 chỉ có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Theo báo cáo sơ bộ công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ từ nay tới cuối năm 2017 của Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng đã được công khai theo đúng quy định pháp luật. Các bộ ngành, địa phương kiểm tra trên 1.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch nhưng chỉ phát hiện 22 đơn vị vi phạm.
Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai trên 1 triệu người. Nhiều bộ ngành, địa phương có số người đã kê khai đạt tỷ lệ 100%; kết quả công khai đạt tỷ lệ 99,8%.
Tuy nhiên năm 2016 chỉ có 77 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc do dư luận, phản ánh của nhân dân và báo chí.
6 tháng đầu năm 2017 chỉ có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; xử lý kỷ luật 4 người do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 3 người vi phạm phát hiện từ kỳ trước.
Về phát hiện tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết trong 6 tháng qua ngành thanh tra đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ đang triển khai phát hành ấn phẩm “Tập hợp các báo cáo chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng” và tham gia xây dựng Đề án của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Theo đánh giá của cơ quan này, chỉ đạo điều hành trong công tác phòng chống tham nhũng của các cấp, các ngành còn thiếu quyết liệt. Tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn phức tạp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy được hiệu quả thực tế. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế.
“Số vụ việc phát hiện còn ít. Công tác phối hợp nắm bắt, nhận định tình hình, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị về công tác phòng chống tham nhũng đôi khi còn thiếu chủ động. Việc nắm bắt tình hình để chủ động tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng chưa hiệu quả. Việc xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát hiện tham nhũng còn lúng túng và nhiều vướng mắc khác”- cơ quan thanh tra nhấn mạnh.
Trước đó như Dân trí phản ánh (ngày 28/10/2016), báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực (!).
“Quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm”-ông Sáu báo cáo Quốc hội.
Thế Kha