1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chấp nhận hình thức tố cáo qua email, điện thoại

(Dân trí) - Phản đối lo ngại việc tố cáo bằng email, fax, điện thoại dễ bị lợi dụng, phát tán thông tin trên mạng, UB Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung các hình thức này vào Luật tố cáo vì hành vi lợi dụng vẫn diễn ra cả khi không quy định.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tố cáo, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, UB Thường vụ cho biết, rất nhiều ý kiến tán thành bổ sung hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được đến các địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận tố cáo đã được niêm yết theo quy định của đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

UB Thường vụ Quốc hội nhận định việc bổ sung các hình thức tố cáo này là phù hợp. Khi tiếp nhận tố cáo theo bất cứ hình thức nào, cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành việc xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo như đối với đơn tố cáo hiện nay.
 
Chấp nhận hình thức tố cáo qua email, điện thoại - 1
Không ngại việc lợi dụng tố cáo bằng thư điện tử.

Tố cáo bằng hình thức thư điện tử, fax, điện thoại cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Trên thực tế, một số hình thức như tố cáo qua điện thoại (đường dây nóng) đang được áp dụng tại nhiều cơ quan, tổ chức và phát huy hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật Tố cáo vẫn có ý kiến băn khoăn việc bổ sung các hình thức tố cáo này dễ bị lợi dụng để phát tán đơn thư, thông tin về việc tố cáo, đưa thông tin về tố cáo lên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác, nhất là lãnh đạo Đảng, nhà nước; có thể làm tăng khối lượng đơn thư tố cáo cần giải quyết, gây áp lực hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Bác bỏ lo ngại này, UB Thường vụ Quốc hội phân tích, những hành vi lợi dụng quyền tố cáo vào những mục đích nêu trên vẫn diễn ra ngay cả khi luật không có quy định về tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử. Để hạn chế và tiến đến ngăn chặn tình trạng này thì pháp luật cần có quy định nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền tố cáo.

Vì vậy, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội cho bổ sung thêm các hình thức tố cáo này như thể hiện trong dự luật.

Về nội dung tố cáo nặc danh, quan điểm của cơ quan thường trực Quốc hội lại bác bỏ dù nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế xem xét, xử lý đối với những tố cáo có nội dụng cụ thể, rõ ràng. Theo quan điểm này, cơ chế bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam hiện chưa hiệu quả nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạnh đấu tranh một cách công khai, trực diện với tiêu cực. Nếu bỏ qua những tố cáo này có khả năng sẽ bỏ lọt hoặc xử lý không kịp thời đối với nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, UB Thường vụ giữ quan điểm quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tê, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, tránh hành vi lợi dụng.

UB Thường vụ Quốc hội cũng không chấp nhận đề xuất mở rộng quyền tố cáo cho cơ quan, tổ chức. Theo đó, nội dung này, dự thảo luật giữ nguyên quy định chỉ công dân có quyền tố cáo như đề xuất của Chính phủ.

P.Thảo