1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Cảng cá ảm đạm sau thông tin cá nhiễm chất cực độc

(Dân trí) - Sau quá trình phân tích mẫu cá, cơ quan chức năng đã xác định 30 tấn cá tại một kho đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, có chứa hàm lượng Phenol, một chất cực độc cấm dùng trong thực phẩm. Đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp xử lý cụ thể nào đối với số cá này.

Thông tin trên đã gây ra tâm lý lo ngại đối với ngư dân hành nghề khai thác thủy, hải sản, cũng như những người sống bằng nghề dịch vụ hậu cần biển.

Người dân phập phồng lo lắng sau vụ cá nhiễm chất cực độc

Các tiểu thương ngóng thuyền cập bờ
Các tiểu thương ngóng thuyền cập bờ

Ngày 11/6, PV Dân trí đã có mặt tại cảng biển thị trấn Cửa Tùng để tìm hiểu về hoạt động tại khu vực này sau thông tin cá bị nhiễm chất cực độc. Ghi nhận của chúng tôi, dường như không có bất cứ con tàu nào cập bờ bán cá. Theo thông tin từ Ban quản lý cảng cá này cho hay, những ngày trước có nhiều tàu thuyền cập bờ nhưng sáng hôm nay không có thuyền nào vào cảng. Phía trên bờ, có rất nhiều tiểu thương ngồi chờ đợi để thu mua cá.

Cảng cá Cửa Tùng vắng tanh sau thông tin cá bị nhiễm độc
Cảng cá Cửa Tùng vắng tanh sau thông tin cá bị nhiễm độc

Bà Lê Thị Hoa (60 tuổi, khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng) cho biết: “Nghe tin cá bị nhiễm độc chúng tôi rất hoang mang. Gia đình tôi làm nghề biển, sống nhờ biển nhưng giờ không có ai mua cá, mang cá lên chợ cũng không thể tiêu thụ”.

Bà Hoa lo lắng nói thông tin cá bị nhiễm độc khiến bà không bán cá được
Bà Hoa lo lắng nói thông tin cá bị nhiễm độc khiến bà không bán cá được

Theo thống kê, thị trấn Cửa Tùng có 54 hộ nhỏ lẻ, trữ đông cá để cung cấp ra thị trường, có 8 cơ sở cấp đông vừa (1 cơ sở đã ngừng hoạt động); 3 kho đông lớn. Trữ lượng cá tồn đọng hiện khoảng hơn 200 tấn. Trong đó, 2 kho đông lớn nhất là cơ sở Dũng Thuộc (nơi xác định có cá nhiễm độc) và cơ sở của anh Trần Văn Sơn (khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng) còn khoảng 80 tấn cá các loại.

Trước thông tin cá bị nhiễm chất độc, anh Sơn cũng tỏ ra lo ngại cá sẽ khó tiêu thụ trong thời gian này. Anh Sơn (chủ cơ sở cá Sơn Thủy) cho biết: “Từ trước đến nay cá không bán được, nay thông tin cá nhiễm độc càng gây hoang mang hơn. Hiện vựa cá của gia đình anh còn khoảng 80 tấn trữ trong kho lạnh, một nửa thu mua trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, số còn lại thu mua sau khoảng 15 ngày, khoảng 40 tấn. Số cá này đều được cấp giấy chứng nhận đánh bắt ở vùng an toàn. Trong đó, có nhiều loại cá khác nhau, riêng cá nục khoảng 20 tấn. Giá thu mua ở thời điểm đắt nhất là 50.000 đồng/kg, còn thấp nhất cũng 15.000-20.000 đồng/kg”.

Cơ sở của anh Sơn hiện còn khoảng 80 tấn cá trong kho đông lạnh chưa thể tiêu thụ
Cơ sở của anh Sơn hiện còn khoảng 80 tấn cá trong kho đông lạnh chưa thể tiêu thụ

Anh Sơn nói: “Sau khi các đơn vị chức năng cấp giấy an toàn đối với hải sản đánh bắt được, gia đình anh mới thu mua sau đó mang về rửa qua bằng nước ngọt rồi cho vào kho lạnh chứ không thêm một khâu nào khác”.

Trở về sau phiên chợ buổi sáng, bà Nguyễn Thị Bình (khu phố An Đức, thị trấn Cửa Tùng) mang tâm trạng âu phiền vì số cá mang đi bán buổi sáng hầu như vẫn còn nguyên. Bà Bình nói: “Sáng nay tôi lên chợ nhưng không có ai tiêu thụ cá nên không bán được. Với tình hình hiện tại không biết cuộc sống gia đình sẽ ra sao nữa. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để ổn định tâm lý cho người dân, chứ thực trạng cá chết như vừa qua đã khiến cuộc sống của bà con ảnh hưởng quá nhiều rồi”.

Bà Bình buồn bã khi phải chở nguyên thùng cá không bán được trong phiên chợ sáng
Bà Bình buồn bã khi phải chở nguyên thùng cá không bán được trong phiên chợ sáng

Bà Bình cho hay, hiện bà còn khoảng 200 kg cá chưa bán được và đang gửi kho đông lạnh của người quen gần 2 tháng nay.

Liên quan đến việc cá bị nhiễm độc mà người dân cho biết là họ thu mua từ các tàu đánh bắt xa bờ, dư luận cũng hết sức quan tâm là liệu quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn đối với hải sản đánh bắt xa bờ có được chặt chẽ? Và khi tiến hành cấp giấy chứng nhận nói trên, các đơn vị chức năng có thực hiện khâu kiểm định hải sản nào không hay chỉ căn cứ vào lịch trình hoạt động của các tàu cá tham gia đánh bắt?

Nhiều hộ tiểu thương chờ thuyền về nhưng mãi không có tàu cập cảng
Nhiều hộ tiểu thương chờ thuyền về nhưng mãi không có tàu cập cảng

Nói về quá trình cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt vùng an toàn, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng cảng cá Cửa Tùng cho hay, khi tàu khai thác của ngư dân cập bờ được cấp giấy chứng nhận an toàn mới xuất bán, với sự tham gia của lực lượng liên ngành, gồm: Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; Ban quản lý cảng cá...

“Cảng cá chỉ thống kê được số lượng tàu thuyền, sản lượng thủy sản, còn việc kiểm tra chất lượng do các đơn vị chuyên môn thực hiện”.

Cũng theo ông Long, các ngành chức năng bắt đầu thực hiện cấp giấy chứng nhận từ ngày 3/5. Từ đó đến nay đã cấp cho 100 tàu, với sản lượng khoảng 3.700 tấn.

Cơ sở cá của bà Lê Thị Thuộc, nơi được xác định có cá nhiễm độc
Cơ sở cá của bà Lê Thị Thuộc, nơi được xác định có cá nhiễm độc

Được biết, trong chiều nay (11/6), đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Trị sẽ quay trở lại kiểm tra số lượng cá được xác định bị nhiễm độc tại cơ sở Dũng Thuộc để có hướng xử lý đối với số cá này.

Đăng Đức