1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Cấm xe máy không có nghĩa hạn chế người dân sở hữu phương tiện cá nhân”

(Dân trí) - “Các giải pháp đưa ra không nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân mà chỉ nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông”, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Ngày 29/6, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã gặp gỡ báo chí trao đổi những vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực giao thông diễn ra thời gian qua, trong đó có định hướng tăng sử dụng giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, đến năm 2025 dừng hoạt động phương tiện cá nhân xe máy.

Cấm xe máy là xu thế tất yếu

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, có đề cập đến Chương trình phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng Hà Nội phát triển nhanh, bền vững. Khi đưa chương trình ra thảo luận, các đại biểu đã thống nhất là phải có lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới cấm xe máy vào năm 2025 để đảm bảo đô thị văn minh.

Cơ sở để thực hiện lộ trình này được lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội giải thích theo xu thế của các đô thị hiện đại của thế giới và trong khu vực, khi phát triển đến mức độ nào đó đều phải giảm dần phương tiện giao thông cá nhân và tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội đô.


Ông Vũ Văn Viện khẳng định không hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân

Ông Vũ Văn Viện khẳng định không hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân

“Chúng tôi không học và áp dụng một cách máy móc của các nước, mà việc xây dựng đề án vì Hà Nội hiện nay đang đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn, do phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện giải thích lý do xây dựng đề án.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 5,5 triệu phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có 500.000 ô tô, hơn 5 triệu xe máy. Với tốc độ tăng phương tiện giao thông cá nhân bình quân 10%/năm, thì đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 11 triệu xe máy.

“Lượng xe máy lớn không chỉ làm ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường, khí thải. Vì thế giảm phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội thành là một xu thế tất yếu. Việc này, Thủ tướng cũng đã có chủ trương giao cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải xây dựng lộ trình”, ông Viện nói.

Phương tiện vận tải công cộng phải đáp ứng nhu cầu đi lại

Theo ông Viện, để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và tiến tới cấm xe máy, Hà Nội phải đảm bảo các điều kiện đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, trong đó phương tiện vận tải hành khách công cộng phải bổ sung tương ứng lượng phương tiện giao thông cá nhân bị hạn chế. Đến năm 2025, Hà Nội cũng sẽ cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm và hoàn thiện 8 tuyến đường sắt đô thị.

Ô tô xe máy lưu thông lộn xộn trên tuyến đường Trường Chinh
Ô tô xe máy lưu thông lộn xộn trên tuyến đường Trường Chinh

Theo tính toán của ngành giao thông vận tải, đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội phải đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của nhân dân; đến năm 2025 đáp ứng được 30-40%. “Như vậy, để thay thế phương tiện cá nhân, trước hết phương tiện vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo chất lượng dịch vụ”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội giải thích.

Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án trên và dự kiến cuối năm 2016 sẽ trình UBND TP Hà Nội xem xét. Mục tiêu của đề án là đưa ra các giải pháp để tăng cường, quản lý phương tiện giao thông và đưa ra lộ trình giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, đến năm 2025 dừng hoạt động phương tiện cá nhân xe máy.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, các giải pháp đưa ra không nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân mà chỉ nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông.

“Khi nói đến cấm phương tiện giao thông cá nhân người ta thường hiểu cấm mua, cấm sở hữu, như vậy là không đúng. Chúng ta chỉ hạn chế phương tiện tham gia giao thông tại các khu vực cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Ở đây, Hà Nội không cấm nhân dân mua, sở hữu ô tô, xe máy để đi ở những tuyến phố không cấm”, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm