1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Báo cáo Chính phủ việc Đà Nẵng “chây ỳ” xử lý sai phạm sau thanh tra

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng sự việc Đà Nẵng chưa thu hồi được 2.353 tỷ đồng theo kết luận thanh tra và chưa xử lý xong việc kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật với hàng loạt giám đốc sở, giám đốc ban quản lý liên quan tới sai phạm đã được chỉ ra từ năm 2012.

Toà nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng (bên trái).
Toà nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng (bên trái).

Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về xử lý sau thanh tra tại Đà Nẵng. Theo đó, ngày 2/11/2012 Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra số 2852 về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có ý kiến dư luận trái chiều.

Kết luận thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và chỉ đạo xử lý tại văn bản số 1930/VPCP-V.I ngày 19/11/2012 của Văn phòng Chính phủ.

Ngày 25/9/2015, Tổng Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại Đà Nẵng. Kết quả kiểm tra đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và chỉ đạo tại văn bản số 2422/VPCP-V.I ngày 6/4/2016 của Văn phòng Chính phủ: “UBND TP Đà Nẵng và các Bộ: Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1930/VPCP-V.I ngày 19/11/2012 của Văn phòng Chính phủ, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 5/2016”.

Tuy nhiên sau đó Đà Nẵng vẫn tiếp tục có văn bản “kêu khó”. Nghiên cứu báo cáo của Đà Nẵng về kết quả thực hiện kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy còn nhiều nội dung chưa được xử lý xong.

Cụ thể như việc thu hồi, huỷ bỏ hoặc điều chỉnh 26 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp chưa phù hợp với quy định và rà soát lại tất cả các trường hợp tương tự để điều chỉnh đúng với diện tích đất được giao, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng.

Đến nay Đà Nẵng đã điều chỉnh mục đích sử dụng đất thành 50 năm đối với lô đất A1.1 Khu công công viên bắc Đài tưởng niệm cấp cho ông Hoàng Hải.

Đà Nẵng cũng đã cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng du lịch cao cấp Sunrise, Khu phía đông đường du lịch ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc (quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty cổ phần Địa Cầu.

Đã điều chỉnh mục đích sử dụng đối với dự án khu dân cư khu vực hồ 1-2 Bàu Thạc Gián, ngã ba đường Tản Đà-Hàm Nghi (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) của Công ty cổ phần Hoàng Anh-Gia Lai và Khu thương xá Vĩnh Trung (bãi đậu xe) của Công ty cổ phần Đức Mạnh. Các dự án còn lại chưa xử lý xong.

Về việc rà soát lại tất cả các trường hợp tương tự để điều chỉnh đúng với diện tích đất được giao, mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng, Thanh tra Chính phủ cho biết Đã Nẵng đã rà soát được 627 trường hợp, trong đó có 514 trường hợp là các tổ chức, 113 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên chưa tiến hành điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất theo quy định.

“Về việc thu hồi về ngân sách thành phố số tiền trên 1.486 tỷ đồng và số tiền trên 867 tỷ đồng vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra chưa xử lý xong”- báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Đà Nẵng cũng chưa xử lý xong việc kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật Giám đốc các Sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Giám đốc Công ty quản lý và khai thác đất thành phố, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng và các cá nhân có liên quan để xảy ra các sai phạm nêu trong kết luận thanh tra năm 2012 (!).

Đối với việc xác định lại giá đất đối với 19 dự án (theo phụ lục kết luận thanh tra), Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Đà Nẵng tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm với việc tổ chức thực hiện này.

Tuy nhiên, báo cáo ngày 30/3/2017 của UBND TP Đà Nẵng gửi Chính phủ vẫn giữ quan điểm việc xác định giá đất đối với 19 dự án nêu ở phụ lục thanh tra là phù hợp (?!).

Thanh tra Chính phủ khẳng định kết luận thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và chỉ đạo thực hiện tại nhiều văn bản; báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng đã được Thủ tướng đồng ý, chỉ đạo thực hiện.

Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ theo quy định.

Liên quan đến việc này, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/4, trả lời PV Dân trí, ông Đặng Khánh Toàn- Vụ trưởng Vụ Giám sát, theo dõi và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) khẳng định quan điểm của Thanh tra Chính phủ đã rất rõ ràng. “Đó là Đà Nẵng phải tiếp tục thực hiện đầy đủ kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã được nêu trong kết luận thanh tra và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý”- ông Toàn nói.

Tổng sai phạm trên 3.400 tỷ đồng

Kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành năm 2012 cho thấy việc giao đất của UBND TP Đà Nẵng chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Điển hình như khu đất giao cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch được UBND TP định giá từ năm 2007, qua 4 lần gia hạn, đến tháng 9/2009, công ty mới nộp tiền nhưng Đà Nẵng lại không định lại giá, gây thất thu ngân sách hơn 120 tỷ đồng. Khu đất này, ngay sau đó Phúc Thiên Long chuyển nhượng cho đối tác khác, thu lợi tới gần 500 tỷ đồng.

Tương tự, hai lô đất tổng diện tích hơn 3,4 ha được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá khởi điểm 88 tỷ đồng và chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Đông tháng 1/2008. Chỉ 32 ngày sau, bà Đông sang tên một lô cho người khác, thu chênh lệch 107 tỷ đồng. Lô còn lại, đến tháng 8, bà nhượng tiếp để kiếm lời 155 tỷ đồng. Cũng miếng đất thứ hai ấy, 2 tháng tiếp theo, chủ thứ cấp sang nhượng tiếp, hưởng chênh lệch 256 tỷ đồng. Tổng số tiền chênh lệch sau các lần chuyển nhượng, so với giá TP Đà Nẵng giao lên tới 520 tỷ đồng…

Tổng cộng tất cả sai phạm ở TP Đà Nẵng được Thanh tra Chính phủ xác định lên tới 3.434 tỷ đồng thất thu ngân sách.


Thế Kha