1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bám sát việc xử lý sai phạm trên 3.400 tỷ đồng của Đà Nẵng

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp, chủ dự án ở Đà Nẵng nêu khó khăn, đề xuất không nộp thêm tiền sử dụng đất, không thu thêm tiền sử dụng đất nhưng đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định Đà Nẵng phải tiếp tục thực hiện đầy đủ kiến nghị của cơ quan này đã được nêu trong kết luận thanh tra.

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Giám sát, theo dõi, xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) trả lời tại cuộc họp báo.
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Giám sát, theo dõi, xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) trả lời tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 24/4, PV Dân trí đặt câu hỏi liên quan tới việc Đà Nẵng đã khắc phục, xử lý những kiến nghị được Thanh tra Chính phủ đưa ra trong Kết luận thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai ban hành năm 2013 như thế nào?

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Giám sát, theo dõi và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho biết, kể từ khi ban hành kết luận thanh tra và có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Thanh tra Chính phủ vẫn thường xuyên theo dõi, bám sát việc Đà Nẵng xử lý khắc phục.

“Sau một thời gian địa phương thực hiện các nội dung trong kiến nghị thanh tra, năm 2015 Tổng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả thanh tra tại UBND TP Đà Nẵng, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Sau khi có kết quả kiểm tra tại Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ đã có theo dõi, đôn đốc tại Đà Nẵng”- ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, ngày 30/3/2017, Đà Nẵng đã có báo cáo về kết quả thực hiện thanh tra, trong đó có nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngay lập tức, Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

“Trong văn bản mới nhất của Đà Nẵng gửi Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng cho biết có tổ chức cuộc họp và mời các doanh nghiệp, chủ đầu tư tham dự. Các doanh nghiệp, chủ dự án đều nêu ý kiến khó khăn trong việc thực hiện thủ tục quyền thuê đất và vấn đề tài chính nên đề xuất không nộp thêm tiền sử dụng đất. Họ kiến nghị Thanh tra Chính phủ không thu thêm tiền sử dụng đất. Tuy nhiên quan điểm của Thanh tra Chính phủ đã rất rõ ràng. Đó là phải tiếp tục thực hiện đầy đủ kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã được nêu trong kết luận thanh tra và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý”- ông Toàn nói.

Trước đó, vào đầu năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã công khai Kết luận thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.

Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của UBND TP Đà Nẵng chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Điển hình như khu đất giao cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch được UBND TP định giá từ năm 2007, qua 4 lần gia hạn, đến tháng 9/2009, công ty mới nộp tiền nhưng Đà Nẵng lại không định lại giá, gây thất thu ngân sách hơn 120 tỷ đồng. Khu đất này, ngay sau đó Phúc Thiên Long chuyển nhượng cho đối tác khác, thu lợi tới gần 500 tỷ đồng.

Tương tự, hai lô đất tổng diện tích hơn 3,4 ha được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá khởi điểm 88 tỷ đồng và chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Đông tháng 1/2008. Chỉ 32 ngày sau, bà Đông sang tên một lô cho người khác, thu chênh lệch 107 tỷ đồng. Lô còn lại, đến tháng 8, bà nhượng tiếp để kiếm lời 155 tỷ đồng. Cũng miếng đất thứ hai ấy, 2 tháng tiếp theo, chủ thứ cấp sang nhượng tiếp, hưởng chênh lệch 256 tỷ đồng. Tổng số tiền chênh lệch sau các lần chuyển nhượng, so với giá TP Đà Nẵng giao lên tới 520 tỷ đồng…

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành xác minh 22 dự án như vậy, kết luận số tiền vi phạm lên tới 2.120 tỷ đồng, trong đó có những vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái về Luật Đất đai và đầu tư xây dựng… Tuy nhiên do thẩm quyền và nghiệp vụ điều tra của đoàn thanh tra không có, việc thanh tra mới chỉ dừng ở bước thanh tra hành chính.

Ngoài ra, một số vi phạm khác cũng được chỉ ra như giảm giá tiền sử dụng đất phải nộp nếu nộp tiền sớm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gia hạn nộp tiền sử dụng đất sai quy định.

Tổng cộng tất cả sai phạm ở TP Đà Nẵng được Thanh tra Chính phủ xác định lên tới 3.434 tỷ đồng thất thu ngân sách.

Trả lời câu hỏi xoay quanh việc có kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hay không, ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, thẩm quyền xác minh, nội dung kê khai tài sản thuộc về Thành uỷ TP Đà Nẵng. “Đến nay Thành uỷ TP Đà Nẵng đã kiểm tra và thông tin sơ bộ tới báo chí theo đúng thẩm quyền phân cấp. Thời gian tới nếu nhận chỉ đạo của các cấp thì Thanh tra Chính phủ sẽ thông tin thêm”- ông Tuấn Anh nói.

Thế Kha