Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Các đề xuất lương tối thiểu 2017 đã gần nhau

(Dân trí) - Sáng 13/7 tại Hà Nội, trao đổi với báo giới về lộ trình đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2017, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân dự báo mức “nóng” về đàm phán sẽ giảm bớt so với năm 2016. Đặc biệt, căn cứ đề xuất mức lương tối thiểu của các bên đã gần nhau.


Năm 2015, mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4 % (ảnh: TL)

Năm 2015, mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4 % (ảnh: TL)

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận xét: “Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ thấp hơn năm 2016. Khả năng Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đề nghị tăng ở mức thấp, Tổng LĐLĐ VN chắc sẽ phải điều chỉnh đề xuất mức tăng thấp hơn so với năm 2016. Như vậy, khoảng cách đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 giữa 2 bên sẽ gần hơn so với năm 2016”.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, vị Thứ trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia này hy vọng việc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ được kết thúc trong 1 Phiên cuối tháng 7. “Như vậy, Hội đồng tiền lương sẽ làm việc đỡ vất vả hơn so với năm 2016”.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân
Thứ trưởng Phạm Minh Huân

Nhận định của Thứ trưởng Phạm Minh Huân một phần dựa trên những đánh giá của các bên đưa ra để đề xuất mức tăng lương tối tiểu vùng.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói: “Theo những thông tin tôi được biết, căn cứ xây dựng mức sống tối thiểu của các bên đã có những điểm gần nhau hơn so với năm 2016”.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân lưu ý, nhu cầu tiêu dùng - chỉ nên xem là một trong các yếu tố xác định mức sống tối thiểu trong đề xuất tăng lương của các bên, chứ không thể đại diện lý do tăng lương tối thiểu.

Trả lời câu hỏi về việc Hiệp hội dệt may VN vừa đề xuất không tăng lương tối thiểu năm 2017, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: “Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp chứ không chỉ Hiệp Hội dệt may VN. Nhiều doanh nghiệp đề xuất trước mắt không tăng hoặc tăng thấp. Trong khi đó, đại diện người lao động cũng đề nghị tăng mức cao.

Tôi không nghĩ là sẽ dừng đột ngột việc lương tối thiểu. Khả năng là VCCI và Tổng LĐLĐ VN sẽ có những điểm nhích gần với nhau hơn về việc tăng lương tối thiểu 2017”.

Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015), Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015), Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015), Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

Nhấn mạnh tới điểm mới trong đánh giá lương tối thiểu năm 2017 của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: “Năm nay, Hội đồng sẽ phải cân đối kỹ hơn, cụ thể: Chúng tôi sẽ phân tích trong tương quan giữa nhóm lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động với cả khối 50 triệu lao động đang tồn tại trên thị trường lao động, quan hệ giữa tiền công của khu vực không có quan hệ lao động và tiền lương của khu vực có quan hệ lao động ra sao? Sự cân đối giữa tiền lương của khu vực doanh nghiệp và khu vực cơ quan nhà nước?”.

Trước đó, trao đổi với PV Dân Trí, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết, dù mức tăng lương tối thiểu năm 2017 không thể cao bằng mức 12,4 % của năm 2016, nhưng phương án tăng sẽ không dưới mức 10-11 %, tương đương từ 250.000 đến 400.000 đồng/tháng.

Được biết năm 2015, các phiên đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2016 đã diễn ra khá “nóng” giữa các VCCI và Tổng LĐLĐ VN. Đề xuất tăng ban đầu của các bên cách xa nhau. Đại diện Tổng LĐLĐ VN cho rằng “lằn ranh đỏ” ít nhất phải đạt 14,3 %. Trong khi đó, đại diện VCCI trước khi bước vào phòng họp đề xuất mức tăng 10%. Phiên cuộc họp lần thứ 3 (ngày 3/9/2015), các bên đã bỏ phiếu để chốt phương án mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12.4%.

Có nên áp dụng lương tối thiểu theo giờ? “Hiện chưa thể áp dụng ngay vì thói quen của chúng ta đã làm nhiều năm qua. Tuy nhiên trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng có thể tính dần tới quy định lương tối thiểu tính theo giờ” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Hoàng Mạnh