“Tăng tuổi hưu của người lao động, nên chia thành 2 nhóm”

(Dân trí) - “Tính toán tuổi hưu cần hướng tới 2 nhóm đối tượng. Với nhóm lao động trực tiếp, quy định tuổi hưu như hiện nay là phù hợp. Nhóm lao động trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp có thể xem xét nâng lên mức nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Tuy nhiên cần có lộ trình cụ thể”.

“Tăng tuổi hưu của người lao động, nên chia thành 2 nhóm” - 1

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), chia sẻ quan điểm cá nhân về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Đây cũng là 1 trong 5 nội dung chính đang được Bộ LĐ-TB&XH xem xét đưa vào Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 để trình Quốc hội thời gian tới đây.

Thưa ông, Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2012 (có hiệu lực từ tháng 5/2013) đã giữ nguyên quy định tuổi hưu, dù trước đó có nhiều ý kiến đề nghị nâng lên. Sau hơn 3 năm thực hiện Bộ luật lao động năm 2012, việc xem xét lại đề xuất nâng tuổi hưu có căn cứ hay không?

- Để phân tích đề xuất nâng tuổi hưu rõ hơn, tôi chia thành 2 nhóm người lao động.

Đối với nhóm lao động tham gia sản xuất trực tiếp, do điều kiện làm việc độc hại và nặng nhọc, quy định tuổi hưu nên giữ nguyên như hiện nay là hợp lý. Tức là nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu ở tuổi 55.

Những lao động này chủ yếu làm việc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, như: Công nhân hầm lò, may mặc, xây dựng, cầu đường, có thể gồm cả những lao động đặc thù như giáo viên mầm non…

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Với nhóm công chức, viên chức hoặc người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp, việc xem xét tăng tuổi hưu có thể được xem xét.

Điều này xuất phát bởi thực tế về thể trạng và tuổi thọ người lao động VN đã tăng lên so với 30-40 năm trước đây, điều kiện cuộc sống và dinh dưỡng đã cải thiện hơn. Nhiều lao động ở tuổi 55-60 vẫn còn khả năng lao động tốt, kinh nghiệm và chất xám đóng góp cho xã hội.

Trong khi đó, dân số VN đã bước vào giai đoạn dân số già, việc kéo dài tuổi hưu ở một góc độ nhất định sẽ đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí. Đây cũng là cách thu hẹp hơn tuổi hưu giữa nam và nữ, so với khoảng cách 5 năm như hiện nay.

Do vậy, quan điểm nâng tuổi hưu lên 62 ở nam giới và 60 ở nữ giới khi đưa vào Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 sẽ có căn cứ hơn khi xem xét ở nhóm người lao động thứ 2.

Theo ông Lê Đình Quảng, nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận nâng tuổi hưu của người lao động, cụ thể: Brazil, Namphi, Argentina: Nam nghỉ hưu ở 65 tuổi, nữ 60 tuổi; Kazakhstan: Nam 63, nữ 58; Úc: Nam 65, nữ 63; Lào và Campuchia: Nam và nữ nghỉ hưu ở tuổi 60…

Vậy tới thời điểm nay, đề xuất tăng tuổi hưu trong Dự thảo Bộ Luật lao động năm 2012 sẽ khác gì so với đề xuất của hơn 3 năm trước đây, thưa ông?

- Với quan điểm có thể xem xét việc tăng tuổi ở nhóm lao động thứ 2 như trên, tôi cho rằng cần xây dựng 1 lộ trình cụ thể, nhằm đảm bảo sự ổn định trong quỹ lương, sức chịu đựng của doanh nghiệp, tâm lý người lao động và sự đồng thuận xã hội.

Dựa theo lộ trình sửa đổi Bộ luật lao động 2012 do Bộ LĐ-TB&XH dự kiến: Năm 2017, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua Dự thảo Luật sửa đổi. Nếu đúng như thế, có thể ít nhất tới năm 2018, quy định mới này mới có thể có hiệu lực.

Một lộ trình tăng tuổi hưu có thể tham khảo như sau: Từ năm 2018, tuổi hưu của nữ sẽ tăng lũy tiến thêm 1 tuổi/1 năm. Tức là, tuổi hưu của nữ giới sẽ là 56 vào năm 2018, 57 vào năm 2019, 58 vào năm 2020, 59 vào năm 2021 và 60 vào năm 2022.

Với nam giới, lũy tiến có thể tính theo 1 năm/nâng thêm 6 tháng tuổi, tính từ năm 2018. Mất khoảng 4 năm để đưa tuổi nghỉ hưu của nam giới lên con số 62. Lúc đó thời điểm sẽ dao động vào năm 2022.

Như vậy, thời điểm tăng tuổi hưu của nam và nữ sẽ hoàn thành cùng vào năm 2022.

“Nên lưu ý, việc tăng tuổi hưu được hiểu là thể hiện quyền được làm việc tới tuổi 62 với lao động nam và 60 với lao động nữ, trong khu vực hành chính sự nghiệp. Nhưng việc sửa đổi Luật Lao động 2012 cần thiết kế linh hoạt sao cho người lao động có thể nghỉ hưu ở mức tuổi hiện hành khi chưa tới thời điểm năm 2022” - ông Lê Đình Quảng nói.

Việc tăng tuổi hưu ít nhiều sẽ tạo ra tâm lý ì trệ, muốn “giữ ghế” ở nơi này, nơi nọ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của thế hệ sau này. Trong khi đó, thị trường lao động đang có khoảng 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thưa ông?

- Giải quyết bài toán cân bằng như trên không hề đơn giản. Chính vì vậy, tôi chú trọng vào một lộ trình tăng dần tuổi hưu theo lũy tiến bên cạnh việc thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp có tính thực chất như tinh giảm biên chế, đánh giá và xếp loại cán bộ…của các ngành và doanh nghiệp.

Chúng ta cũng cần quan tâm tới xu thế hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế nước nhà vào khu vực vào thế giới. Tác động này sẽ là gia tăng thêm nguồn việc làm, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước đang mở rộng và cần thêm nhiều nhân lực. Tất nhiên, khu vực này sẽ cần năng lực làm việc và sự cạnh tranh khốc liệt.

Xin được bổ sung thêm, quy định lao động quá 60 tuổi vẫn có thể làm việc đã được Bộ Luật lao động 2012 quy định ở Điều 187, như: Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định .

“Cả nước có hơn 50 triệu người trong độ độ tuổi lao động. Trong đó, lực lượng lao động trong khu vực có quan hệ lao động đạt khoảng 22 triệu người. Trong khu vực này, khối hành chính sự nghiệp chiếm khoảng hơn 4 triệu người, còn lại hơn 9 triệu lao động có hợp đồng lao động, hơn 8 triệu người không có hợp đồng lao động” - ông Lê Đình Quảng nói.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện