Lương tối thiểu năm 2017: VCCI đề xuất mức tăng trung bình 4,62%

(Dân trí) - Chiều hôm nay (20/7), tại cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia diễn ra tại Hải Phòng, VCCI đã chính thức đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2017 là 4,62% %. Mức này chỉ bằng 50 % mức đề xuất của năm 2015 cho năm 2016. Cũng giống dự đoán trước đó mà Báo Dân trí đã đưa ra.


VCCI đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2017 chỉ bằng 1/2 mức của năm 2016.

VCCI đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2017 chỉ bằng 1/2 mức của năm 2016.

Theo đó, mức tăng lương tối thiểu năm 2017 dao động từ 4-5 %, để bù trượt giá năm 2016 và hướng tới đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Mức lương tối thiểu năm 2017 được VCCI đề xuất tăng từ 100.000 - 180.000 đồng cho 4 vùng. Tính trung bình, mức tăng là 4,62 %. Cụ thể: Vùng 1 dự kiến tăng thêm 180.000 đồng, vùng 2: 150.000 đồng, vùng 3: 120.000 đồng và vùng 4: 100.000 đồng.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, một thành viên trong nhóm đàm phán lương của VCCI - cho biết: “Quan điểm của VCCI là phải tăng lương tối thiểu, nhưng ở mức có thể chấp nhận được. Chúng tôi đã khảo sát mức lương tối thiểu tại doanh nghiệp dựa vào các chỉ số tiêu dùng, GDP, chỉ số sản xuất, năng lực chi trả, năng lực cạnh tranh khu vực…”.

“Mức lương tối thiểu của VN đã tăng cao hơn nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanma hoặc Ấn Độ. Đồng thời, chi phí lao động và BHXH cũng cao hơn nhiều nước. Trong khi các nước như Malayxia và Thái Lan đều không tăng nhanh như VN” - Theo VCCI.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, có 54.500 doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lên tới 36.626 doanh nghiệp, chiếm tới 2/3, tăng 17 % so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số CPI tăng khá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới nguy cơ doanh nghiệp phá sản.

“Như vậy, trung bình 3 doanh nghiệp thành lập mới thì có 2 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tốc độ tăng trưởng lao động năm 2015 ở VN tăng hơn năm 2014. Nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng lao động trong doanh nghiệp” - thành viên này cho biết.

Nêu ra nguy cơ từ việc tăng lương tối thiểu quá nhanh và cao, thành viên nhóm đàm phán lương của VCCI cho biết thêm: “Lương tối thiểu chỉ là 1 yếu tố. Ngoài ra, các yếu tố khác “ăn theo” lương tối thiểu mới ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. Đó là phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn sẽ tăng theo.

Dẫn chứng về ý kiến doanh nghiệp, vị chuyên gia thuộc VCCI nói: “Nếu tăng thêm 1 chút thì doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ phải tăng thêm tới hàng chục tỉ đồng đóng phí BHXH... Như vậy, doanh nghiệp phải tính toán lại hết kế hoạch kinh doanh và tài chính. Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải tận dụng các cơ hội của Hiệp định TPP đem lại. Người lao động và chủ doanh nghiệp cần có sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau trong quá trình hội nhập”.

Như vậy, phương án đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 của các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia đã rõ. Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng 11,11%, tương đương từ 250.000-400.000 đồng. VCCI đề xuất tăng ở mức 4,62%, tương đường tương từ 100.000 - 180.000 đồng.

Trước đó trong cuộc họp sáng 20/7, Tổng LĐLĐ VN đưa ra đề xuất chính thức với mức tăng 11,11 %, tương ứng từ 250.000 - 400.000 đồng cho 4 vùng. Theo đó, vùng 1 dự kiến tăng thêm 400.000 đồng, vùng 2: 350.000 đồng, vùng 3: 300.000 đồng và vùng 4: 250.000 đồng.

Trong đó, mức tăng ở vùng 1 đáp ứng cao nhất nhu cầu sống tối thiểu với 92,85 %, mức tăng vùng 3 đáp ứng thấp nhất nhu cầu sống tối thiểu với 88,5%.

Đề xuất chính thức này không chênh lệch nhiều với mức đề xuất tăng tối đa 11% trước đó do Tổng LĐLĐ VN đưa ra.

Cuộc họp ngày 20/7 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa kết thúc. Theo một thành viên Hội đồng cho biết, cuộc họp là dịp để các bên tìm hiểu đề xuất và căn cứ tăng lương tối thiểu của nhau. Phiên họp tới đây của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để bàn về tăng lương tối thiểu năm 2017 dự kiến sẽ diễn ra đầu tháng 8.

Hoàng Mạnh