1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu 2017: VCCI lo mức tăng cao làm giảm người tham gia BHXH

(Dân trí) - Giữ quan điểm chỉ tăng lương tối thiểu 2017 ở mức từ 4-5 %, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho rằng nếu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới việc làm. Đặc biệt, mức tăng nếu trên 5 % sẽ làm giảm từ 50-70.000 lao động tham gia BHXH trong ngắn và dài hạn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo một chuyên gia về tiền lương của VCCI, thống kê của Bản tin thị trường lao động quý 1/2016, cả nước có 53,29 triệu người có việc làm, giảm 211.120 người so với quý 4/2015. Cũng trong quý 1/2016, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động bj thất nghiệp, tăng 20.700 người so với Quý 4/2015. Tỷ lệ thiếu việc làm là ,1 76%, tăng nhẹ so với quý 4/2015.

Trong 3 khu vực doanh nghiệp, chỉ có khu vực doanh nghiệp nhà nước có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2012-2014, còn 2 khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI đều có xu hướng giảm. Sự suy giảm hiệu quả sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI bắt nguồn từ tốc độ tăng tiền lương của người lao động đã cao hơn so với tốc độ tăng doanh thu bình quân.

VCCI dự báo ảnh hưởng lên cầu lao động của việc tăng lương tối thiểu thực tế cho 2 kịch bản là 3 % và 5 % (không bao gồm tăng do yếu tố lạm phát). Tổng chi phí lao động của doanh nghiệp trung ở mức 2.905 triệu đồng/năm. Độ co giãn của cầu lao động từ phía doanh nghiệp đối với chi phí lao động ước lượng bằng - 0,175 và - 0,5,19 trong ngắn hạn và dài hạn.

Căn cứ vào số liệu điều tra toàn doanh nghiệp năm 2015 của Tổng cục Thống kê trên 405.938 doanh nghiệp cho thấy: Trong tổng số gần 12 triệu lao động, chỉ có khoảng 61,3 % là lao động tham gia BHXH. Như vậy còn gần 40% lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội. Tỉ lệ lao động không được tham gia BHXH đặc biệt cao ở ngành xây dựng, tiếp theo là ngành thương mại.

“Như vậy, nếu chi phí lao động tăng thêm 1% thì cầu lao động của doanh nghiệp sẽ giảm đi 0,175 % trong ngắn hạn và 0,519 % trong dài hạn. Theo ước tính, nếu tăng mức lương tối thiểu thực tế năm 2017 thêm 3 %, thì tổng số lao động tham gia BHXH sẽ giảm khoảng hơn 10.000 trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động trong dài hạn” - vị chuyên gia của VCCI cho biết.

Các lao động này có thể mất việc hoặc chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia BXHH. Tương tự khi mức độ tăng lương tối thiểu lên 5 % thì tác động lên giảm việc làm sẽ cao hơn.

Như vậy, tổng số lao động tham gia BHXH sẽ giảm khoảng hơn 17.000 người trong ngắn hạn và 51.000 lao động trong dài hạn. Ở các mức tăng lương tối thiểu cao hơn thì rõ ràng tác động tiêu cực lên việc làm sẽ lớn hơn.

Cuộc họp đầu tiên bàn về tăng lương tối thiểu 2017 của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã diễn ra hôm 20/7 tại Hải Phòng. Tại cuộc họp, Tổng LĐLĐ VN đã đề xuất mức trung bình tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 11,11 % so với lương tối thiểu năm 2016. Mức tăng này tương ứng từ 250.000 - 400.000 đồng cho 4 vùng. VCCI đề xuất tăng từ 4-5 %, tương đường tương từ 100.000 - 180.000 đồng.

Dự kiến, cuộc họp tiếp theo của Hội đồng tiền lương Quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng 2017 sẽ diễn ra vào đầu tháng 8

Phan Minh