1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN:

“Cơ quan BHXH làm tốt, người dân sẽ tự giác tham gia...”

(Dân trí) - Cải cách thủ tục hành chính và đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch điện tử là 2 nhiệm vụ được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai quyết liệt và hiệu quả trong năm 2016. Bên cạnh đó, công tác thu BHXH, BHTN, BHYT và bao phủ BHYT đều vượt chỉ tiêu của năm 2016. Việc triển khai thông tuyến huyện khám chữa bệnh BHYT đúng lộ trình đề ra.

Nhân dịp năm mới, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN - đã có cuộc trao đổi thêm về những vấn đề trên với PV Báo Khuyến học và Dân trí.

Thưa ông, chúng ta có thể nhìn nhận và đánh giá gì về những điểm nổi bật nhất trong thành tựu từ công tác triển khai nhiệm vụ của ngành BHXH trong năm 2016?

- Tới thời điểm này, tôi có thể khẳng định công tác thu và bao phủ BHYT năm 2016 đã vượt chỉ tiêu đề ra. Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) ước đạt 255.000 tỉ đồng, hoàn thành 100,4% kế hoạch. Số thu này tăng 38.0000 tỉ đồng (17%) so với năm 2015. Tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 81,3% dân số, vượt 2,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.


Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN

Trong khi đó, số nợ BHXH, BHYT, BHTN cơ bản được kiểm soát, không gia tăng số tuyệt đối và tỷ lệ giảm so với năm 2015. BHXH VN ước tính số nợ tại thời điểm kết thúc năm 2016 là 9.633 tỉ đồng, bằng 3,66% so với số phải thu (số nợ cùng kỳ năm 2015 là 9.920 tỉ đồng, bằng 4,88% so với số phải thu).

Toàn ngành ước giải quyết các chế độ BHXH cho 8,42 triệu lượt người, tăng gần 400 nghìn lượt người (5,2%) so với năm 2015; phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho gần 850.000 lượt người hưởng chế độ BHTN, tăng gần 300 nghìn lượt người (59%) so với năm 2015.

BHXH VN đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế trong thực hiện thông tuyến, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc. BHXH VN cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc trục lợi và bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Tới tháng 12/2016, ngành BHXH và Y tế ước tính phục vụ trên 144 triệu lượt người có thẻ BHYT tham gia khám chữa bệnh, tăng 14 triệu lượt người (10,8%) so với năm 2015. Thủ tục hành chính trong chi trả được đơn giản, nhiều thành phần hồ sơ được loại bỏ, tạo thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho người hưởng các chế độ. Năm 2016, ngành BHXH ước chi BHXH, BHYT, BHTN số tiền hơn 230 ngàn tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2015.

Liên quan tới công tác cải cách thủ tục hành chính, ông có thể cho biết những nỗ lực đã thực hiện của BHXH VN thời gian qua. Đặc biệt là việc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo từ Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thưa ông?

- BHXH Việt Nam thường xuyên tổ chức, giám sát các đơn vị trong toàn ngành tích cực thực hiện tốt chủ trương liên quan đến công tác cải cách hành chính. Với tinh thần chỉ đạo từ Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được ngành BHXH triển khai có hiệu quả, như: Giảm thời gian giao dịch trong lĩnh vực đóng BHXH theo đúng lộ trình, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, thực hiện nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện như giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính, mở rộng hình thức chi trả qua bưu điện…

Ông Phạm Lương Sơn: "Tôi cho rằng, cơ quan BHXH phải thực sự vì người dân, vì người lao động, làm tốt chức trách của mình thì người dân, người lao động cũng sẽ tự giác tham gia BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội".

Kết quả của những nỗ lực này đã được đền đáp xứng đáng. Nếu như chỉ sau hơn 1 năm BHXH Việt Nam quyết liệt triển khai Nghị quyết 19, năm 2015 đã giảm từ 115 thủ tục hành chính xuống còn 32 thủ tục.

Đến cuối năm 2016, thành phần hồ sơ giảm 38%; các tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; các quy trình, thao tác thực hiện thủ tục giảm 54%...

Cũng trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, đơn vị tổ chức khảo sát, đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thu nộp và chi trả BHXH tại một số tỉnh, thành phố. Kết quả đã ghi nhận những đóng góp, phản hồi tích cực từ phía người sử dụng lao động và người lao động đối với những cải cách của ngành BHXH.

Trong lĩnh vực BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ chỉ tiêu danh mục đầu ra dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, bộ mã danh mục dùng chung đối với thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật, phục vụ hiệu quả cho công tác giám định BHYT theo hướng liên thông giữa các tuyến khám chữa bệnh. Ngành đang tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng để triển khai các phần mềm nghiệp vụ và đầu tư xây dựng hệ thống cấp số định danh cho mọi đối tượng tham gia BHYT…

“Cơ quan BHXH làm tốt,  người dân sẽ tự giác tham gia...” - 2

Ông đã từng nhiều lần nhắc tới việc cần thiết khi đưa vào hoạt động Hệ thống giao dịch điện tử trong lĩnh vực đóng BHXH, BHYT và Hệ thống thông tin giám định BHYT. Tới thời điểm này, 2 hệ thống trên đã được hoạt động trơn tru. Vậy, ông có thể cho biết những vai trò của các hệ thống trên trong việc thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động của ngành BHXH?

- Điều khẳng định trên đã được chứng minh rõ nét từ hiệu quả của hai hệ thống, sau khi đi vào hoạt động. Hệ thống giao dịch điện tử trong lĩnh vực đóng BHXH đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian và tiết kiệm chi phí cho các cơ quan, đơn vị khi thực hiện giao dịch, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính được nâng cao.

Với công tác ứng dụng CNTT trong giám định BHYT, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã chính thức vận hành. Từ đó giúp kết nối giao dịch và chuyển dữ liệu trực tiếp lên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT từ hơn 12.000 cơ sở y tế (trừ những cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa không có điện lưới, internet).

Với tần suất khám chữa bệnh khoảng 140 triệu lượt người/năm, việc giám định BHYT điện tử thực sự mang lại hiệu quả rất lớn. Xin đơn cử: Nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một chữ ký, cả nước sẽ bớt được 140 triệu chữ ký/năm; nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một dòng viết cũng có nghĩa cả nước sẽ bớt được 140 triệu dòng viết/năm… Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp ngành BHXH kiểm soát được chặt chẽ từ khâu đầu vào, hồ sơ bệnh án, cho tới quá trình thanh quyết toán được chính xác, giúp đảm bảo đúng, đủ quyền lợi cho người bệnh.

Tôi xin khẳng định, 2 hệ thống trên đã tạo thuận lợi cho các cơ quan, người dân và giúp ngành BHXH tiết kiệm được nhiều thời gian và tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Với quỹ thời gian tiết kiệm được, BHXH VN sẽ điều phối lại nhân sự và công việc phù hợp, giúp cán bộ trong ngành có thời gian nâng cao chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.

Trong năm 2017, nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách BHXH và BHYT, ngành BHXH cần phải chú trọng thực hiện những mục tiêu gì, thưa ông?

- Trong năm 2017, BHXH VN xác định một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tổng hợp kết quả và đề xuất với cấp trên tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020.

Đồng thời, ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020”, “Chiến lược phát triển ngành BHXH giai đoạn 2013- 2020”…

Ngành BHXH sẽ tổ chức thực hiện tốt các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược và kịp thời đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, công tác thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của ngành theo đúng lộ trình.

BHXH VN sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân và doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Hà Hoàng thực hiện

Tin liên quan:

Cấp kinh phí bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu của năm cũ

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt cấp kinh phí bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu năm 2014 cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, tổng 1% kinh phí đóng Bảo hiểm thất nghiệp ngân sách địa phương đảm bảo là hơn 33,5 tỷ đồng; kinh phí đã cấp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2014 là hơn 29.1 tỷ đồng; kinh phí còn thiếu cấp bổ sung cho Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa năm 2014 là hơn 4,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ nguồn cải cách tiền lương năm 2016. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện các thủ tục nghiệp vụ để thông báo và cấp kinh phí Bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng số kinh phí trên đúng quy định của Nhà nước về quản lý Qũy bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung phê duyệt nêu trên có trách nhiệm tổ chức thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định.

D.T

Cả nước có 12,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc

Theo BHXH VN, đến hết 31/12/2016, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 76 triệu người, đạt 101,5% kế hoạch giao, tăng 5,8 triệu người so với năm 2015.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH VN - chia sẻ với báo giới về kết quả thực hiện chính sách BHXH năm 2016. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 12,9 triệu người; tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,1 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện là 203 nghìn người và tham gia BHYT là 75,8 triệu người. Riêng với số liệu người tham gia BHYT như trên, đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Phạm Lương Sơn, trước tình trạng gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất thường những tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí KCB BHYT. “BHXH VN đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường. Với chỉ đạo quyết liệt của BHXH VN và sự vào cuộc tích cực của BHXH các tỉnh, thành phố cùng các cơ quan chức năng, trong 6 tháng cuối năm, các hiện tượng bất thường làm gia tăng quỹ khám chữa bệnh BHYT dần được khắc phục” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.

H.M