1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chọn người giỏi hay thân cận: Nhớ tích xưa Tô Hiến Thành và Trần trung Tá!

(Dân trí) - Câu chuyện chọn ai làm trưởng phòng với 2 ứng viên: “Một người thân thiết với giám đốc nhưng năng lực vừa phải, một người không thân cận nhưng năng lực vững” của bạn đọc Trịnh Văn Hùng đã thu hút nhiều ý kiến trái ngược của bạn đọc. Cuộc tranh luận vẫn chưa dừng lại…


Băn khoăn chọn ai: Người có năng lực hay thân tín? (ảnh minh họa)

Băn khoăn chọn ai: Người có năng lực hay thân tín? (ảnh minh họa)

Nhắc chuyện xưa - khuyên chuyện nay

Dẫn đầu trong nhóm quan điểm chọn ứng viên Thảo, bạn đọc Tùng lý luận: “Tôi không thích xu nịnh, vì mật ngọt hay chết ruồi. Thảo tuy không thân cận anh, nhưng không có nghĩa là không trung thành”.

Lý giải về thái độ của Thảo, bạn đọc Tùng nói: “Chắc cậu ấy là người có cá tính mạnh mẽ, muốn phát triển bản thân bằng chính năng lực của mình, bằng những thành công ngoài sự mong đợi của cấp trên. Đây mới là người anh cần trọng dụng: Dám nói dám làm, mà đã làm là làm tốt...”.

Khá độc đáo, bạn đọc Hoa Ba nhắc lại tích xưa về cách dùng người của Tô Hiến Thành. Theo đó, quan đại thần Tô Hiến Thành khi ốm được một vị quan thân cận chăm sóc chu đáo. Nhưng khi thái hậu hỏi ai sẽ là người được ông tiến cử sau này, Tô Hiến Thành lại chọn Trần Trung Tá - một người giỏi, trung thực - chứ không phải vị quan đã chăm sóc mình. Quan điểm của Tô Hiến Thành là: Ai phù hợp với việc gì thì nên bố trí đúng vị trí.

Đồng tình với quan niệm trên, bạn đọc Trần Thu chia sẻ: “Tôi cần một người có kiến thức chuyên môn để chia sẻ công việc hơn là người có tình cảm để ôm việc. Tranh luận có gì sai, nó giúp tôi vững chắc hơn và không đưa ra quyết định sai lầm trong công việc. Tất cả nên phân minh sau này dễ làm việc".

Bạn đọc Lê Thị Quỳnh Anh đặt câu hỏi: “Với năng lực có hạn, Minh có thể ảnh hưởng đến công ty. Lúc đó liệu bạn có dám đưa Minh ra trước công ty để khiển trách không? Hay vì tình cảm bạn lại bao che cho những sai trái của Minh?”.

Bạn đọc Hung Halico nhận xét về tính của Thảo: “Ngựa bất kham bao giờ cũng là ngựa hay, thu phục được hoàn toàn thì lòng trung thành là tuyệt đối”.

Phân tích khá bài bản, bạn đọc Triệu Tử Văn nói: “Thứ nhất, anh Thảo có chuyên môn vững. Thứ 2, khả năng làm việc độc lập của Thảo khá tốt, điều này sẽ giúp giám đốc yên tâm dành thời gian làm việc khác. Thứ 3, điều quan trọng của một công ty đó chính là uy tín, mà uy tín dựa trên từng năng lực của nhân viên".

Góp ý với giám đốc Trịnh Văn Hùng, bạn đọc này nói: Vấn đề ở đây lý do cá nhân thôi. Để hiểu nhau hơn, anh nên tạo cơ hội để hai người có nhiều dịp làm việc chung với nhau.

Tâm đầu ý hợp - điều mơ ước

Bảo vệ quan điểm chọn ứng viên Minh, bạn đọc Huỳnh Nhuận Phát giải thích: “Mọi người thử xem, một nhân viên tâm đầu ý hợp, có thiện chí, biết nghe mình và tạo được ekip làm việc là điều mơ ước của 1 lãnh đạo sau bao năm "đốt đuốc đi tìm"...

Nhấn mạnh yếu tố đồng thuận, bạn đọc Nguyễn Khánh Toàn bày tỏ: “Chọn ứng viên Minh anh ạ, người này biết bảo vệ quan điểm của anh trước mặt mọi người, bảo vệ uy tín của cấp trên. Làm việc nhóm, sự đồng bộ là quan trọng, nhất là đối với lãnh đạo như anh”.

Về năng lực của Minh, bạn đọc Huỳnh Nhận Phát đưa ra gợi ý: “Các bạn nên nhớ năng lực = thiện chí + kỹ năng + nghiệp vụ. Nếu Minh thiếu nghiệp vụ và kỹ năng, ta có thể cho đi học nâng cao. Cơ quan cũng giống một đội bóng. Chỉ cần sự đồng đều, nhiều ngôi sao quá sẽ thất bại...”.

Đề cập đến câu chuyện ê kíp trong công việc, bạn đọc Quang Phong: “Làm việc với người tâm đầu ý hợp, chính là ê kíp tuyệt vời rồi. Anh Minh không giỏi bằng anh Thảo, nhưng không phải kém cỏi. Mặt khác, kinh nghiệm quản lý cho thấy. Người lãnh đạo cần chú trọng về quản trị hơn là chuyên môn. Anh nên lưu ý điều này…”.

Đồng ý chọn Minh, nhưng bạn đọc Ngô Thị Miên đưa ra lý do hài hước: “Chọn người vừa lòng thì được nhiều lợi ích hơn. Khi mình nói dù sai, dù thiếu nhận thức nhưng vẫn có người ủng hộ tung hô làm cho dư luận không biết đúng sai. Khi bỏ phiếu tín nhiệm bình nhân sự hàng kỳ, chắc chắn thêm được một phiếu. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến khối trung lập…”.

Phương án 3 - tại sao không?

Ngoài ý kiến chọn Thảo, không ít bạn đọc đưa ra gợi ý về phương án có tính trung dung hoặc kiểm nghiệm thực tế sát hơn, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Thử sức về “tâm”, “tầm” với 2 ứng viên, bạn đọc Nguyễn Thế Toản cho rằng cần có thêm thời gian để chứng minh. “Nên giao cho 2 người 2 mảng khác nhau có quyền hạn, nghĩa vụ như 2 trưởng phòng, trực tiếp báo cáo với giám đốc trong một thời gian, cũng nêu những ưu khuyết điểm của họ để thử thách trong thời gian này (khoảng 6 tháng). Lúc đó sẽ chọn được trưởng phòng”.

Bạn đọc Huy Minh lưu ý: Trước khi bổ nhiệm, anh nên cân nhắc 3 điều: Anh cần người đồng thuận hay phản đối? Anh cần người trung thành với anh hay trung thành với công việc? Cuối cùng, anh tự xem lại mình đã ứng xử công tâm chưa để thu phục lòng người?

Bạn đọc Nguyễn Quang Hiếu lại cho rằng, giám đốc Trinh Văn Hùng nên chọn 1 trưởng phòng khác để thay mới mà không mất cả Thảo và Minh.

Bạn đọc Phi Diệp lại có phương án khá hay: “Hãy trao quyền lựa chọn cho nhân viên của phòng. Để họ lựa chọn người lãnh đạo của mình bằng 1 cuộc biểu quyết hay bỏ phiếu. Làm như thế bạn sẽ được sự hài lòng, không làm mất lòng một ai. Minh và Thảo đều tâm phục vì bạn đã công bằng trao cơ hội cho cả 2.

“Đồng thời bạn tạo được tâm lý thoải mái cho mọi người và nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn vì lãnh đạo do chính họ bầu chọn”.

Có cách nhìn độc đáo hơn, bạn đọc Huy Phong gợi ý khá thông minh: “Anh hỏi trưởng phòng sắp ra đi, xem nên chọn ai. Nhưng cũng chỉ tham khảo thôi nhé. Bởi ý kiến này cũng có thể bị ảnh hưởng cảm tính…”.

Hoàng Mạnh (tổng hợp)