Vì sao thượng đỉnh liên Triều 2018 rất khác so với những lần trước?
(Dân trí) - Sau 2 hội nghị thượng đỉnh và các thỏa thuận phi hạt nhân hóa nhưng chưa thật sự thành công, cuộc gặp mới đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được kỳ vọng sẽ mang tới những đột phá cho hòa bình trong khu vực.
Sau 65 năm dài ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật, cư dân 2 miền Triều Tiên sáng ngày 28/4 dường như đã thức dậy với câu hỏi trong đầu: “Cuối cùng liệu 2 bên có thể đi tới hòa bình hay không”?
Báo chí Hàn Quốc và Triều Tiên đã ca ngợi sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh với những từ như “hội nghị lịch sử”, “hòa bình và thịnh vượng cho khu vực”. Trên sóng truyền hình trung ương Triều Tiên KCTV, nữ phát thanh viên kỳ cựu, "quý bà hồng" Ri Chun Hee, xuất hiện và đọc bản tin về tuyên bố chung giữa 2 nhà nước, nhấn mạnh tới cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.
Washington Post cho rằng đây có thể là thông điệp gửi tới nhân dân Triều Tiên rằng ông Kim Jong-un đã thực sự tham gia vào quá trình này (đàm phán, thương lượng), cũng như tới dư luận quốc tế rằng lần này mọi chuyện sẽ khác.
Thế giới đã nhiều hơn một lần chứng kiến cảnh bán đảo Triều Tiên và Mỹ kí thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Lần đầu tiên vào năm 1992, hai miền Triều Tiên đã kí văn bản này. Hai năm sau, 1994, Triều Tiên và Mỹ tiếp tục kí thỏa thuận phi hạt nhân. Thêm một lần nữa vào năm 2005, Triều Tiên đặt bút kí thỏa thuận với các nước láng giềng và Mỹ. Tới năm 2012, các bên lại tiếp tục kí thêm một văn bản nữa.
Song, vì nhiều lý do khác nhau, những hiệp ước, hiệp định trên không trở thành hiện thực hoặc kéo dài trong thời gian ngắn ngủi. Chính vì vậy, những nhà quan sát theo chủ nghĩa hoài nghi sẽ cho rằng lần này có lẽ cũng sẽ có kết cục tương tự.
Câu hỏi đặt ra là vì sao nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại có thể dễ dàng từ bỏ tham vọng hạt nhân, công cụ giúp duy trì tình hình an ninh của chính quyền Bình Nhưỡng từ trước tới nay? Washington Post đã đưa ra những lý giải cho câu hỏi này và nhận định rằng hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 vừa qua sẽ khác với những hội nghị trước đó.
Nguyên nhân của sự khác biệt
Lãnh đạo Hàn - Triều tươi cười trên bàn tiệc (Ảnh: Reuters)
Theo Washington Post, ông Kim Jong-un được cho là một nhà lãnh đạo rất khác với người cha Kim Jong-il. Ông dường như là một người hướng ngoại, luôn sẵn sàng thực hiện những hành động có tính chất táo bạo, từ việc quyết định bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 4/7 năm ngoái cho tới việc bất ngờ mời Tổng thống Moon Jae-in bước chân qua biên giới liên Triều vào lãnh thổ Triều Tiên ngày 27/4 vừa qua.
Ông Kim Jong-un đã gọi Hàn Quốc bằng tên gọi chính thức hay gọi Triều Tiên bằng cách mà Seoul vẫn gọi trong cuộc hội đàm. Giới quan sát cho rằng động thái này dường như cho thấy thành ý của ông Kim trong việc gây thiện chí với phía còn lại. Ông còn đề cập tới những người Triều Tiên đào tẩu, thừa nhận tuyến đường sắt Triều Tiên còn nhiều yếu kém so với Hàn Quốc. Đây là những dấu hiệu rất hiếm thấy, là sự thay đổi đáng kể nếu so sánh với tiêu chuẩn của Triều Tiên từ trước tới nay.
Ngoài ra có nhiều yếu tố khác tác động tới cuộc gặp lần này giữa 2 nhà lãnh đạo như yếu tố Mỹ. Cuộc gặp tiếp theo của ông Kim và Tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, dường như góp phần tác động tới kết quả của hội nghị liên Triều lần này.
Sau cuộc họp thượng đỉnh, người Hàn Quốc xếp từng hàng dài để ăn món mì lạnh truyền thống của Triều Tiên, món ăn mà Bình Nhưỡng mang tới tặng Seoul trong bữa tiệc tối 27/4. Họ xem lại những đoạn video ghi lại cảnh 2 nhà lãnh đạo cười nói vui vẻ và thân thiết cũng như đưa ra tuyên bố chung.
Ngay cả những người ban đầu khá hoài nghi về kết quả của hội nghị liên Triều cũng tỏ ra rất lạc quan viễn cảnh quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 miền.
Lee Lu-da, 24 tuổi, một sinh viên đại học ở Seoul, nói rằng anh hy vọng về một tương lai tươi sáng khi cuộc chiến có thể kết thúc. Sun Seung-bum, 25 tuổi, ban đầu thừa nhận anh không mấy tin tưởng vào hội nghị thượng đỉnh, nhưng khi nhìn thấy cái bắt tay của 2 nhà lãnh đạo, anh cảm thấy rất “xúc động” và niềm tin về cái gọi là “hòa bình” và “chiến tranh kết thúc” trỗi dậy trong lòng Sun.
Dĩ nhiên vẫn còn những ý kiến trái chiều cho rằng chỉ một hội nghị thượng đỉnh sẽ không thể tạo ra những sự đột phá mà gần 70 năm qua các đời tổng thống Hàn Quốc chưa thực hiện được. Tuy nhiên, nếu những gì trong tuyên bố chung của 2 nước trở thành hiện thực, đó sẽ là bước nhảy vọt đáng kể cho tình hình khu vực.
Cũng có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của ông Kim Jong-un, sự tương đồng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên về ngôn ngữ, văn hóa truyền thống thông qua sự gắn kết về mặt lịch sử giữa 2 miền bán đảo, dường như đang đẩy Hàn Quốc ra xa đồng minh Mỹ.
Dù sao đi nữa, bi kịch của sự chia cắt đã kéo dài 65 năm qua với hàng chục ngàn người ly tán đang mòn mỏi được gặp lại gia đình vào lúc cuối đời. Một hiệp định hòa bình đồng nghĩa với chiến tranh khép lại, không còn vũ khí hạt nhân và quan trọng hơn là sự gặp gỡ đoàn tụ sau hàng chục năm trời.
"Có thể lần này sẽ khác những lần trước. Có thể", Washington Post nhận định.
Lãnh đạo Hàn - Triều ngồi nói chuyện riêng ngoài trời 30 phút
Đức Hoàng
Theo Washington Post