1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vẽ lại bản đồ Trung Đông

Arabia Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ là những quân cờ trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông mà thôi. Đừng có dại “cầm đèn chạy trước Nga và Mỹ”.

Ai đề ra luật chơi địa chính trị tại Trung Đông?

Thổ Nhĩ Kỳ và nhà Saudi có “nằm mơ được giữa ban ngày” cũng không thể mơ được một kết cục như hiện nay khi tiến hành can thiệp quân sự vào Yemen và Syria.

Điểm xuất phát chung của cơn ác mộng mà Thổ Nhĩ kỳ và Saudi có được “giữa ban ngày” là cả hai đều muốn biến quốc gia hàng xóm của mình là Syria và Yemen, thành một tỉnh của họ. Và, kết cục 2 cuộc chiến tại đây, chưa biết cuộc chiến nào sẽ vẽ lại bản đồ Trung Đông.

Đùa với lửa, nhà Saudi bị lửa táp ngược

Thế giới đang tập trung chú ý vào một cuộc chiến tại Syria ác liệt bởi có Nga, Mỹ trực tiếp tham gia, nhưng thật đáng tiếc, có một cuộc chiến khác đang đầy kịch tính, diễn ra gay cấn không kém mà trên báo chí nước ngoài và Việt Nam rất ít đưa tin, quan tâm: Cuộc chiến Yemen với Liên minh 10 quốc gia vùng Vịnh GCC do Saudi Arabia cầm đầu.

Nếu chỉ đến đây thôi, liên minh hùng hậu 10 đánh 1, thì chỉ là chuyện “thường ngày”, vì cuộc chiến kiểu loại này, sau chiến tranh lạnh kết thúc với sự lên ngôi của Mỹ-NATO, luôn xảy ra cho các quốc gia nghèo, yếu, mà có vị trí địa chính trị, quân sự, kinh tế, quan trọng như Iraq, Syria, Libya…

Yemen cũng vậy, nghèo, yếu nhất Trung Đông, nhưng lại có một vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng mà các nước lớn muốn chiếm đoạt. Quốc gia láng giềng có chung 1500 km đường biên giới, Arabia Saudi, là một trong số đó. Họ muốn Yemen là một tỉnh của mình.

Arabia Saudi hung hăng như vậy bởi họ giàu có bậc nhất thế giới, quân đội của họ được trang bị vũ khí hiện đại với ngân sách quốc phòng xếp tốp 5 của thế giới. Họ có ô của Mỹ và được coi như là một cường quốc khu vực.

Vì thế, Arabia Saudi đã can thiệp vào Syria bằng cách tuồn vũ khí, tiền bạc cho quân nổi dậy chống Assad, hô vang “Assad must go”.

Và, sau khi bị Nga dần cho te tua thì hung hăng đe đưa 150.000 quân đổ bộ vào Syria để buộc Assad “hoặc từ chức hoặc bị lật đổ bằng quân sự”….

Tuy nhiên, chiến tranh không như múc dầu lên bán! Nhà Saudi có “nằm mơ được giữa ban ngày” cũng không thể mơ được một kết cục như hiện nay khi tiến hành can thiệp quân sự vào Yemen.

Thật ra, hơn 360 ngày tiến hành không kích và đưa “lính mặt đất” vào Yemen mà vẫn không có chiến thắng cũng là chuyện bình thường. Saudi và thậm chí ngay cả Mỹ hay Nga cũng có thể bị sa lầy. Nhưng, điều “kịch tính” rất đáng quan tâm, theo dõi ở đây chính là nhà Saudi bị “hứng lửa ngược”.

Nhà Saudi coi thường tuyên bố của lực lượng Houthis rằng, nếu Saudi Arabia vẫn tiếp tục không kích thì Houthis buộc phải tấn công vào lãnh thổ của Saudi Arabia, ngoài ra Houthis có đủ khả năng phong tỏa eo biển Beb Al-Mandeb nếu cần…

Và, điều gì đến thì đã đến, lực lượng Houthis đã tấn công. Lúc đầu chỉ bằng tên lửa phóng vào các căn cứ quân sự, kho bể dầu của Saudi và hiện nay lực lượng bộ binh đã xuất hiện tại vùng lãnh thổ của nhà Saudi.

Trận tấn công của Houthis đánh chiếm đồi có cột viễn thông đã chứng minh sự bạc nhược của quân đội nhà Saudi.
Trận tấn công của Houthis đánh chiếm đồi có cột viễn thông đã chứng minh sự bạc nhược của quân đội nhà Saudi.

Những tháng đầu năm 2016, thực tế trên chiến trường Yemen đã chứng tỏ Arabia Saudi bị sa lầy. Lực lượng Houthis không chỉ giữ vững vùng lãnh thổ, cầm chân được quân đội Saudi ở tuyến biên giới mà còn mạnh dạn đẩy chiến tranh vào sâu trong lãnh thổ Saudi.

Các chiến binh Yemen cho biết đã "luồn sâu, đánh hiểm", đột nhập qua biên giới và tổ chức tấn công tiêu diệt căn cứ tiền tiêu của quân đội Arab Saudi.

Việc quân đội nhà Saudi bỏ cả xe tăng tháo chạy, việc bị tiêu diệt cả tiểu đoàn tăng…là không hiếm xảy ra ngay trên lãnh thổ nhà Saudi.

Chiến tranh ngay trên đất quốc gia giàu có chỉ giỏi múc dầu lên bán, Arabia Saudi, không ngờ đã là hiện thực, trở thành "ác mộng" với tướng lĩnh và chính trị gia nước này.

Rõ ràng, Arabia Saudi khi biết đang “ngồi trên bồn xăng mà đùa với lửa” thì đã muộn. Quân đội của họ được trang bị hiện đại tại hàng loạt đồn biên phòng, thị trấn biên giới với Yemen đã chịu thất bại nặng nề trước các đòn tập kích của quân đội Yemen và "phiến quân" Houthis.

Chơi với dao, Thổ Nhĩ Kỳ bị trọng thương!

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và bộ tham mưu của ông ta có nằm mơ được giữa ban ngày cũng không thể có một ác mộng như thế này sau khi “ra mặt” bắn hạ SU-24 của Nga tại chiến trường Syria.

Hiện nay chính quyền Ankara của tổng thống Erdogan đã mắc 4 căn bệnh “nan y” từ 4 nguyên nhân.

Một là tiêu diệt và bóp nghẹt phong trào dân tộc của người Kurd.

Thật đau khổ và tang tốc cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 14/3 khủng bố tấn công tại Ankara, đây là lần thứ 5, khiến 34 người chết, 125 người bị thương, trong đó 19 rất nguy kịch.

Rõ ràng hơn ai hết Ankara hiểu được tại sao lại có khủng bố trên đất nước mình. Quân khủng bố do mình tạo ra khi chính quyền thẳng tay đàn áp, bóp nghẹt dân chủ với dân tộc Kurd nói chung và 15% dân số người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ.

Người ta có thể bắt một chế độ phải cúi đầu nhưng một dân tộc thì không bao giờ. Chính vì thế khi PKK và PYD đã bị chính quyền Ankara coi là khủng bố, đã, đang tìm cách tiêu diệt, buộc họ phải liên kết và đáp trả.

Rủi thay cho Ankara là PYD có một lực lượng quân sự (PYG) rất mạnh mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa có khả năng với tay tới trên lãnh thổ Syria.

Hai là “đốt nhà hàng xóm”, tự cho mình cái quyền lật đổ chính quyền hợp pháp của quốc gia láng giềng để biến thành một tỉnh của mình.

Chính vì tư tưởng này nên Ankara lợi dụng “địa lợi” đã hỗ trợ, dung dưỡng…cho các loại khủng bố dưới cái mác “lực lượng nổi dậy chống chính phủ”. Không những thế, ngay cả IS, Ankara vẫn quan hệ “làm ăn đôi bên cùng có lợi” bất chấp thế giới đang chống.

Quân khủng bố thì bất kỳ loại nào, đều đủ thông minh để hiểu rằng, mối quan hệ với những quốc gia tài trợ, dung dưỡng chỉ là để lợi dụng nhau và tiêu diệt nhau khi không cần nhau là chuyện thường như Mỹ từng thi thố.

Vì thế, khi bị Nga đập tan ý đồ, hành động của Ankara trên đất Syria thì quân khủng bố như những “quả bom hẹn giờ” chạy đi đâu nếu như không phải là đến Thổ Nhĩ Kỳ “hiếu khách”? Đó là lý do khi yêu cầu thì không chịu và chẳng ai yêu cầu thì Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới gấp.

Ba là ra mặt chống Nga và Mỹ.

Chống Nga là đương nhiên, nhưng chống cả Mỹ, đồng minh NATO là chuyện lạ của Ankara.

Ankara coi PKK và PYD là mối nguy hiểm cao nhất đến an ninh quốc gia, vì thế, khi Mỹ ủng hộ PYD thì Ankara chống là đúng rồi. Có điều, Erdogan đã chơi một canh bạc liều lĩnh, “lấy nạng chống trời”.

Hiện nay, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ điều kiện cần và đủ cho một cuộc “cách mạng màu” nếu Nga-Mỹ muốn là rất thuận lợi. Đó là, quân đội không đồng tình với Tổng thống Erdogan, khủng hoảng chính trị trong nước gia tăng và lực lượng thứ 3 là PKK và PYD.

Quả thật, vào năm 2012, Tổng thống Erdogan có nằm mơ giữa ban ngày cũng không thể mơ có ngày hôm nay khi nguy cơ một cuộc đảo chính quân sự để ông "Erdogan must go" là hiện hữu.

Xem ra tầm cỡ Arabia Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ là những quân cờ trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông mà thôi. Đừng có dại “cầm đèn chạy trước Nga và Mỹ”.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm