Truyện ngụ ngôn về con chuột và nước Nga thời Putin
Có một câu chuyện ngụ ngôn hữu ích để hiểu cách ông Putin sử dụng quyền lực, về quá trình nước Nga tìm lại sức mạnh.
Trong một thế giới đầy những điều ngạc nhiên, một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất chính là sự hồi sinh bất ngờ của cường quốc Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin . Ông đã làm như thế nào để đưa đất nước mình trở lại trường quốc tế và sẽ làm gì tiếp theo?
Khoảnh khắc hiếm hoi
Có một câu chuyện nổi tiếng về một chàng Vladimir Putin trẻ tuổi và con chuột bị dồn vào góc tường. Ông đã kể câu chuyện này trong cuốn First Person, cuốn tiểu sử ngắn được xuất bản sau khi ông nhậm chức tổng thống năm 2000, khi ông vẫn là một người tương đối vô danh. Sống trong một căn hộ tập thể với gia đình trong một khu nghèo khó ở St. Petersburg, cậu thanh niên Vladimir và bạn bè rất thích trò săn chuột ở khu vực cầu thang của tòa nhà.
Ông kể: “Ở đó, tại cầu thang, tôi đã học được một bài học về sự nhanh nhẹn và kiên nhẫn. Có một lũ chuột ở ngay lối vào. Bạn bè và tôi đã quen với việc săn đuổi chúng bằng gậy. Một lần, tôi phát hiện một con chuột béo và đuổi nó cho đến khi dồn nó vào một góc tường. Nó không còn chỗ nào để chạy nữa. Bỗng nhiên, nó quay lại và nhảy bổ vào tôi. Tôi đã ngạc nhiên và run sợ. Rồi con chuột đuổi theo tôi. Tôi nhảy qua cầu thang và xuống đất. Rất may, tôi là một người khá nhanh nhẹn và đã đóng sầm cửa trước mũi nó”.
Câu chuyện trên là một khoảnh khắc hiếm hoi cho thấy sự dễ bị tổn thương trong một cuốn tiểu sử chủ yếu là một catalogue về những chiến thắng của cá nhân ông và các thành công trong sự nghiệp. Khái niệm về một sinh vật yếu thế, bị dồn vào chân tường bỗng quay lại tấn công người đã hành hạ nó rõ ràng là gắn với hình ảnh của ông. Có lẽ không ngẫu nhiên khi mà ngay sau đó, chàng trai trẻ Putin đã phát hiện ra mục tiêu của mình trong việc tập Judo, một môn thể thao dựa trên việc tìm các cách thức khai thác điểm yếu của một đối thủ mạnh hơn.
Rất nhiều bài báo đã nhắc đến câu chuyện con chuột trên như cơ sở để hiểu về thế giới quan của Tổng thống Nga. Theo cách hiểu này, nước Nga của ông Putin chính là con chuột: Bị dồn vào góc tường bởi các thế lực do Mỹ bảo trợ nhằm thúc đẩy dân chủ trong khu vực của mình, và bởi một thái độ ngạo mạn của phương Tây đòi người Nga phải chấp nhận rằng thời họ là người chơi chính trên trường quốc tế đã trở thành dĩ vãng xa xôi. Thay vì chấp nhận số phận, con chuột này đã tấn công lại những người nó.
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn hữu ích để hiểu cách ông Putin sử dụng quyền lực của mình. Những người Mỹ đã đánh giá thấp ông và cả những người đã đánh giá quá cao ông, cần nhìn lại các sự kiện trong những năm qua để tìm bằng chứng về một chiến lược gia sáng láng nghĩ ra rất nhiều cách để vượt lên trên đối thủ.
Dù là việc ông điều quân đội đến “bảo vệ” cộng đồng thiểu số người Nga trong các khu vực ly khai ở Gruzia năm 2008 sau khi nước này bầu ra một chính phủ chống Nga, hay việc cung cấp nơi trú ẩn cho nhân viên CIA Edward Snowden năm 2013, cách ông tận dụng việc chính quyền Obama còn lưỡng lự, chưa muốn tấn công Syria với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, để ký kết một thỏa thuận có lợi cho ông Bashar al-Assad, hay việc ông giành lợi thế trong những rối loạn tại Ukraine sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ để sáp nhập Crimea, theo cách nghĩ của Nga tất cả sự việc trên chỉ là sự chống cự chứ không phải tấn công.
Sức mạnh tìm lại được
Với các năng lực quân sự mạnh, vị trí địa lý ở giữa châu Á và châu Âu, khả năng lãnh đạo, chủ nghĩa dân tộc bảo thủ và sự sống lại của các quan hệ thời Chiến tranh Lạnh, nước Nga thời Putin đã trở thành một người chơi chính trên trường quốc tế.
Riêng trong số các cường quốc toàn cầu, Nga luôn ở thế tấn công và sẵn sàng can thiệp để giúp đỡ các đồng minh. Các nước châu Âu giờ không còn là những cường quốc như thời trước Chiến tranh thế giới II. Nhật Bản và Đức phải đối mặt với thực tế là sức mạnh của mình tại châu Âu và châu Á bị sụt giảm nghiêm trọng sau thất bại của họ trong Chiến tranh thế giới II. Trung Quốc thì vẫn còn nhiều thập kỷ nữa mới có thể trở thành một siêu cường.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã dần lùi lại phía sau trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới. Đến thời Tổng thống Donald Trump, việc này càng rõ hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo cuối cùng trước khi rời ghế tổng thống ngày 16/12/2016, ông Obama từng nói: “Người Nga không thể thay đổi chúng ta (Mỹ) hoặc làm chúng ta yếu đi đáng kể. Họ chỉ là một nước nhỏ, yếu. Nền kinh tế của họ không sản xuất ra cái gì mà mọi người muốn mua, trừ dầu mỏ, khí đốt và vũ khí. Họ không cải tiến. Nhưng họ có thể tác động đến chúng ta nếu chúng ta đánh mất hình ảnh của chính mình. Họ có thể tác động đến chúng ta nếu chúng ta bỏ rơi các giá trị của mình”.
Điều ông Obama cảnh báo dường như đang diễn ra. Lên cầm quyền với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã từng bước đi ngược lại các giá trị Mỹ, giảm vai trò của Mỹ trên toàn cầu. Ông lần lượt rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế lớn (như UNESCO và Cơ quan di trú của LHQ), và các thỏa thuận quốc tế lớn mang tính lịch sử như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông quyết định rằng Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JPCOA), đặt thỏa thuận này trước nguy cơ sụp đổ. Các chỗ trống mà Mỹ để lại đương nhiên sẽ phải do các nước lớn khác khỏa lấp, như Trung Quốc hay Nga.
Các lãnh đạo Arab Sunni ở Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập, Maroc, Kuwait, Qatar và UAE đều đang “đổ xô” về Moscow. Quốc Vương Salman của Saudi Arabia thậm chí sẵn lòng đón tiếp ông Putin tại Riyadh! Tướng cấp cao về hưu của Saudi Arabia, Anwar Eshki, mới đây cho biết: “Saudi Arabia cần Nga tại Trung Đông, không phải để gây bất ổn mà để làm bạn với các nước trong khu vực”.
Ngay cả Israel, đồng minh cứng của Mỹ, cũng đang ngày càng tìm đến Nga để mong được trợ giúp. Kim ngạch thương mại hai chiều Israel và Nga lên tới 2 tỷ USD. Israel bán máy bay không người lái cho Nga. Việc Nga cuối cùng ngừng bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran năm 2016 rõ ràng nằm trong lợi ích sống còn của Israel.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad sống sót là nhờ vào viện trợ quân sự trị giá 4-5 tỷ USD của Nga, cũng như các trợ giúp của Iran. Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một thỏa thuận hạt nhân cho Iran. Nga là nước cung cấp vũ khí chính cho Iran và sẽ xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân ở nước này giống như nhà máy Busheir.
Tại Mỹ Latinh, Nga có quan hệ tốt với Argentina và Brazil. Tổng thống Argentina Cristina Kirchner mới đây đã thăm Moscow để thảo luận một thỏa thuận năng lượng và hợp tác quốc phòng hàng tỷ USD. Nga ủng hộ các chính phủ Brazil bằng việc thảo luận các thỏa thuận thương mại, vũ khí và hợp tác công nghệ.
Tại châu Âu, Nga có đồng minh là Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Đảng Thống nhất Nga tại Latvia vừa qua đã chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện, trong khi tình cảm thân Nga ở Romania cũng đang thắng thế. Đức, với một mối quan hệ thương mại rộng lớn với Nga và quá khứ xâm lược Nga, đang thận trọng hợp tác với ông Putin, vượt qua các lệnh trừng phạt. Đảng cánh tả Syriza đang hướng về phía Nga. Pháp, với chiều dài lịch sử quan hệ thân thiện với Nga, dường như cũng đang nghĩ cách để nối lại quan hệ với Nga sau vụ hoãn thỏa thuận bán tàu chiến Mistral.
Tại châu Á, Nga có quan hệ tốt với cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc, Nga đã ký một thỏa thuận đường ống trị giá 400 tỷ USD để xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây dự báo quan hệ Nga – Trung có thể trở thành số 1 trên thế giới.
Ấn Độ, bất chấp mong muốn hướng Tây của Thủ tướng Narendra Modi, vẫn tiếp tục là một đối tác chiến lược, chính trị và quân sự với Nga, bằng chứng là các chuyến thăm thường niên lẫn nhau giữa New Delhi và Moscow. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi Nga là một đồng minh tiềm năng chống lại sự nổi lên của Trung Quốc.
(Còn tiếp)
Theo Diệu An
Vietnamnet