1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lo lắng sau quyết định chấn động của ông Trump về Jerusalem?

(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể sẽ làm bùng lên các cuộc xung đột tại Trung Đông, từ đó ảnh hưởng tới các dự án đầu tư của Trung Quốc ở khu vực này.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Bắc Kinh hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Bắc Kinh hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 6/12 nói rằng việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ dẫn tới sự leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Trong những năm qua, Bắc Kinh không chỉ thiết lập quan hệ kinh tế và quân sự sâu rộng với Israel mà còn duy trì quan hệ gần gũi với Palestine.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này ủng hộ người dân Palestine trong việc thành lập một nhà nước độc lập và có đầy đủ chủ quyền, lấy các đường biên giới năm 1967 làm nền tảng và coi Đông Jerusalem là thủ đô. Trong khi đó, Tổng thống Trump ngày 6/12 tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận điều này kể từ khi nhà nước Israel ra đời từ năm 1948.

Trung Quốc và Israel mới thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, song hai nước đã hợp tác về quân sự từ năm 1979. Các vũ khí và trang thiết bị công nghệ cao mua từ Israel đã hỗ trợ quân đội Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Bắc Kinh hiện vẫn quan tâm tới việc mua các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như nông nghiệp và năng lượng sạch từ Israel.

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Israel tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian gần đây, từ 1,1 tỷ USD kim ngạch thương mại năm 2000 lên 11,4 tỷ USD năm 2015. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Israel, sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Bộ Ngoại giao Israel)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Bộ Ngoại giao Israel)

Theo nhà nghiên cứu Li Guofu tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tới khu vực Trung Đông thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, bất kỳ mâu thuẫn nào giữa Israel và Palestine cũng sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại.

Không chỉ duy trì quan hệ gần gũi với Israel, Trung Quốc từ lâu vẫn ủng hộ người Palestine về mặt chính trị. Trung Quốc nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Palestine vào tháng 11/1988. Bắc Kinh từng nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ Palestine tại Liên Hợp Quốc, trong đó có cuộc bỏ phiếu năm 2012 khi Palestine được công nhận là nhà nước quan sát viên phi thành viên - một quyết định được xem là thắng lợi của Palestine vào thời điểm đó.

Hồi tháng 7, trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra “đề xuất 4 điểm”, trong đó nhấn mạnh vấn đề an ninh đối với cả Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi hợp tác và phát triển tại khu vực này.

Một số nhà quan sát cho rằng động thái công nhận đơn phương của chính quyền Tổng thống Trump đối với Jerusalem sẽ không làm thay đổi lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này, cũng như tác động tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh với cả Israel và Palestine.

Được xem là thành phố linh thiêng của người Do thái, Hồi giáo và Cơ đốc giáo, việc “định dạng” chính xác Jerusalem vẫn là một trong những vấn đề nhạy cảm và căng thẳng nhất tại Trung Đông. Israel, quốc gia đang kiểm soát Jerusalem, tuyên bố thành phố này là thủ đô không thể chia cắt. Trong khi đó, người Palestine cũng muốn coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.

Thành Đạt

Theo SCMP