1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lo lắng khi Mỹ và 3 đồng minh khu vực “bắt tay”

(Dân trí) - Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản có các cuộc gặp ngày 12/11, bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 và các hội nghị liên quan tại Manila (Philippines).


Lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Australia họp báo sau cuộc gặp (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Australia họp báo sau cuộc gặp (Ảnh: Reuters)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/11 ra tuyên bố nêu rõ các quan hệ hợp tác trong khu vực không nên mang yếu tố chính trị hay loại trừ.

Tuyên bố thể hiện quan ngại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcolm Turbull và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau bên lề Hội nghị ASEAN tại Philippines. Sau cuộc gặp, 4 nước đồng minh này có thể trở thành một khối thống nhất để kiềm chế các tham vọng chiến lược của Trung Quốc.

Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo 4 nước gặp nhau kể từ khi liên minh chiến lược bốn bên được xây dựng theo đề xuất của Nhật Bản cách đây một thập niên.

Các nhà quan sát nhận định cuộc gặp giữa lãnh đạo 4 nước thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh.

Chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Tổng thống Trump

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thay đổi trọng tâm chiến lược. Trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Donald Trump luôn sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, qua đó không chỉ thể hiện cam kết đối với các đồng minh khu vực mà còn đánh giá cao vai trò quan trọng của Ấn Độ trong việc đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản nhất trí hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và toàn diện. Các nhà lãnh đạo không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc gặp và phía Mỹ phủ nhận cuộc gặp có mục đích nhằm vào Trung Quốc.

Hồi tuần trước, Bắc Kinh đã cảnh báo bất kỳ hành động nào của một nhóm an ninh không nên nhắm tới hoặc làm tổn hại tới lợi ích của bên thứ 3.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 13/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, đồng thời hối thúc tăng cường hợp tác thương mại và an ninh song phương. Về phần mình, ông Modi cho rằng mối quan hệ giữa New Delhi và Washington ngày càng phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu, vì lợi ích của hai nước cũng như khu vực và thế giới.

Trong khi đó, tại các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo châu Á, ông Trump kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa và cảnh giác trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng cuộc gặp giữa lãnh đạo 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản diễn ra không phải ngẫu nhiên hay tình cờ. Điều này phần nào thể hiện chủ trương của Tổng thống Trump tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á.

Nhật Minh

Theo SCMP