1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Đông hưởng lợi gì từ căn cứ hải quân Nga ở Syria?

(Dân trí) - Bằng việc hiện đại hóa cơ sở quân sự hiện tại ở thành phố cảng Tartus, Syria và nâng cấp thành căn cứ hải quân tầm cỡ, Nga sẽ nâng cao năng lực chống khủng bố của nước này, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong việc đối phó với các nhóm cực đoan.

Ảnh vệ tinh cảng Tartus ở Syria (Ảnh: Google Maps)
Ảnh vệ tinh cảng Tartus ở Syria (Ảnh: Google Maps)

Tướng Gamal Mazlum, chuyên gia phân tích quốc phòng, nói với RIA Novosti rằng nếu Nga đạt được thỏa thuận với Syria trong việc nâng cấp cơ sở hải quân hiện tại ở thành phố cảng Tartus thành một căn cứ hải quân chính thức trong thời gian tới thì điều đó không chỉ giúp tăng cường năng lực chống khủng bố của Moscow mà còn tác động tới toàn bộ khu vực Trung Đông.

Trước đó, hồi tháng 10, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch thành lập một căn cứ hải quân thường trực và chuyên dụng ở Tartus, nơi Moscow đang có một cơ sở nhỏ nhằm bảo dưỡng và hỗ trợ hải quân từ năm 1977. Theo ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, kế hoạch nâng cấp cơ sở nói trên sẽ mất từ 1 năm rưỡi đến 2 năm để hoàn tất.

“Sự hiện diện của Nga (ở Syria) rõ ràng sẽ giúp các quốc gia Ả rập trong cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan, đặc biệt khi xét đến thực tế là mối quan hệ của các nước này với Mỹ đang ngày càng yếu đi”, Tướng Gamal cho biết, đồng thời viện dẫn trường hợp của Ai Cập.

Theo Sputnik, chính quyền của Tổng thống Barack Obama ủng hộ việc Mỹ giảm bớt sự can dự của nước này vào khu vực Trung Đông, đặc biệt là việc triển khai quân đội Mỹ tại đây. Ngay cả Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng cho biết rằng ông sẽ theo đuổi một đường lối đối ngoại bớt đối đầu hơn sau khi nhận nhiệm sở. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm trong quan hệ của Mỹ với các đối tác ở Trung Đông.

Nếu Nga đạt được thỏa thuận với Syria về việc xây dựng căn cứ hải quân ở Tartus, Moscow có thể củng cố chỗ đứng của nước này ở khu vực đông Địa Trung Hải, nơi từng thiếu vắng sự hiện diện quân sự của Nga từ sau khi Liên Xô tan rã.

“Mặc dù không phải với quy mô lớn như trong quá khứ nhưng đây có thể là khởi đầu cho sự hiện diện lớn hơn của Nga ở khu vực. Vì cách đây chưa lâu, Nga mới chỉ hiện diện ở khu vực Biển Đen. Bây giờ Moscow có thể mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực phía đông Địa Trung Hải. Nga sẽ không chừa lại không gian này cho Mỹ”, Tướng Gamal nhận định.

Thành Đạt

Theo Sputnik