1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Nga - Mỹ đối đầu tốn kém ở Syria?

(Dân trí) - Mỹ và liên quân can thiệp vào Syria ngay từ đầu khi cuộc nội chiến nổ ra tại quốc gia Trung Đông. Còn Nga bắt đầu tiến hành các chiến dịch quân sự tại Syria cách đây hơn 1 năm. Tình hình Syria ngày càng rối ren đến mức giới chuyên gia đã cảnh báo nguy về một cuộc xung đột quy mô lớn.


Máy bay nga hoạt động tại Syria (Ảnh minh họa: Reuters)

Máy bay nga hoạt động tại Syria (Ảnh minh họa: Reuters)

Làn sóng nổi dậy ở Syria leo thang trở thành cuộc nội chiến từ năm 2011 và đến nay đã làm hơn 300.000 người thiệt mạng và khoảng 12 triệu người phải rời nhà cửa đi lánh nạn.

Quốc gia Trung Đông này hiện bị chia thành nhiều phần: vùng do Chính quyền Bashar al-Assad kiểm soát, vùng do phe nổi dậy kiểm soát, vùng do người Kurd chiếm giữ, vùng đang nằm trong tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đã đứng về phía phe đối lập, kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và sau đó đã trợ giúp cho lực lượng đối lập vừa chống chính phủ của ông Assad vừa chống IS.

Còn Nga bắt đầu tiến hành các chiến dịch quân sự tại Syria cách đây hơn 1 năm và cho rằng sự can thiệp quân sự của Nga đảm bảo cho Syria khỏi nguy cơ rơi vào tay của các phần tử nổi dậy.

“Nga, Mỹ và Syria có một kẻ thù chung - tổ chức khủng bố IS”, hãng tin Sputnik của Nga viết.

Một năm trước và hiện tại

Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào các nhóm khủng bố theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad vào tháng 9/2015, một năm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tiêu diệt IS bằng các đợt không kích ồ ạt.

Và chỉ trong thời gian ngắn khoảng 3 tuần, Nga đã làm được điều mà Mỹ và liên quân không làm được: phá hủy hàng trăm căn cứ, nhà máy sản xuất vũ khí của IS bị phá hủy, tiêu hàng trăm phiến quân IS, khiến lực lượng này hoang mang…

Thành quả của Nga đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông mà liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến hành, khiến chiến dịch không khích chống IS của Mỹ và liên quân trở nên lu mờ và rơi vào thế bị động.

Mỹ và liên quân tuyên bố cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập bằng không vận. Hàng trăm tấn vũ khí đã đến tay lực lượng đối lập theo cách này.

Hiện trận chiến ở Aleppo là trận chiến khó khăn nhất, ác liệt nhất và rất phức tạp với sự tham gia của cả lực lượng địa phương, các tay súng của IS và nhiều lực lượng quốc tế.

Theo hãng tin AP, nếu giành được sự kiểm soát toàn bộ Aleppo, Nga sẽ tạo bước tiến lớn trên chiến trường cho chính quyền của Tổng thống al-Assad, gây ảnh hưởng lớn tới các nhóm đối lập - điều mà Mỹ và liên quân không thích.

Hồi đầu tháng 10, Nga đã điều toàn bộ Hạm đội Biển Bắc và một phần Hạm đội Baltic tới tăng cường cho hoạt động ở Syria. Trước đó, Nga đã triển khai các hệ thống phòng không S-400 và S-300 tại Syria, trong bối cảnh liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tấn công nhằm vào các căn cứ của quân chính phủ Syria.

Nga cũng sử dụng cả tên lửa hành trình Kalibr bắn từ ngoài khơi vào lãnh thổ Syria. Đây là loại vũ khí hiện đại nhất của Nga hiện nay và lần đầu tiên đưa vào thử nghiệm trên thực địa. “Đây là hoạt động triển khai hải quân quy mô lớn nhất của Moscow kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”, Reuters viết.

Sputnik trong bài đăng vào tháng 9/2016 dẫn số liệu của Lầu Năm Góc Mỹ cho biết Mỹ đã chi 11,4 triệu USD/ngày cho các chiến dịch chống IS ở Syria và Iraq. Tổng cộng chi phí cho toàn bộ chiên dịch là 5,8 tỷ USD. Trong cuộc chiến vùng Vịnh Persian năm 1991, Mỹ tiêu tốn 2,5 tỷ USD.

Vẫn theo Sputnik , quân đội Nga có thể tiến hành các chiến dịch với chi phí thấp hơn. Dẫn số liệu cơ quan phân tích RBK, hãng tin này cho biết một ngày chiến dịch ở Syria tiêu tốn của Nga gần 2,5 triệu USD và tổng cộng là 225-300 triệu USD cho toàn bộ chiến dịch cho đến tháng 9/2016.

Đâu là lý do?

Gần đây, Nga bị yếu về kinh tế do giá dầu hỏa thấp và do các lệnh trừng phạt. Doanh thu từ xuất khẩu khí đốt Nga trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2016 đã giảm 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 21,4 tỷ USD.

Quân đội Nga khẳng định cuộc chiến tại Syria cho phép họ khẳng định sự hùng mạnh và chứng tỏ kho vũ khí đồ sộ. Ngành công nghiệp quốc phòng hy vọng rằng màn thể hiện tại chiến trường Trung Đông sẽ mang lại những hợp đồng bán vũ khí lớn trong tương lai.

Trong khi đó, Mỹ vẫn là một cường quốc mạnh nhất về kinh tế và quân sự, nhưng đang bị Nga kiềm chế ở Syria. Điều này khiến Mỹ không hài lòng. Theo Reuters, Syria cho tới nay là nơi thể hiện rõ nhất sự trở lại của Nga trong cuộc chơi toàn cầu. Đây là lý do lớn nhất khiến Mỹ bất an.

“Nhân lúc Mỹ đang bận rộn với bầu cử, Nga dự định dồn hết lực lượng chiến đấu để tấn công Đông Aleppo”, tờ Times của Anh viết.

Trong khi đó, hãng tin Interfax của Nga dẫn lời quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nga Ilya Rogachyov cho biết Moskva hoài nghi về cam kết trước bầu cử của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc hợp tác với Nga ở Syria.

Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 7, ông Trump nhấn mạnh lập trường không muốn Mỹ can thiệp vào Syria. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã ngầm nêu lên khả năng Mỹ ngừng trợ giúp vũ khí cho các nhóm vũ trang thuộc phe đối lập ôn hòa, hiện vừa chiến đấu chống chế độ Assad, vừa đương đầu với lực lượng thánh chiến Hồi giáo.

Dù vẫn “lời qua tiếng lại”, nhưng trong động thái mới nhất về vấn đề Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry tuyên bố nhất trí tiếp tục quá trình tham vấn giữa các chuyên gia để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Tuệ An

Tổng hợp