1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Than đá Triều Tiên “chất cao như núi” ở cảng vì lệnh trừng phạt

(Dân trí) - Than đá Triều Tiên chất thành những đống cao như núi ngay tại cảng biển giao thương với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Than đá Triều Tiên “chất cao như núi” ở cảng vì lệnh trừng phạt - 1

Theo AFP, Triều Tiên đang buộc phải đổ than đá thành từng đống ở cảng Rajin sau khi bị ùn tắc lại do đối tác thương mại chủ chốt Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm cô lập và buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Tại phía Trung Quốc, 2 triệu tấn than đá của Nga đã được vận chuyển tới Trung Quốc bằng tàu và đường biển thông qua công ty Nga RasonConTrans.

Công ty này không nằm trong danh sách đen của Liên Hợp Quốc và họ cho biết họ cũng từ chối đề xuất “lách luật” để tiêu thụ than đá Triều Tiên.

“Họ đề nghị, nhưng chúng tôi nói không, chúng tôi sẽ không làm vậy. Đằng sau hàng rào là than đá Triều Tiên đang bị áp lệnh trừng phạt nên nó vẫn nằm ở đó”, ông Roman Minkevich, phó giám đốc RasonConTrans chia sẻ. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ về danh tính của cá nhân hay tổ chức nào đã yêu cầu công ty ông làm vậy.

Trung Quốc vốn là đối tác giao thương mặt hàng than đá với Triều Tiên, mang lại nguồn thu nhập cho Bình Nhưỡng. Tính riêng trong năm 2016, Bắc Kinh đã nhập 22 triệu tấn than, trị giá 1,2 tỷ USD. Nhưng khi Trung Quốc dừng nhập than đá Triều Tiên, công việc làm ăn của RasonConTrans “phất lên như diều gặp gió”.

Từ khi bắt đầu vận hành vào năm 2015, sản lượng xuất khẩu than đá của công ty này tăng gấp đôi mỗi năm. Ông Minkevich dự kiến sản lượng năm sau sẽ đạt 3 triệu tấn và đặt ra muc tiêu 5 triệu tấn trong tương lai.

Tuy nhiên, RasonConTrans là công ty có 70% vốn do Nga nắm giữ, 30% còn lại do cảng Rajin nắm giữ. Công ty này cũng thuê lao động Triều Tiên vì chi phí rẻ hơn từ 30-40% so với cảng của Nga. Hiện công ty này đang thuê 300 nhân viên Triều Tiên, 110 nhân viên người Nga. Đây là công ty đóng thuế lớn thứ 3 trong khu công nghiệp Rason, được Bình Nhưỡng thành lập ở biên giới với Nga và Trung Quốc để thu hút nguồn ngoại tệ.

Đức Hoàng

Theo Strait Times