1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tên lửa Triều Tiên uy lực hơn tưởng tượng

(Dân trí) - Triều Tiên hôm 8/6 lần đầu tiên phóng thử tên lửa hành trình phòng vệ bờ biển Kumsong-3 từ bãi phóng ở thành phố Wonsan, phía đông nước này. Giới chuyên gia cho rằng, tên lửa này có những đặc điểm cải tiến đáng kể.


Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Tên lửa hành trình phòng vệ bờ biển Kumsong-3 CDCM được Mỹ gọi là KN19 từng xuất hiện trong lễ duyệt binh hôm 15/4 của Triều Tiên. Nó được chế tạo dựa trên thiết kế của tên lửa hành trình chống hạm cùng tên Kumsong-3 hay tên lửa hành trình Zvedza Kh-35 của Liên Xô. Tuy nhiên, đặc điểm mới của hệ thống này đó là bệ phóng tên lửa có thể di chuyển trên mọi địa hình.

Được biết đến từ lâu, nhưng vụ phóng thử tên lửa Kumsong-3 CDCM hồi tháng 6 năm nay của Triều Tiên ít nhiều gây sự chú ý bởi bệ phóng di động. Tuy nhiên, thông tin về vụ phóng này tuy nhiên nhanh chóng chìm xuống do những tháng gần đây Bình Nhưỡng liên tục phóng thử tên lửa, trong đó có phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên Hwasong-14.

Tạp chí Diplomat dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, tên lửa KN19 hay Kumsong-3 CDCM của Triều Tiên đáng chú ý hơn nhiều so với màn ra mắt của nó. Theo đó, tên lửa này có nhiều cải tiến so với các biến thể tên lửa Kh-35 hiện tại của Triều Tiên, với khả năng thực hiện đường bay gấp khúc và hệ thống tìm diệt mục tiêu được cải tiến đáng kể.


Đường bay của tên lửa Kumsong-3 hay KN19 mà Triều Tiên phóng thử hôm 8/6. (Ảnh: Google Earth)

Đường bay của tên lửa Kumsong-3 hay KN19 mà Triều Tiên phóng thử hôm 8/6. (Ảnh: Google Earth)

Trong 4 tên lửa mà Triều Tiên phóng thử hôm 8/6, ít nhất 3 tên lửa đã đánh trúng mục tiêu một con tàu giả định gần quân cảng ở Mayang-do cách vị trí phóng khoảng 90km. Để đánh trúng mục tiêu, các tên lửa này được bắn vào vùng biển Nhật Bản vuông góc với bờ biển Wosan của Triều Tiên, bay chếch về phía đông so với mục tiêu ở tọa độ thấp. Sau đó tên lửa đã ít nhất 2 lần chuyển hướng sang trái thành công và trở lại vùng biển Triều Tiên, đánh trúng mục tiêu ở ngoài khơi căn cứ Mayang-do. Tổng hành trình bay của tên lửa này khoảng 240km.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA sau đó cho biết: “Các tên lửa hành trình đã phát hiện chính xác và đánh trúng mục tiêu trên vùng biển phía đông sau khi thực hiện các đường bay vòng”. Video và hình ảnh về vụ phóng được Triều Tiên công bố không cho bằng chứng về đường bay gấp khúc này, song cho thấy hình ảnh tên lửa đã đánh trúng mục tiêu. Tuy nhiên, trong các bức ảnh này có hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un cầm một tấm bản đồ đường bay tên lửa dự kiến gấp khúc.

Đây có thể coi là bước tiến đáng kể của tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, vụ phóng thử thành công Kumsong-3 CDCM chưa thể nói lên tất cả bởi trong điều kiện tác chiến, tàu đối phương là mục tiêu di động và hơn nữa hoàn toàn có thể triển khai các biện pháp đối phó, chưa kể các tác động bên ngoài khác trong quá trình bay của tên lửa.

Minh Phương

Theo Diplomat