1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu Thổ Nhĩ Kỳ cố tình đâm sập cầu eo biển Kerch?

Vụ việc chấn động mới xảy ra khi một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đâm sập hàng loạt cột trụ của cây cầu Nga đang xây dựng qua eo biển Kerch.

Tàu Thổ Nhĩ Kỳ đâm sập trụ cầu qua eo biển Kerch

Ngày 19-3 vừa qua, chiếc tàu hàng mang tên "Lira", thuộc sở hữu của Turkuaz Shihhing Corp (Thổ Nhĩ Kỳ) đã đâm vào cây cầu mà Nga đang xây dựng bắc qua eo biển Kerch - FlashCrimea đưa tin, dẫn nguồn từ ban quản lý tuyến đường cao tốc "Taman".

Theo nguồn tin của ban quản lý tuyến đường cao tốc "Taman", chiếc tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đâm vào trụ của chiếc cầu N'2, hiện đang được xây dựng để nối giữa đảo Tuzla và lạch biển, nằm trong tổng thể công trình thi công cầu qua eo biển Kerch, nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea.

Hậu quả của vụ va chạm là một trong những cột trụ của cây cầu bị phá hủy hoàn toàn, ba cột khác cần phải sửa chữa và xem xét những thiệt hại. Ngoài ra, tàu chở hàng này còn phá hủy hoàn toàn các cọc hải đăng để báo hiệu công trình biển đang thi công.

Theo chuyên viên Alina Chernoivanova, đại diện của ban quản lý tuyến đường cao tốc "Taman", một chi nhánh của Cục đường bộ Liên bang và là nhà đặt hàng xây dựng cây cầu, vụ việc tuy nghiêm trọng về tình chất nhưng "sẽ không ảnh hưởng lớn đến quá trình và tiến độ xây dựng cầu".

Theo cơ quan chức năng Nga, khi vụ va chạm xảy ra, tàu do một công dân Thổ Nhĩ Kỳ cầm lái. Trên tàu có 9 người, không ai trong số họ bị thương nhưng tàu cũng đã chịu nhiều hư hại.

Theo kết quả điều tra được Nga công bố, tính chất của sự việc là rất nghiêm trọng bởi chiếc tàu của Thổ Nhĩ Kỳ làm ngơ trước tín hiệu cảnh báo nguy cơ va chạm cầu Kerch của điều vận viên giao thông Nga đối với với con tàu này

Cơ quan chức năng Nga công bố, theo chứng cớ giải mã cuộc đàm thoại giữa điều vận viên giao thông với tàu chở hàng "Lira" của Thổ Nhĩ Kỳ, thuyền trưởng của con tàu này, trước khi xảy ra sự việc đã nhiều lần được cảnh báo về nguy cơ va chạm với các công trình giao thông trên biển.


Tàu hàng Thổ Nhĩ Kỳ đâm sập trụ cầu bắc qua eo biển Kerch, nối Nga và Crimea

Tàu hàng Thổ Nhĩ Kỳ đâm sập trụ cầu bắc qua eo biển Kerch, nối Nga và Crimea

Theo đó, vào lúc 23h30 (theo giờ Moscow) ngày 19-3, bộ phận điều vận giao thông ở eo biển Kerch đã chuyển cho thuyền trưởng của con tàu chở hàng: "Lira, cảnh báo, bạn đang đi theo hải trình nguy hiểm, hãy đổi sang trái, giữ hướng 067 độ, đi giữa các phao tiêu".

Viên thuyền trưởng đáp "Được" với điều vận viên, nhưng sau đó con tàu vẫn không hề đổi hướng khiến điều vận viên tiếp tục liên lạc khẩn cấp với con tàu: "Thuyền trưởng Lira, bạn đang đi theo hải trình nguy hiểm", "Lira, thuyền trưởng, ông đang đi theo đường nguy hiểm", "Lira, thuyền trưởng, hãy ngừng không di chuyển về phía trước, lùi lại ngay lập tức"…

Xét theo tài liệu giải mã cuộc trao đổi, vụ va chạm của con tàu vào trụ đứng của chiếc cầu đang được xây dựng đã xảy ra sau đó vài phút, khiến nó bị sập và làm hư hỏng 3 trụ cầu khác, đồng thời phá hủy toàn bộ các cọc tiêu hướng dẫn luồng đường.

Các chuyên gia cho rằng, các công trình trên biển đều có phát cảnh báo bằng ngôn ngữ tiếng Anh trên các tần số của mạng lưới Cảnh báo hàng hải quốc tế, và có những đèn hiệu, phao tiêu trên thực địa, nhằm giúp các tàu thuyền tránh xa những khu vực thi công.

Do đó, việc tàu Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ các tín hiệu cảnh báo bằng đèn hiệu và bằng ngôn ngữ của điều vận giao thông và đâm vào trụ cầu của Nga là một hành động vô cùng nguy hiểm, gây mất an toàn an ninh hàng hải.

Do đó, dù vô tình hay cố ý thì thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của chiếc tàu sẽ bị Nga xét xử và chịu hình phạt, đồng thời phải bồi thường chi phí phá dỡ và thi công lại các cột trụ, cọc tiêu này.

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục căng thẳng

Tuy sự việc nghiêm trọng này xảy ra vào ngày 19 tháng 3, nhưng bây giờ các cơ quan chức năng Nga mới công bố thông tin này.

Có thể nguyên nhân là do khi đó đang diễn ra những hoạt động kỷ niệm 2 năm bán đảo Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga, với sự tham dự của đoàn đại biểu cao cấp Nga do Tổng thống Vladimir Putin dẫn đầu, nên sự việc tạm thời chưa được công bố.

Được biết, nhà lãnh đạo Nga sang Crimea vào ngày 18-3, đúng ngày mà cách đây 2 năm, ông và lãnh đạo Crimea đặt bút ký vào hiệp ước sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga, đánh dấu sự trở về của “đứa con lưu lạc” sau 60 năm (Crimea được nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ký hiệp định “tặng” cho Ukraine ngày 19-2-1954).

Sự việc đâm sập cầu Kerch của tàu Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra những căng thẳng mới trong quan hệ giữa Moscow và Ankara, sau sự việc máy bay tiêm kích đánh chặn F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga trên vùng trời tỉnh Latakia của Syria, khi nó đang truy quét các phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, vào ngày 24-11-2015.

Sau đó, Nga đã điều động các hệ thống phòng không tối tân S-400 sang Syria và đe dọa sẽ bắn rơi tất cả những mục tiêu nào gây nguy hiểm cho máy bay Nga, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt hoàn toàn các liên lạc về chính trị, ngoại giao, quân sự; đồng thời đình chỉ tất cả các dự án hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Moscow còn trưng các bằng chứng chứng minh chính quyền Ankara bắt tay với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trong việc buôn bán dầu lậu, gián tiếp cung cấp nguồn ngân sách khổng lồ cho chúng mua sắm vũ khí, chiêu mộ binh lính.

Nga còn vạch trần âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ thành lập và nuôi dưỡng các nhóm vũ trang đối lập ở Syria, lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad, đồng thời tăng cường hỗ trợ người Kurd trong cuộc chiến chống IS, đồng thời cũng chống cả chính quyền Erdogan.

Công trình xây dựng ở khu vực đảo Tuzla thuộc bán đảo Crimea
Công trình xây dựng ở khu vực đảo Tuzla thuộc bán đảo Crimea

Thời gian qua, 2 bên cũng phát sinh hàng loạt các va chạm nguy hiểm. Ví dụ như vụ tàu chiến Nga đuổi tàu hàng Thổ Nhĩ Kỳ có hành động nguy hiểm khi chắn đường giàn khoan Nga trên Biển Đen ngày 14-12-2015; hay việc chính quyền Ankara gây khó dễ cho các tàu hàng Nga qua lại eo biển Bosphorus; hoặc vụ lính trên tàu chiến Nga giương tên lửa phòng không vác vai khi đi qua eo biển Bosphorus.

Sự việc đặc biệt nghiêm trọng diễn ra vào ngày 13-12-2015 khi một tàu chiến Nga đã nổ súng bắn cảnh cáo một tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biển cách đảo Lemnos (Hy Lạp), ở phía Bắc biển Aegean 22 km, khi nó áp sát đáng ngờ vào tàu Nga, bất chấp những cảnh báo của chiến hạm này.

Quan hệ giữa 2 bên vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng, đặc biệt là sau những cáo buộc mới đây của Nga về việc chính quyền của Tổng thống Erdogan hậu thuẫn cho tiểu đoàn tình nguyện của Ukraine mang tên Noman Çelebicihan, bao gồm các đại diện là người dân tộc thiểu số Tatar Crimea lưu vong (người gốc Thổ Nhĩ Kỳ).

Tiểu đoàn này được thành lập với mục đích tiến hành chiến dịch phong tỏa Crimea cả trên đất liền lẫn trên biển, nhằm giúp Ukraine chống chính quyền của ông Putin, giành lại bán đảo này.

Đặc biệt là cơ quan an ninh Nga đang nghi ngờ tổ chức khủng bố “Sói xám” (Grey Volvo) và nhóm vũ trang Turkmen (vốn hoạt động ở Syria) của Thổ Nhĩ Kỳ đã sang miền nam Ukraine huấn luyện cho các tay súng tình nguyện chống phá hòa bình và ổn định ở bán đảo Crimea.

Moscow đã lên tiếng cảnh cáo là nếu chính quyền Erdogan vẫn tiếp tục các hoạt động chống phá Nga thì họ sẽ phải nhận sự đáp trả thích đáng, đồng thời uy tín của nước này trên trường quốc tế sẽ bị hủy hoại.

Sau vụ việc chiếc tàu Thổ Nhĩ Kỳ đâm hỏng trụ cầu cầu vượt eo biển Kerch, chắc chắn là quan hệ giữa 2 bên sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng. Một số chuyên gia Nga cho rằng, đây rõ ràng là hành động cố tình phá hoại công trình trọng điểm của Nga, gây mất an ninh trên bán đảo Crimea.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt