1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phận đời bế tắc của những phụ nữ Triều Tiên bị bán sang Trung Quốc

(Dân trí) - Những phụ nữ di cư từ Triều Tiên thường bị thương lái lừa bán ngay khi bước chân sang biên giới Trung Quốc. Họ bị ép sống một cuộc đời bế tắc như làm vợ của những nông dân nghèo hoặc quay phim khiêu dâm.


Cô Ji-hyun Park, một nạn nhân buôn người may mắn trốn thoát và sống sót (Ảnh: SCMP)

Cô Ji-hyun Park, một nạn nhân buôn người may mắn trốn thoát và sống sót (Ảnh: SCMP)

Những cuộc đời khốn khổ và bế tắc

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 2/7, đưa tin nạn đói vào những năm 1990 ở Triều Tiên đã châm ngòi cho một cuộc di cư quy mô lớn. Có khoảng 30.000 người Triều Tiên được cho đã đào tẩu sang một nước thứ 3, như Hàn Quốc trong khi số người tị nạn sang Trung Quốc vẫn chưa được công bố.

Những người phụ nữ Triều Tiên khi vừa đặt chân sang đất Trung Quốc liên ngay lập tức bị bán cho những nông dân nghèo cưới làm vợ, hoặc bị ép phải tham gia vào những bộ phim khiêu dâm phát hành trên những trang web cho nam giới Hàn Quốc xem, SCMP dẫn thông tin các chuyên gia trong lĩnh vực nhân quyền.

Ông Tim Peters, người sáng lập ra tổ chức Helping Hands Korea cho biết: “Khu vực 3 tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc gần với biên giới Triều Tiên là khu vực thường xảy ra nạn buôn bán phụ nữ Triều Tiên. Các phụ nữ ở khu vực dọc biên giới là nguồn cung cho những con phố đèn đỏ và đặc biệt là mạng lưới mua bán vợ phạm pháp ở Trung Quốc”.

Những nạn nhân buôn người hầu hết đều sống trong sự sợ hãi tột độ và sự tuyệt vọng cùng cực. Một vài phụ nữ thậm chí còn bị mua đi bán lại nhiều lần. Theo cô Ji Hyun Park, điều phối viên chương trình Liên minh châu Âu về nhân quyền ở Triều Tiên, đàn ông Trung Quốc coi những người vợ Triều Tiên được mua về giống như những món hàng. Nếu họ cảm thấy món hàng “hỏng hóc” hoặc “vô dụng”, họ sẵn sàng bán lại cho người khác.

Được biết, bản thân cô Park cũng đã từng là một nạn nhân của nạn buôn người. Cô đã may mắn trốn thoát và hiện định cư ở Anh. Cô muốn dùng câu chuyện của bản thân mình để nâng cao nhận thức về vấn đề buôn người ở Triều Tiên.

Theo ông Dan Chung từ của tổ chức Crossing Borders, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ những nạn nhân buôn người từ Triều Tiên, hiện không có đủ nguồn lực đề hỗ trợ những đứa trẻ mẹ Triều Tiên, bố Trung Quốc. Nhiều đứa bé trong số chúng không có quốc tịch và không thể đi học dù chính phủ Trung Quốc đã có một đợt ban hành thẻ định danh cho một số trẻ em là con của phụ nữ Triều Tiên tị nạn vào năm 2009.

“Chúng lớn lên trong nghèo khổ. Hầu hết chúng phải chứng kiến cảnh mẹ bỏ trốn hoặc bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ khi chúng còn quá nhỏ và bặt vô âm tín từ đó.” ông Chung nhấn mạnh.

Tia hy vọng nào cho tương lai?

Trước tình trạng buôn bán người ngày càng trở nên nghiêm trọng, một số nhóm cứu trợ đã được thành lập để giải cứu các nạn nhân ở khu vực Vân Nam, Hà Nam cũng như phía Bắc Trung Quốc. Thách thức lớn nhất của các nhóm cứu trợ này là họ phải hoạt động trong bí mật, lo sợ sẽ bị chính phủ cho giải tán. Đồng thời họ còn phải chịu rủi ro khi đối mặt với các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Nhưng vấn đề buôn người ở Trung Quốc lại có quy mô lớn hơn so với phạm vi tại Triều Tiên. Sự mất cân bằng dân số khi đàn ông nhiều hơn phụ nữ, phụ nữ nông thôn chuyển lên thành phố đã dẫn tới sự gia tăng của hoạt động, mua bán vợ từ các nước Đông Nam Á.

Trung Quốc cho rằng họ đã nỗ lực rất nhiều trong cuộc chiến chống buôn người. Các chuyên gia khẳng định điều đó là đúng. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng còn rất nhiều việc phải làm và chính phủ Trung Quốc nên tôn trọng những nỗ lực của các tổ chức cấp cơ sở, hoặc các tổ chức phi chính phủ để hiệp đồng giải quyết tình trạng buôn người ngày càng gia tăng.

Vấn đề trở nên được quan tâm hơn khi mới đây Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản báo cáo, trong đó đã xếp Trung Quốc và Triều Tiên vào nhóm nước tồi tệ nhất về nạn buôn người.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chỉ trích các vấn đề cưỡng bức lao động, ăn xin, buôn bán người tại Trung Quốc. Ông cũng đề cập tới việc đồng lương của những người di cư được chuyển thẳng vào tài khoản chính phủ Triều Tiên và đây được cho là là nguồn tiền được cung cấp để giúp Triều Tiên vượt qua được lệnh trừng phạt từ quốc tế.

Ngoài ra, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng cưỡng ép hồi hương người Triều Tiên mà không sàng lọc thông tin, nguồn gốc, nguyên nhân họ bị bán sang Trung Quốc. Thay vào đó, Mỹ kêu gọi Trung Quốc cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo và các phương án pháp lý khác. Theo các tổ chức về hoạt động về nhân quyền, những người Triều Tiên hồi hương sẽ bị phạt lao động khổ sai hoặc bị hành quyết.

Đức Hoàng

Theo SCMP