1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đại sứ Palestine nêu điều kiện để Mỹ tiếp tục hòa giải vấn đề Jerusalem

(Dân trí) - Đại sứ Palestine Saadi Salama cho biết, Palestine sẽ xem xét lại vai trò hòa giải của Mỹ trong vấn đề Jerusalem, đồng thời tuyên bố chính quyền và nhân dân Palestine tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.


Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama trả lời phỏng vấn báo chí sáng 19/12. (Ảnh: Đại sứ quán Palestine)

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama trả lời phỏng vấn báo chí sáng 19/12. (Ảnh: Đại sứ quán Palestine)

Sáng nay 19/12, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đã có cuộc họp báo liên quan đến việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như những phản ứng của Palestine và cộng đồng quốc tế.

Tại buổi họp mặt, Đại sứ Salama nhắc lại quan điểm của chính quyền Palestine rằng: “Palestine coi tuyên bố chính sách của Mỹ (về Jerusalem) là trái pháp luật, trái phép và hoàn toàn không có giá trị cả về mặt pháp lý lẫn chính trị… Tuyên bố này không có bất kỳ liên quan nào tới vị thế của Jerusalem hay các quyền của Palestine theo luật pháp quốc tế”.

Palestine cũng cho rằng, với quyết định “không rõ ràng” này của Tổng thống Trump, Mỹ đã từ bỏ vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Palestine-Israel.

Xét lại vai trò hòa giải của Mỹ


Đại sứ Salama trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Jerusalem (Ảnh: Đại sứ quán Palestine)

Đại sứ Salama trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Jerusalem (Ảnh: Đại sứ quán Palestine)

Trả lời câu hỏi của Dân Trí về vai trò hòa giải của Mỹ trong vấn đề Palestine-Israel sau khi Washington công nhận Jerusalem, Đại sứ Saadi Salama cho biết: “Palestine chỉ xem xét chấp nhận vai trò hòa giải của Mỹ khi Mỹ nêu rõ khuôn khổ mà họ sử dụng để làm trung gian hòa giải và khuôn khổ đó phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu Mỹ công nhận Đông Jerusalem là lãnh thổ bị chiếm đóng và biên giới năm 1967 là biên giới các bên cần đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình thì khi đó Palestine sẽ xem xét”.

Palestine cho rằng, việc giải quyết vấn đề Palestine-Israel có thể áp dụng cơ chế như cơ chế trong vấn đề Iran đó là P5+1, mời Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình với khung thời gian, chương trình rõ ràng.

Những bình luận trên được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây tranh cãi với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng thế giới. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 18/12 đưa ra dự thảo nghị quyết bác bỏ quyết định công nhận Jerusalem của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết trên.

Đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói rằng: "Chúng tôi sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ quyền lợi của hai bên". Tuy nhiên, Palestine cho rằng, một tuyên bố như vậy là chưa rõ ràng.

Đề nghị họp khẩn Đại hội đồng LHQ trong 48 giờ


Mỹ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về việc bác bỏ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. (Ảnh: Reuters)

Mỹ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về việc bác bỏ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. (Ảnh: Reuters)

Đại sứ Salama cho biết, sau khi Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết tại Hội đồng bảo an, chính quyền Palestine quyết định đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp khẩn trong 48 giờ tới, kêu gọi đưa ra một nghị quyết phản đối quyết định của Mỹ. Theo Palestine, một nghị quyết của Đại hội đồng cũng có giá trị như nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Ngoài ra, Đại sứ Salama khẳng định, Palestine luôn tìm kiếm giải pháp đa phương cho xung đột Palestine-Israel. Theo ông, vấn đề Palestine-Israel có thể cần một cơ chế đa phương giống cơ chế P5+1 khi giải quyết vấn đề Iran. Cụ thể, Palestine mong muốn Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác cùng chung tay để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho căng thẳng Palestine-Israel.

Trong khi đó, Palestine tiếp tục tham gia các hiệp định, hiệp ước quốc tế cũng nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan đến hai nhà nước.

Minh Phương