1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những người Mỹ nắm chương trình tên lửa Triều Tiên “trong lòng bàn tay”

(Dân trí) - Từ khoảng cách gần 10.000km, các chuyên gia Mỹ vẫn có thể theo dõi tiến độ chương trình vũ khí hạt nhân và dự đoán lịch trình phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và là lần mạnh nhất trong lịch sử nước này hồi đầu tháng 9, có một người không lấy làm quá ngạc nhiên.

Cách Bình Nhưỡng khoảng 9.650km, ông Joseph S. Bermudez Jr., sống ở bang Colorado, đã dành hàng năm trời theo dõi các cơ sở hạt nhân và vũ khí của Triều Tiên bằng cách quan sát hàng loạt sự thay đổi trên ảnh vệ tinh chất lượng cao.

Bất cứ một thay đổi nhỏ như là khi các phương tiện, thiết bị và con người có sự di chuyển đều được ông Bermudez Jr. chú ý. Từ tháng 2, ông cùng các đồng sự đã phát hiện ra hoạt động của Triều Tiên tại 1 trong 3 đường hầm chính dẫn đến các hố thử nghiệm trong lòng đất.

“Chúng tôi biết từ đầu năm nay là họ sẽ thử hạt nhân. Vì vậy khi ngày đó đến, tôi nghĩ là cuối cùng thì họ đã thử nghiệm”, ông Bermudez chia sẻ.

Vụ thử nghiệm là nỗ lực của Triều Tiên nhằm mục tiêu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa để tấn công tới Mỹ. Ngoài chương trình hạt nhân, chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un còn thực hiện liên tiếp các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, mỗi lần phóng đều cao và xa hơn lần trước.

Ông Bermudez là một trong những chuyên gia ở Mỹ và châu Á sử dụng hình ảnh vệ tinh thương mại và các dữ liệu để phỏng đoán "đường đi nước bước" của Triều Tiên. Theo ông, mỗi khi Triều Tiên dự định thử tên lửa, họ sẽ di chuyển thiết bị và nguồn nhân lực tới các đường hầm.

Tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, các chuyên gia thường theo sát các hoạt động và lưu ý lại những thay đổi và thường đưa ra phỏng đoán trước khi Triều Tiên “hành động”. Theo chuyên gia Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California (Mỹ), Triều Tiên thường đào đường hầm trước đó và thử nghiệm bất cứ lúc nào họ muốn.

Một hình ảnh chụp vệ tinh ghi lại vị trí các cơ sở vũ khí hạt nhân Triều Tiên (Ảnh: Bloomberg)
Một hình ảnh chụp vệ tinh ghi lại vị trí các cơ sở vũ khí hạt nhân Triều Tiên (Ảnh: Bloomberg)

Các nhà quan sát thường mua những bức ảnh chất lượng cao từ các công ty DigitalGlobe (Mỹ) và công ty quốc phòng và không gian Airbus (Pháp), cho phép họ quan sát chi tiết hết mức có thể các tòa nhà, đường xá, khí tài quân sự và màu sắc của phương tiện. Những bức ảnh như vậy thường có đủ thông tin về tọa độ, địa hình và thường mất hàng giờ để tải xuống và chỉ mở được khi sử dụng phần mềm đặc biệt.

Để chống lại việc bị rò rỉ thông tin, Bình Nhưỡng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp như sơn màu ngụy trang cho các thiết bị, tiến hành lắp ráp và chuẩn bị vào ban đêm… Ngoài ra, các yếu tố về thời tiết như mưa, trời nhiều mây làm giảm tầm quan sát của vệ tinh.

Nói về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên vừa tiến hành ngày 29/11, ông Lewis nhận định toàn bộ nước Mỹ đang nằm trong tầm ngắm. Ông cho rằng tên lửa đó bay đủ cao và đủ xa để tấn công Mỹ và đã quá muộn để có thể dừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo ông, nếu muốn dừng lại Mỹ cần thực hiện từ 10 tới 15 năm trước. Hiện, Triều Tiên được cho là đã sở hữu vũ khí nhiệt hạch tích hợp trên tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Mỹ.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg