1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ sẽ điều tàu sân bay hiện đại nhất tới châu Á để đối phó Trung Quốc

(Dân trí) - Các quan chức Hải quân Mỹ mới đây cho biết siêu tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald R. Ford của nước này sẽ được triển khai tới các điểm nóng mang tầm chiến lược tại châu Á để đối phó với sức mạnh ngày càng lớn của Hải quân Trung Quốc trong khu vực.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) trên sông James ngày 11/6. (Ảnh: Wikipedia)
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) trên sông James ngày 11/6. (Ảnh: Wikipedia)

Tờ National Interest ngày 7/7 dẫn lời ông Sean Stackley, quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ, cho biết siêu tàu sân bay mới của Mỹ USS Gerald R. Ford (CVN-78) đang được hoàn thiện ở những công đoạn cuối cùng và sẽ được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 9 tới.

Theo dự kiến, siêu tàu sân bay này sẽ chạy thử để kiểm tra khả năng vận hành vào năm 2017, sau đó trải qua “các bài kiểm tra sốc” vào năm 2019 và chính thức được đi vào hoạt động từ năm 2021. Theo lời giới chức Hải quân Mỹ, các bài kiểm tra sốc đối với USS Gerald R. Ford bao gồm việc vận hành siêu tàu sân bay này ở các điều kiện hàng hải khác nhau như tại khu vực biển động với giả định từ các vụ nổ do hỏa lực của đối phương gây ra.

Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết, quyết định triển khai USS Ford tại các vùng biển trên thực địa cần quá trình suy nghĩ thận trọng và thấu đáo, việc này sẽ phụ thuộc vào các yêu cầu tác chiến cũng như tình hình địa chính trị an ninh vào đầu những năm 2020.

National Interest nhận định, trong bối cảnh Mỹ đang theo đuổi chính sách tái cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc hải quân nước này triển khai siêu tàu sân bay mới tới khu vực trên là điều dễ hiểu và có thể đoán trước được. Theo đó, sức mạnh của USS Gerald R. Ford được thiết kế như một rào cản để ngăn chặn Hải quân Trung Quốc tăng cường các hoạt động bành trướng và hung hăng của nước này tại các vùng biển như Biển Đông. Việc sở hữu siêu tàu sân bay thế hệ mới và triển khai tới châu Á - Thái Bình Dương sẽ cho phép Hải quân Mỹ tăng cường sự hiện diện của Washington trong khu vực.

Tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ sẽ được trang bị những công nghệ tối tân để có thể đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai. CVN-78 sẽ có mặt sàn rộng hơn so với các tàu trước đó, với mục đích chứa được nhiều trang thiết bị và phương tiện quân sự có khả năng phóng từ tàu sân bay này, đặc biệt là hệ thống máy bay không người lái trong tương lai. Bên cạnh đó, CVN-78 sẽ được trang bị máy phóng điện từ thay vì dùng hệ thống hơi nước như hiện tại, ngoài ra các công nghệ tự động và điều khiển bằng máy tính cũng sẽ được lắp đặt trên siêu tàu sân bay mới này để giảm sức lao động của thủy thủ đoàn.

Cấu tạo tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) (Ảnh: US Navy)
Cấu tạo tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) (Ảnh: US Navy)

Theo nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ, CVN-78 được trang bị 4 máy phát điện với công suất 26 MW/máy. Với tổng công suất 104 MW, các máy phát điện này cung cấp đủ năng lượng cho hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) cũng như các hệ thống vũ khí tối tân khác như pháo laser và pháo ray điện từ, những công nghệ giúp đánh chặn tên lửa của đối phương và tăng cường khả năng phòng thủ của Hải quân Mỹ. Theo nhiều chuyên gia nhận định, vũ khí laser sẽ là những vũ khí của tương lai, thay thế các hệ thống tên lửa cũ vẫn đang được sử dụng, và để vận hành những vũ khí này, cần tới nhiều nguồn năng lượng sẵn có. Ngoài ra, USS Ford cũng cần tới nguồn năng lượng dồi dào để khởi chạy hệ thống radar băng tần kép và hệ thống hãm đà tối tân AAG, cùng nhiều công nghệ hiện đại khác được trang bị trên tàu.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, với việc sở hữu USS Gerald R. Ford, trong một vài năm tới, sức mạnh của Hải quân Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, việc triển khai này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Quân đội Trung Quốc đang phát triển DF-21D, một loại tên lửa chống hạm tầm xa với độ chính xác khi phóng rất cao. Loại tên lửa với tên gọi “sát thủ diệt hạm” này được tin là có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cách xa 900 hải lý. Nhiều nhà phân tích nhận định, loại vũ khí này của Bắc Kinh được thiết kế để đối phó với các tàu sân bay, ngăn các tàu này tiếp cận gần hơn tới khu vực bờ biển của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phát triển nhiều loại tên lửa hành trình chống hạm nguy hiểm khác, với tầm bắn xa hơn và hiệu quả hoạt động cao hơn.

Để đối phó với những mối đe dọa này, Hải quân Mỹ cũng đang tính đến nhiều phương án cải thiện một số chức năng trên tàu sân bay mới cho phù hợp với tình hình thực tế, tích hợp thêm các loại vũ khí hiện đại trên tàu sân bay, đồng thời trang bị thêm nhiều công nghệ mới để giảm thiểu những rủi ro và tổn thất có thể xảy ra khi đối đầu với sức mạnh quân sự từ nước khác.

Thành Đạt

Theo National Interest