Mỹ rối ren tại Trung Đông, Pháp chen chân tạo dấu ấn
Trong khi vị thế của Mỹ tại Trung Đông đang gặp thách thức lớn thì Pháp lại dần khẳng định dấu ấn ngoại giao đậm nét.
Một năm trước, không ai hình dung Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ là một gương mặt quen thuộc của ngoại giao phương Tây ở Trung Đông nhưng giờ đã khác.
Vị thế Mỹ suy giảm
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel tuần trước, chần chừ công bố chiến lược ở Syria, đụng chạm đến người Hồi giáo trên Twitter, cắt giảm nhân viên ngoại giao… là những yếu tố đang làm giảm vị thế ngoại giao của Mỹ ở khu vực Trung Đông nhiều biến động.
Sau quyết định của ông Trump, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã quyết định sẽ không gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ông Pence thăm khu vực sắp tới, dù Nhà Trắng nói đây là quyết định đáng tiếc. Trước đó, phía Palestine đã bác bỏ vai trò trung gian đàm phán hòa bình Palestine-Israel của Mỹ. Trong ngày 10-12, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói nước này sẽ tìm kiếm một trung gian đàm phán hòa bình khác thay thế Mỹ.
Thái độ này của Mỹ mở cánh cửa và không gian cho các nước và các lãnh đạo muốn mở rộng sự hiện diện của mình trên trường quốc tế, trong số đó có Tổng thống Macron. Có thể thấy ông Macron đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội mở rộng vai trò của mình ở Trung Đông, đặc biệt khi hai nước châu Âu là Anh và Đức ngày càng bận rộn hơn với các vấn đề chính trị trong nước.
Dấu ấn của Tổng thống Pháp
Theo New York Times, hai ngày trước khi ông Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, ông Macron đã gọi cho ông Trump nói rằng Pháp “lo lắng” về bước đi này. Tháng trước, ông Macron chủ động can dự tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng chính trị Lebanon sau khi Thủ tướng nước này là ông Saad al-Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức từ Saudi Arabia. Ngay sau chuyến sang Pháp theo lời mời của ông Macron, ông Hariri đã về lại Lebanon và rút tuyên bố từ chức.
Theo GS Gilles Kepel, chuyên gia về Hồi giáo tại Học viện chính trị Paris, “nếu là năm năm trước, Mỹ đã ra tay can dự ngoại giao tách Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri khỏi sự kiểm soát của Saudi Arabia”. Ông Kepel cũng chính là người đi cùng ông Macron đến Saudi Arabia mời ông Hariri sang Pháp. Cựu quan chức ngoại giao Ryan Crocker từng có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc với nhiều đời tổng thống Mỹ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa cũng đồng tình rằng vị thế của Mỹ đối với Lebanon hiện nay không bằng ngày trước.
Hiện ông Macron và các quan chức ngoại giao Pháp đang rất tích cực hỗ trợ nhằm thông qua chính sách với Syria sau khi cuộc chiến kết thúc. Trong khi đó, Mỹ thời gian qua ngày càng thu hẹp vai trò ở Syria và đến lúc này vẫn không đưa ra chính sách chi tiết về Syria, nhường phần lớn vai trò và hoạt động cho Nga. Theo nhà nghiên cứu an ninh Trung Đông Emile Hokayem tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), ông Trump chỉ tập trung đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cô lập Iran, tránh đào sâu vào chính trị đầy rắc rối của khu vực. Ngược lại, chính phủ Pháp không tránh né mà dấn thân vào giải quyết các vấn đề chính trị Trung Đông.
Theo Giám đốc Chương trình Bắc Phi - Trung Đông Joost Hiltermann tại tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ), Mỹ trước đây là tiếng nói đáng tin cậy của khu vực nhưng tình hình giờ đã thay đổi. Ông nhận định nếu chính phủ Tổng thống Trump có một chiến lược cho Trung Đông thì đó hẳn là chiến lược thoái lui. Chính phủ ông Trump đã hoạt động gần một năm nhưng Bộ Ngoại giao vẫn còn khuyết nhiều vị trí quan trọng. Thậm chí ở một số nước mà Mỹ xem là bạn bè, đồng minh như Saudi Arabia vẫn đang vắng vị trí đại sứ. Tại Trung Đông, vẫn còn sáu trường hợp khác chính phủ Mỹ chưa bố trí được đại sứ. Thực tế này làm giảm đáng kể ảnh hưởng và thông điệp của Mỹ, đặc biệt khi Trung Đông là khu vực vốn coi trọng hình thức ngoại giao.
Tổng thống Pháp lại là câu chuyện ngược lại. Trước khi nhậm chức, ông Macron không có nhiều mối quan hệ với Trung Đông nên đã tuyển một đội ngũ biết rõ tường tận về khu vực này. Đương kim Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian vốn từng là bộ trưởng Quốc phòng, quan hệ rất rộng với quân đội các nước Ả Rập. Các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Pháp kể cả đại sứ ở Lebanon từng làm việc tại Saudi Arabia và Iran. Chưa kể đến hàng loạt nhà ngoại giao kỳ cựu kinh nghiệm làm việc ở Trung Đông.
Ông Hubert Vedrine, cựu Ngoại trưởng Pháp dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, nhận định cách tiếp cận Trung Đông của ông Macron có khác biệt so với hai người tiền nhiệm François Hollande và Nicolas Sarkozy. Trong khi ông Sarkozy nghiêng về Qatar và ông Hollande nghiêng về Saudi Arabia, tân tổng thống trẻ tuổi lại chủ trương cân bằng quan hệ với cả Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ông còn nói sẽ có ngày sang Iran.
Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập nằm trong tốp bốn thị trường xuất khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất của Pháp. Mới tuần trước, ông Macron đã thăm Qatar và thông báo thỏa thuận trị giá 1,3 tỉ USD bán máy bay chiến đấu cho nước này.
_____________________________
Pháp bước vào Trung Đông không chỉ vì tận dụng cơ hội Tổng thống Trump ít quan tâm đến ngoại giao khu vực, mà còn để duy trì quyền lực của phương Tây ở Trung Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang lớn mạnh và muốn tạo ảnh hưởng.
Ông JOOST HILTERMANN, Giám đốc Chương trình Bắc Phi - Trung Đông thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ), nhận định
Theo Đăng Khoa
Pháp luật TP. HCM