1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kịch bản tan rã EU: Hiện tượng kích hoạt mới

Chấp nhận “sự khác biệt nằm trong sự đồng thuận” có thể được nhận diện chính là nguy cơ gây tan rã EU nhanh nhất, rõ ràng nhất...

“Cái gì cũng trưng cầu ý dân” đã trở thành hiện tượng trong EU

Ngày 23/1/2017, Tổng thống Romania Iohannis đã kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về sắc lệnh khẩn cấp ân xá cho các cựu chính trị gia bị kết tội tham nhũng mà Thủ tướng Sorin Grindeanu đang thúc đẩy để được thông qua tại Quốc hội, mà không cần chữ ký của tổng thống. Điều này khiến cho chính trường Romania dậy sóng do bất đồng giữa tổng thống và thủ tướng quanh vấn đề này.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Klaus Iohannis đã phản đối sắc lệnh của tân Thủ tướng Grindeanu khi cho rằng: "Việc sửa đổi luật để phóng thích hàng chục, thậm chí hàng trăm chính trị gia là không thể chấp nhận".

Ông Iohannis nhấn mạnh người dân Romania có khả năng định đoạt và bày tỏ ý kiến của bản thân.

Trưng cầu ý dân tại Hungary - khởi phát cho hiện tượng cái gì cũng trưng cầu ý dân tại EU
Trưng cầu ý dân tại Hungary - khởi phát cho hiện tượng "cái gì cũng trưng cầu ý dân" tại EU

Ngày 22/1, ông Iohannis đã tham gia cuộc tuần hành của 15.000 người sau khi Thủ tướng Grindeanu công bố hai sắc lệnh khẩn cấp gây tranh cãi hôm 18/1, ân xá cho 2.500 tù nhân. Đối tượng ân xá bao gồm cả các chính trị gia đã thụ án 5 năm vì những tội danh phi bạo lực. Sắc lệnh này cũng vấp phải sự phản đối của giới tư pháp Romania và một số tổ chức phi chính phủ.

Sự kiện này khiến dư luận hết sức ngạc nhiên bởi có cảm tưởng rằng tại các quốc gia EU hiện nay bất cứ điều gì cũng có thể được mang ra để trưng cầu ý dân. Khi người dân không hài lòng với quyền lợi có được với từ cơ chế liên minh, trưng cầu ý dân được tổ chức mà điển hình là cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 tại Vương quốc Anh và kết quả là Brexit

Khi người dân lo sợ quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng nếu có một thực thể khác liên kết hay gia nhập EU, trưng cầu ý dân được tổ chức để người dân bày tỏ nguyện vọng của mình. Điển hình là cuộc trưng cầu ý dân tại Hà Lan về việc EU ký kết thỏa thuận liên kết với Ukraine và kết quả là người Hà Lan không đồng ý quyền lợi của họ bị sẻ chia cho Ukraine.

Khi người dân không muốn gánh những trách nhiệm không mong muốn theo cơ chế liên minh, cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức. Điều này thể hiện rõ qua cuộc trưng cầu dân ý tại Hungary về việc nước này được phân bổ quota dân nhập cư là 2.300 người cho năm 2016 và kết quả là người dân Hungary từ chối nhận người tị nạn.

Dường như trưng cầu dân ý đã trở thành hiện tượng trong đời sống chính trị tại EU và các cuộc trưng cầu ý dân đều có kết quả là trái với mong muốn của giới lãnh đạo EU. Mặc dù vậy, kết quả các cuộc trưng cầu ý dân dù có gây hiệu ứng rất tiêu cực với EU, như Brexit chẳng hạn, thì cũng chỉ mới là lời cảnh báo nghiêm khắc cho lãnh đạo EU về hệ thống cấu trúc và cơ chế liên hiệp của EU mà thôi.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân tại Romania, nếu được tổ chức, có mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều. Cuộc trưng cầu ý dân tại thành viên “EU đông Âu” này sẽ vô hiệu hóa hoặc làm giảm tác hiệu của hệ thống luật pháp quốc gia, từ đó khiến việc quản lý và điều hành đất nước có thể được thực hiện bằng sắc luật thay cho đạo luật. Bởi theo giải thích của Bộ trưởng Tư pháp Romania Florin Iordache, sắc lệnh của thủ tướng sẽ giúp giảm tải cho các nhà tù đang bị quá tải hiện nay.

EU sẽ tan rã bởi hiện tượng “cái gì cũng trưng cầu ý dân”

Nếu vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân được người dân Romania thông qua sẽ đi ngược với quy chế chung của EU. Bởi lẽ, trong báo cáo hàng năm năm 2015, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát hoạt động cải cách tư pháp ở Romania, cảnh báo cơ quan này phản đối mọi kế hoạch ân xá cho những cá nhân phạm tội tham nhũng, theo AP.

Lúc đó mâu thuẫn giữa quốc gia với liên minh sẽ phát triển và không thể hóa giải, ngoài việc phải chấp nhận “sự khác biệt nằm trong sự đồng thuận”. Có thể nhận diện đây chính là nguy cơ gây tan rã EU nhanh nhất và rõ ràng nhất. Việc tổ chức trưng cầu ý dân tại Hungary là một hình thức buộc EU phải chấp nhận “sự khác biệt nằm trong sự đồng thuận” rõ ràng nhất.

Hậu quả của việc người dân Hungary nói không với người tị nạn đã khiến cho người dân Đức biểu tình phản đối chính phủ nước này trong chính sách nhập cư thân thiện vì người Đức phải gánh trách nhiệm mà đúng ra thuộc về người Hungary. Đây có thể được xem nguy cơ khởi phát sự phân rã trong EU.

Tuy nhiên, vấn đề mà cuộc trưng cầu dân ý tại Romania đang được tổng thống nước này đề xuất còn nguy hại gấp nhiều lần cuộc trưng cầu ý dân tại Hungary. Bởi lẽ, nếu cuộc trưng cầu dân ý có kết quả trái với mong đợi của lãnh đạo EU thì mâu thuẫn giữa Romania và EU sẽ hình thành nên sự đối lập chứ không còn giới hạn là sự khác biệt nữa.

Hệ thống luật pháp của một quốc gia có những quy định trái ngược với cơ chế liên kết trong liên minh thì đó là sự mâu thuẫn có tính chất đối kháng, hoặc theo cơ chế liên minh, hoặc theo luật pháp quốc gia, không có sự trung hoà. Chỉ có điều chọn theo cơ chế liên minh hay chọn theo luật pháp quốc gia thì đều dẫn đến chia tách – exit.

Brexit có thể khiến một số hay một số nước chọn rời EU khiến liên minh này phải thu hẹp lại, song nếu cuộc trưng cầu ý dân theo kiểu như tại Romania thành công thì có thể khiến cho EU sụp đổ hoàn toàn bất cứ lúc nào, chứ không chỉ là việc chia tách. Bởi việc buộc phải chọn rời hay ở lại EU có thể khiến người dân lưỡng lự, song nếu chỉ chọn giải quyết vấn đề nội bộ của đất nước thì họ quyết định dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Brexit chua thể làm EU tan rã, song hiện tượng cái gì cũng trưng cầu ý dân thì có thể khiến EU tan rã nhanh chóng
Brexit chua thể làm EU tan rã, song hiện tượng "cái gì cũng trưng cầu ý dân" thì có thể khiến EU tan rã nhanh chóng

Điều đó cho thấy, trong trường hợp cả 27 thành viên còn lại đều tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU thì EU vẫn không thể tan rã. Tuy nhiên, chỉ cần 3 nước thành viên tổ chức trưng cầu dân ý về những vấn đề nội tại của đất nước họ, mà kết quả là thúc đẩy mâu thuẫn vốn có giữa quốc gia với liên minh thành mâu thuẫn đối kháng thì EU có thể tan rã ngay.

Bởi lẽ mâu thuẫn đó luôn tồn tại giữa EU với tất cả các thành viên, nay chỉ cần một vài thành viên khởi phát mâu thuẫn thì sẽ khiến cho mâu thuẫn phát triển nhanh chóng và đó cũng là lúc chấm dứt sự tồn tại của EU.

Có thể thấy rằng, hiện tượng "cái gì cũng trưng cầu ý dân" là một thực tế nguy hại tại EU hiện nay. Nếu giới lãnh đạo EU không kịp thời thay đổi tiêu chí liên kết, đó cũng là cách làm giảm mâu thuẫn quốc gia - liên minh, thì hiện tượng "cái gì cũng trưng cầu ý dân" có thể được nhận diện là kịch bản tan rã EU.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt