1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cán cân quyền lực và sức mạnh châu Âu hậu "Brexit"

Việc hầu hết người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit đã gây ra những tác động to lớn trên phạm vi khu vực châu Âu; quan hệ Anh - NATO; làm thay đổi cục diện địa - chính trị; những vấn đề về bố trí an ninh, quốc phòng, cán cân quyền lực... của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới.

Châu Âu dọa “quay lưng”... nước Anh có con bài an ninh - quốc phòng

Bên lề hội nghị thượng đỉnh cuối năm 2016 tại Brussels, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gặp riêng nhau mà không có mặt của Thủ tướng Anh Theresa May để bàn về vai trò của EU trong đàm phán các vấn đề liên quan đến việc nước Anh rời khỏi EU. Hành động cùng nhau chuẩn bị đối phó trước việc Anh "đòi ly dị" cho thấy 27 nước thành viên EU đang thể hiện tinh thần đoàn kết thống nhất trước vận mệnh một liên minh mạnh.

Các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất kế hoạch hành động nhanh chóng trên cơ sở tham khảo lẫn nhau để người Anh không dễ dàng có được một thỏa thuận rút lui "êm ái" mà không phải trả giá. Mục đích cuối cùng là không tạo ra tiền lệ xấu cho những thành viên khác trong "mái nhà chung" EU.

Sự thống nhất mà lãnh đạo 27 nước đạt được cũng chính là thông điệp rõ ràng gửi tới Thủ tướng Anh rằng họ từ chối mọi cuộc đàm phán riêng rẽ khi mà nước Anh chưa chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, theo đó thời hạn đàm phán về Brexit là 2 năm.

Theo giới phân tích, việc các nước EU đi đến quyết định liên kết chặt chẽ với nhau trong bối cảnh khắp nơi phong trào dân túy đang tăng cao kéo theo những đồn đoán về khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tan rã vừa cho thấy sự cứng rắn, cũng như sự đoàn kết của cả 27 nước EU. Không phải vô tình mà là một hành động có tính toán kỹ và mang nhiều ý nghĩa, là một thông điệp chính trị rõ ràng và mạnh mẽ của EU gửi tới nước Anh và những ai có tư tưởng li khai.

Thủ Tướng Anh và Thủ tướng Đức. Ảnh: Wall Street Journal.
Thủ Tướng Anh và Thủ tướng Đức. Ảnh: Wall Street Journal.

Mặc dù Chính phủ Anh và EU chưa bắt đầu đàm phán các điều khoản cụ thể liên quan đến Brexit, song giới doanh nghiệp đang phải lên kế hoạch dự trù cho mọi trường hợp, không loại trừ trường hợp ảm đạm nhất khi Brexit “cứng” xảy ra.

Khi đó hàng hóa của Anh vào thị trường EU sẽ không còn được hưởng chính sách miễn thuế hay miễn thủ tục hải quan và các biện pháp kiểm soát biên giới khác. Hàng xuất khẩu của Anh sang các nước thuộc khối EU sẽ bị đánh thuế như các thành viên không thuộc EU khác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định thật sai lầm khi nói kịch bản "Brexit cứng" chắc chắn xảy ra. Thủ tướng May nhấn mạnh một số người đã hiểu sai khi cho rằng chắc chắn sẽ xảy ra "Brexit cứng". Bà khẳng định chính phủ không chấp nhận khái niệm Brexit "cứng" hay "mềm". Bà May cảnh báo một khi châu Âu làm khó nước Anh về kinh tế, cả châu Âu sẽ thiệt hại về những vấn đề lớn không kém, đó là an ninh - quốc phòng.

Không có Anh, châu Âu liệu có giảm sức mạnh?

Chắc chắn người Anh chưa bao giờ thích EU. Vào năm 1975, bà Margaret Thatcher đã gây áp lực mạnh mẽ buộc Anh trung thành với EU, nhưng ý tưởng của người đàn bà thép là trở thành thành viên với quan điểm kiểm soát một thực thể hùng mạnh như EU, do đó tránh sự tạo ra một trục giữa Pháp và Đức để cô lập Anh - như quả thực sau này đã xảy ra.

Tại thời điểm đó vẫn còn có Chiến tranh Lạnh, lúc đó, cả Thủ tướng Thatcher lẫn các chính khách khác của EU đã xem khối châu Âu như một thỏa thuận kinh tế ngăn cản Liên Xô mở rộng ảnh hưởng kinh tế, nếu không muốn nói cả quân sự. Vai trò của Anh khi đó rất quan trọng, như các chuyên gia đánh giá, nếu không có Anh, sẽ không có kho vũ khí hạt nhân châu Âu và kho vũ khí của Pháp sẽ ngay lập tức rơi vào tay Nga.

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Anh đã kiên trì tìm kiếm một vai trò toàn cầu trong chính sách đối ngoại. Phe vận động rời EU cho rằng, Brexit không làm nhụt đi khát vọng này. Họ tin rằng vị thế cường quốc quân sự và ngoại giao của Anh thể hiện ở tư cách thành viên NATO, trong mối quan hệ khăng khít của Anh với Mỹ và trong các mối liên kết của Anh với một thế giới nói tiếng Anh rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, dù là thành viên EU, mối quan hệ tình báo và quốc phòng của Anh với Mỹ chưa bao giờ bị tổn thương. Anh đã hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ đứng đầu năm 2003, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Pháp và Đức. Hai nước này từng đôi lúc đưa ra ý tưởng thành lập quân đội EU và Anh là nước đã ngăn cản việc hiện thực hóa ý tưởng này.

Khi hành động tập thể, EU sử dụng kinh tế và quyền lực mềm để đáp ứng các mục tiêu đối ngoại mà Anh chia sẻ và nằm ngoài vấn đề quân sự của NATO. Các lệnh trừng phạt năng lượng và tài chính của EU cũng từng đóng vai trò quan trọng buộc chính quyền Iran từ bỏ chương trình hạt nhân.

Có lẽ không phóng đại khi nói rằng Brexit có thể gây nguy cơ cho hòa bình và ổn định của châu Âu. Sự ra đi của nền kinh tế lớn thứ hai của khối sẽ là một “cú đấm chí tử” mà có thể làm lung lay toàn bộ cấu trúc EU. Thật khó có thể hiểu được điều này có ý nghĩa như thế nào với các lợi ích của Anh.

Châu Âu ngày nay đang phải đương đầu với sự nổi lên của các cường quốc mới nổi và cuộc xung đột đang gia tăng ở Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác. Mỹ đang hướng sự chú ý sang châu Á và chờ đợi châu Âu gánh vác thêm bổn phận đối với an ninh khu vực. Nước Anh muốn một châu Âu vững mạnh trong phòng vệ chứ không phải một lục địa hỗn loạn. Brexit sẽ làm tổn hại châu Âu và điều này thì chẳng tốt đẹp gì cho nước Anh.

Hiện nay, khuôn khổ châu Âu rõ ràng là phức tạp hơn nhiều so với những năm 1970. Một điều chắc chắn là nếu Anh muốn duy trì tầm ảnh hưởng toàn cầu trong thời gian dài hơn, họ sẽ cần củng cố “mối quan hệ đặc biệt” với Mỹ. Tuy nhiên, Đánh giá quốc phòng và an ninh chiến lược (SDSR) năm 2010 và SDSR 2015 khi được được công bố cho thấy, khả năng an ninh quốc phòng của Anh đang ngày càng yếu hơn so với trước kia, yếu thế so với Mỹ.

Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Raymond Odierno đã bày tỏ quan ngại về sự giảm sút trong các khả năng tiến hành chiến tranh của Anh và sự cam kết của nước này với việc duy trì chi tiêu quốc phòng ở các mức độ tương xứng với một cường quốc trọng yếu của thế giới: “Trong quá khứ, chúng tôi đã có một sư đoàn Anh hoạt động bên cạnh một sư đoàn Mỹ. Giờ đây đó có thể là một lữ đoàn Anh trong một sư đoàn Mỹ, hoặc thậm chí một tiểu đoàn Anh trong một lữ đoàn Mỹ”. Thông điệp đã rõ ràng rằng sau nhiều thập kỷ giảm bớt các phương tiện và các cơ sở, Anh cuối cùng đã đến điểm giới hạn.

Các chuyên gia tính toán rằng, nếu Brexit có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, chi tiêu quốc phòng ở Anh có thể thấp hơn mức 2% GDP, ít nhất cho tới năm 2020. Do chi tiêu quốc phòng giảm, Anh có nguy cơ trở nên ngày càng kém thích nghi với Mỹ trong các chính sách, do đó, Mỹ có thể sẽ có những quan hệ đặc biệt hơn với Đức để lèo lái chính sách EU, vào Pháp khi các lợi ích Pháp - Mỹ về các vấn đề nằm ngoài chiến trường châu Âu (NATO) là nhất quán, và thậm chí vào Ấn Độ khi Mỹ cố gắng vừa can dự vừa kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc.

Phiên bản an ninh quốc phòng mới?

Vậy đâu là con đường của các nhà hoạch định chính sách an ninh - quốc phòng Anh? Có một số động thái mà Anh có thể thực hiện để tăng tính chủ động và can thiệp của mình, trong đó đáng kể nhất sẽ là việc London vượt xa hơn những kế hoạch hiện tại nhằm một lần nữa đưa một sự hiện diện quân sự thường xuyên vào Trung Đông và mở rộng sự hiện diện đó vào châu Á-Thái Bình Dương.

Lần đầu tiên các cuộc tập trận quân sự được thực hiện với Nhật Bản và Hàn Quốc, và Anh đã đổi vị trí một vệ tinh quân sự Skynet để bao phủ Đông Nam Á. Một sự hiện diện hải quân và không quân thường trực sử dụng các quyền đặt căn cứ có sẵn ở Brunei và Singapore sẽ củng cố cam kết của Anh với Hiệp ước 5 cường quốc, trấn an các bên tham gia khu vực ngoài liên minh đó bằng việc đưa ra những bằng chứng rõ ràng về cam kết của London với quyền tự do hàng hải và thể hiện cho Washington thấy rằng họ sẵn sàng đưa ra những ví dụ có ý nghĩa về việc Anh có thể đóng góp như thế nào cho “mối quan hệ đặc biệt” này.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, thời gian tới sẽ đưa các tên lửa chống tàu lên “trực chiến” trên các tàu khu trục lớn. Cho phép bố trí các máy bay F-35 của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ trên các tàu sân bay của Anh; nâng cấp đội máy bay chiến đấu; nâng cấp các tàu khu trục Type 45 của Hải quân Hoàng gia với các khả năng chống tên lửa đạn đạo; tăng cường khả năng phòng thủ hạm đội... Cuối cùng, chính phủ phải duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức từ 2% GDP trở lên sau năm 2020.

Lính Anh tác nghiệp ở Afghanistan. Ảnh: BBC.
Lính Anh tác nghiệp ở Afghanistan. Ảnh: BBC.

Tất cả động thái trên nằm trong một kế hoạch chung, Anh có cơ hội mở rộng thêm mối quan hệ chiến lược với Mỹ bằng việc cùng Mỹ trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington bằng một sự “xoay trục” của riêng mình và đóng góp một sự hiện diện hải quân đáng tin cậy cho một lực lượng Mỹ đang ngày càng bị dàn trải quá mức.

London đã thể hiện rõ, kể cả rời khỏi EU, Anh không rút lui khỏi chính trường quốc tế. Số lượng binh lính và máy bay, tàu chiến của Anh sẽ lớn hơn, hoạt động nhiều hơn để trấn an các đồng minh NATO ở Đông Âu.

Với sức mạnh quân đội hàng đầu thế giới và đội ngũ ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, Anh đã đóng góp rất lớn cho một loạt sứ mệnh của EU và các nhiệm vụ chung với Mỹ trong những năm qua. Có thể kể đến sứ mệnh trừng phạt, cô lập Nga sau xung đột quân sự ở Ukraine; cuộc chiến ở Lybia, Syria, Iraq, Afghanistan...

Một châu Âu có thể sẽ yếu hơn sẽ kéo theo một NATO suy yếu nếu Anh không còn liên kết với châu Âu. Để bù lấp khoảng trống này, châu Âu đang lên kế hoạch để chính thức vận hành đội quân chung châu Âu. Tuy nhiên, nhiều nước lo ngại, việc này sẽ tạo ra cuộc chạy đua mới về mua sắm vũ khí trang bị, kích động tư tưởng dân tộc và dễ xảy ra các xung đột nhỏ.

Lỗ hổng đang xuất hiện

Khi mọi chiến lược còn chưa rõ ràng, châu Âu và Anh “cơm không lành, canh không ngọt”, nhiều người lo ngại an ninh châu Âu vốn dựa nhiều vào Anh sẽ bị suy yếu bởi Anh là thành viên hàng đầu của NATO, là nước chi tiêu quân sự lớn nhất châu Âu khi chi trả 15% chi phí cho các chiến dịch quân sự do EU dẫn đầu.

Trong khi đó, các chiến dịch kiểm soát dòng người di cư, chống khủng bố ở châu Âu đang gặp khó khăn khi không có Anh... Thêm vào đó, việc thiếu đi một thành viên có chân trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là một cường quốc về quân sự đã ngăn cản năng lực đối phó với những thách thức của châu Âu vốn đang bị tổn thương sau các vụ tấn công của khủng bố. Rõ ràng, khi Anh rời EU, gánh nặng về một vai trò quân sự dường như là quá sức đối với quốc gia này.

Về phía Pháp, Pháp chỉ chấp nhận một vai trò đi đầu về quốc phòng trong khuôn khổ của EU. Tổn thất với châu Âu sau Brexit là khá rõ ràng, cán cân quyền lực châu Âu sẽ định hình lại. Châu Âu có rất ít thời gian, tiền bạc và sức mạnh chính trị để đối phó với các thách thức toàn cầu, trước mắt là những thách thức an ninh.

Trong khi đó, một mắt xích quan trọng của an ninh - quốc phòng là tình báo cũng không thuận lợi. Vai trò của châu Âu trong hợp tác tình báo có ý nghĩa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Anh. Anh là thành viên trong nhóm “Năm con mắt” (Five Eyes) - gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand và tất cả các nước thuộc nhóm “Năm con mắt” còn lại đều muốn Anh ở lại EU, bởi điều đó giúp củng cố quan hệ hợp tác tình báo ở khắp phương Tây.

Khi Anh rời EU không chỉ tác động nghiêm trọng đến khả năng phân tích và thu thập thông tin tình báo của châu Âu, mà còn làm suy yếu mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo giữa Anh với các nước láng giềng, bản thân nước Anh cũng dễ bị tấn công hơn bởi những nhóm khủng bố và những băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới