1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Italia không thể đứng ngoài mối nguy bị khủng bố

Cho đến nay Italia dường như vẫn xa lạ với những nỗi kinh hoàng mà các quốc gia khác đang trải qua, đó là kết quả của hàng chục năm ngoại giao kín tiếng về những gì diễn ra tại Trung Đông, Bắc Phi và của tính e dè truyền thống về các vấn đề xung đột vũ trang; Hiến pháp Italia vẫn xác định rằng “nước Italia gạt bỏ chiến tranh”.

Nhưng dư luận Italia giờ không còn có thể thờ ơ trước những tín hiệu báo động ngày càng nhiều, hàng loạt tin thời sự đáng quan tâm đã nhắc nhở mọi người nên tỉnh giấc.

Mới đây nhất là việc bắt giữ 2 người Macedonia có liên hệ với IS tại Roma ngày 11-3. Chúng sắp sửa đến Iraq qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích là tham gia tấn công khủng bố tại Iraq hay ngay trong Thành phố Vĩnh hằng (mỹ từ dành cho Roma). Các cuộc điện đàm của chúng mà cảnh sát Italia thu bắt được đã cho thấy rõ ý đồ của chúng.

Kẻ đối thoại là một người Tunisia, giải thích với chúng: không khó gì để thực hiện một vụ khủng bố tự sát nhắm vào “những kẻ ngoại đạo” và thuốc nổ thì rất dễ tìm. 3 ngày trước đó, một thầy cả người Somalia mới 22 tuổi cũng sắp sửa bay sang Syria để học hỏi cách thực hiện một vụ khủng bố tại nhà ga Termini ở Roma.

Cảnh sát Italia tăng cường kiểm soát an ninh tại khu vực Nhà thờ lớn Milan, nơi được cảnh báo là mục tiêu khủng bố.
Cảnh sát Italia tăng cường kiểm soát an ninh tại khu vực Nhà thờ lớn Milan, nơi được cảnh báo là mục tiêu khủng bố.

Các mic nghe lén mà cảnh sát đặt tại trại tị nạn Happy Family ở Campobasso (nơi gã thầy cả thuyết giảng) đã bắt câu thoại: “Không cần gì nhiều để cho nổ ga Termini” và tràng thuyết giảng về vụ tấn công tòa soạn báo “Charlie Hebdo” ở Pháp kèm lời ca ngợi “phẩm chất của những kẻ tuẫn vì đạo”, đồng thời kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các chiến binh IS. Hiện ông thầy cả này đang bị giam giữ về tội “liên kết với khủng bố”.

Vụ việc thứ ba là do Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Anh thông báo. Khi xem xét danh sách những tên thánh chiến mà họ nắm được, họ phát hiện 48 tên xuất phát từ Italia, trong số này có 4 tên là công dân Italia. Còn có một ca sĩ nhạc rap người Italia gốc Morocco đã biến mất khỏi sự theo dõi của cảnh sát từ năm 2013 và định thành lập một mạng lưới “Scharia4Italy” để tổ chức đưa người gia nhập thánh chiến.

Trước những tin thời sự đó, người Italia hẳn chưa quên một câu chuyện bi thảm: đó là vụ 4 nhân viên của công ty Bonatti bị bắt cóc vào tháng 7-2015 tại Libya. Có 2 người trốn thoát được, còn 2 người kia bị hành quyết. Thi thể của họ được gửi về cho gia đình làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Trong một cuộc họp báo vào ngày 13-10-2015, vợ của một người bị hành quyết cho biết bà nhận được một cuộc gọi của chồng van nài bà “tức tốc thông báo với giới chức và báo chí” vì ông ấy cảm thấy “không còn chịu đựng được nữa”.

Sau khi trình báo nội dung cuộc gọi với Bộ Ngoại giao, bà nhận được lệnh... không trả lời điện thoại của chồng nữa! Bà đã làm như thế và giờ đây bà vô cùng ân hận. Một vụ việc khác khiến cho người dân Italia càng lo ngại về những gì đến từ phía bên kia Địa Trung Hải: Trường hợp của Giulio Regeni, một nhà nghiên cứu xã hội. Để viết luận án, ông đã liên lạc với các nghiệp đoàn Ai Cập thù nghịch với Tổng thống Al-Sissi.

Giulio Regeni bị cảnh sát Ai Cập bắt và tra tấn trong 1 tuần lễ tại Cairo, sau đó thi thể của ông bị quẳng trên một xa lộ vào ngày 25-2.

Không khí lo âu đang bao trùm dư luận. Ngày 4-3, chính Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano cũng thừa nhận rằng “nguy cơ khủng bố là rất cao”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đang gây sức ép với Chính phủ Italia để nước này can thiệp vào Libya vì “Italia là nước thích hợp nhất để dẫn dắt liên minh tại Libya”.

Đại sứ Mỹ tại Roma dự đoán chẳng những “Tư lệnh Tối cao của quân đội phương Tây chống IS sẽ là người Italia” mà “Italia còn có thể điều 5.000 binh sĩ”. Làn gió chiến tranh thổi mạnh hơn trên bán đảo và người ta không thể không nghĩ đến viễn cảnh phải dự phần vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Theo Mê Linh (tổng hợp)

An ninh thế giới