1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Hiệu ứng Donald Trump” đang thay đổi nước Mỹ ra sao?

(Dân trí) - Ngay cả khi không đắc cử, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump được cho là vẫn sẽ có tác động đến nước Mỹ trong một thời gian dài, báo Washington Post dẫn lời chuyên gia nhận định.


Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Chiến dịch tranh cử của ông Trump suốt 16 tháng qua được cho là đã tạo ra những hiệu ứng riêng. David Nevins, giám đốc điều hành công ty sản xuất truyền hình Showtime, nhận định: “Dù thắng hay thua, hiệu ứng Trump sẽ còn tác động lâu dài sau cuộc bầu cử. Ông Trump và những người ủng hộ ông ấy đã bằng cách này hay cách khác chỉ trích các nhà lãnh đạo đang tìm cách kiểm soát nền văn hóa đại chúng

Dù là ngưỡng mộ hay khinh ghét ông ấy, nhiều người Mỹ vẫn bị mê hoặc bởi ông Trump và sự mê hoặc đó đang tạo ra một làn sóng nhằm mang lại tính giải trí hoặc thách thức công chúng Mỹ trong những năm tới.

Ông Trump đã khiến nền chính trị ở Mỹ có thêm những bài phát biểu tuy thô ráp nhưng thẳng thắn, không úp mở về các vấn đề như chủng tộc, đảng phái và giới tính. John McWhorter, giáo sư thuộc đại học Columbia, nhận định ông Trump có lẽ là một trong số ít người có ảnh hưởng đề cập đến các vấn đề này.


Mặc dù chiến dịch tranh cử của ông Trump điển hình với những phát ngôn lăng mạ, công kích, nhưng thủ phạm thực sự chính là mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Reuters)

Mặc dù chiến dịch tranh cử của ông Trump điển hình với những phát ngôn lăng mạ, công kích, nhưng thủ phạm thực sự chính là mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Reuters)

Giáo sư Whorter cũng cho rằng, sự thay đổi thực sự của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chính là Facebook và Twitter từ năm 2009. Và ông Trump trở thành một hiện tượng trên các mạng xã. Mặc dù chiến dịch tranh cử của ông Trump điển hình với những phát ngôn lăng mạ, công kích, nhưng thủ phạm thực sự chính là mạng xã hội. Facebook và Twitter đã trở thành kênh giao tiếp hàng ngày của đông đảo người Mỹ, theo đó, hiệu ứng Trump được cho là kết quả hiển nhiên của các lực lượng xã hội và kinh tế trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng biến Mỹ trở thành một quốc gia đối đầu hơn và chia rẽ hơn.

Một số nhà sử học cho rằng, sự thành công của ông Trump là kết quả của những thay đổi hỗn loạn một cuộc cách mạng công nghệ vốn đã làm thay đổi cách mà người Mỹ giao tiếp với nhau. Tại các trường đại học Mỹ, cuộc tranh cãi về quan điểm quốc tế, lập trường chính trị cũng như định nghĩa về tự do ngôn luận có xu hướng gia tăng những năm gần đây.

“Ông Trump không tự nhiên xuất hiện. Ông ấy chỉ khiến mọi thứ vốn đã diễn ra trở nên đậm nét hơn. Trong hai năm tới, các chính trị gia có thể sẽ nhìn vào Trump và tự nhủ nên nhìn nhận thẳng thắn hơn”, Chris Buskirk, một người dẫn chương trình phát thanh ở Arizona, nhận định.


Ông Trump được cho là giúp nhiều người Mỹ dám nói ra những điều mà trước đó họ e sợ. (Ảnh minh họa: Getty)

Ông Trump được cho là giúp nhiều người Mỹ dám nói ra những điều mà trước đó họ e sợ. (Ảnh minh họa: Getty)

Những người ủng hộ ông Trump không thấy các phát ngôn của ông là thô lỗ hay khó nghe, thậm chí họ cho rằng chính ông đã giải phóng giúp họ có thể nói lên tiếng nói của mình, và để họ tin rằng một con người bình thường cũng có thể tạo ra sự thay đổi.

“Ông Trump đã giúp nhiều người có thể nói lên những điều mà trước giờ họ e sợ”, John Lott Jr., giám đốc một trung tâm nghiên cứu phòng chống tội phạm tại Mỹ cho biết.

Frank Luntz, một cố vấn lâu năm của đảng Cộng hòa, cũng cho rằng: “Ban đầu người ta khiếp sợ những phát ngôn của ông ấy. Nhưng thời gian qua đi, họ bắt đầu thích nó và tiếp nhận nó. Họ không còn soi những phát ngôn của ông ấy. Ông Trump đã giải phóng tiếng nói bên trong họ”.

Ông Luntz cho biết thêm, có nhiều phụ huynh chia sẻ với ông rằng, con cái của họ cũng bắt đầu sử dụng ngôn ngữ của ông Trump ở trường học. Trong khi đó, giáo viên tại các trường học ở Mỹ cũng phản ánh việc các học sinh nhập cư ngày càng lo ngại về nguy cơ bị trục xuất kể cả khi gia đình các em là những công dân Mỹ hợp pháp. “Những học sinh này thường hỏi, tại sao ông ấy (Trump) lại ghét bọn con. Chúng con không làm gì sai cả”, một giáo viên cho biết.

Nỗi sợ hãi này không dừng lại ở trẻ em. Washington Post dẫn câu chuyện của bác sĩ tâm lý Bernard Vittone cho biết, một bệnh nhân của ông gần đây tâm sự rằng anh ta thường xuyên bị mất giấc do lo ngại ông Trump thành tổng thống sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh hạt nhân. “Chưa bao giờ tôi lại phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân như thế này, cứ mỗi tuần có khoảng 4 bệnh nhân nói rằng họ hoang mang sợ hãi nếu một ứng viên tổng thống đắc cử. Họ có thể không ưa bà Clinton, nhưng không sợ bà ấy, họ có thể không thích Bush hay Obama, nhưng những người đó cũng không bao giờ khiến họ lo sợ”, bác sĩ Vittone nói.

Minh Phương

Tổng hợp