1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EKV bị chê vô dụng, Mỹ phát triển vũ khí mới

Dù có năng lực đánh chặn cực tối tân nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định phát triển đạn tên lửa đánh chặn mới thay cho EKV hiện nay.

Tạp chí Defense News dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đồng thời ký hợp đồng với 3 nhà thầu Boeing, Lockheed Martin và Raytheon để phát triển thiết bị đánh chặn mới trang bị cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao.

Vũ khí đánh chặn mới có tên gọi Multi-Object Kill Vehicle (MOKV) sẽ thay thế vai trò của thiết bị EKV hiện đang được Mỹ tin dùng. MOKV sẽ ưu việt hơn nhờ khả năng xác định chính xác đầu đạn tên lửa lẫn trong mồi bẫy và mảnh vụn của tên lửa đẩy.

Phần chiến đấu của tên lửa PLV.
Phần chiến đấu của tên lửa PLV.

Trước khi Mỹ hé lộ về chương trình thay thế EKV này, tên lửa đánh chặn Payload Launch Vehicle (PLV) đang được trang bị phần chiến đấu EKV - theo đánh giá của Mỹ là cực tối tân.

Đầu đạn EKV được trang bị hệ thống dò tìm hồng ngoại, cùng bộ điều khiển và chuyển hướng với 4 tên lửa đẩy được lắp trên thân. Một đầu đạn EKV có thể đạt vận tốc siêu vượt âm cùng khả năng chuyển hướng mà không làm giảm độ chính xác, giúp nó có thể tiếp cận và tiêu diệt những tên lửa hiện đại nhất.

Ngoài khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu thì hệ thống trung tâm chỉ huy và điều khiển được xem như là bộ não của 1 hệ thống NMD. Hệ thống chịu trách nhiệm theo dõi những mối đe doa tên lửa ngay sau khi có thông tin được đưa ra từ những nước khác.

Thông tin về tên lửa của đối phương bao gồm quỹ đạo và phạm vi ảnh hưởng có thể xảy ra được chuyển đến trung tâm dựa trên những vệ tinh và hệ thống radar trên mặt đất. Chỉ sau 20 phút từ khi có thông tin về tên lửa đối phương, hệ thống tên lửa đánh chặn đã được chuẩn bị sẵn sàng và được lập trình bởi thông tin thu được từ radar.

Chỉ 2 phút sau khi tên lửa đánh chặn được phóng lên, đầu đạn EKV sẽ tự động tách ra khỏi phần động cơ tên lửa. Trước khi tách ra, EKV sẽ được cập nhật những thông tin cuối cùng về vị trí và quỹ đạo của mục tiêu, sau đó nó sẽ tự động xác định mục tiêu và dẫn đường bằng các cảm biến của mình.

Một trong những hệ thống dẫn đường của EKV là dựa trên vị trí của những chòm sao, bằng việc so sánh vị trí tương đối với 1 chòm sao, EKV có thể tự xác định và dẫn đường đến mục tiêu.

Hoạt động của đầu đạn EKV sau khi tách khỏi tên lửa là hoàn toàn độc lập, nó không nhận được bất kỳ sự hướng dẫn hay thông tin nào khác từ trung tâm.

Tuy nhiên hoạt động của EKV là vô cùng chính xác, chỉ 6 phút sau khi tách khỏi tên lửa nó sẽ tự động dẫn đường, tiếp cận mục tiêu và tiêu diệt. Vụ va chạm ở độ cao gần 200km do đó không gây thiệt hại gì cho những khu vực dưới mặt đất.

Thông tin về cách đánh chặn của EKV là cực ấn tượng, tuy nhiên theo nhận định của quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Steven Pifer, chừng ấy là chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả đòn tấn công từ những tên lửa đạn đạo vào nước Mỹ.

Đồng thời vị quan chức này đã nhắc lại vụ tai tiếng với hệ thống phòng thủ đa tầng của Mỹ hồi năm 2016 khi lực lượng này không hề phát hiện quả tên lửa Trường Chinh 7 của Trung Quốc đang bay trên bầu trời Mỹ.

Vụ việc chỉ được người dân phát hiện bằng mắt thường khi nó bay quá gần. Ông Steven Pifer đặt câu hỏi: Vụ việc sẽ nghiêm trọng thế nào với nước Mỹ nếu Trường Chinh 7 là quả tên lửa tấn công.

Clip hệ thống phòng thủ Mỹ đánh chặn tên lửa đạn đạo:

Theo Tuấn Vũ

Đất Việt